Ảnh minh hoạ, nguồn: Dân Trí.
Không phải cứ có nhiều GS và PGS là vui, mà đôi khi ngược lại. Có những học hàm, học vị chỉ đem đến niềm vui cho bản thân người cần, bởi vì đó chỉ là những hư danh, không đóng góp được gì cho xã hội. Những hoài nghi về chất lượng PGS và GS năm 2017 không phải không có cơ sở.
Có được bao nhiêu phần trăm thực chất trong số lượng GS, PGS này?
Sẽ khó trả lời được câu hỏi trên giấy tờ vì các con số biến hóa theo đúng quy trình, nhưng thiết nghĩ cũng không cần, vì nó được trả lời bằng thực tế. Có bao nhiêu trong số GS và PGS được giới học thuật thế giới biết đến, có bao nhiêu trong các nhà khoa học này có công trình áp dụng được vào đời sống hiệu quả, hình như không có, hoặc rất ít. Vậy thì nhiều GS như thế hay nhiều lần hơn nữa cũng chẳng ích gì cho đất nước.
Trong các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay trên khắp cả nước, hầu hết là dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc nhập từ các nước, không thấy sản phẩm có bóng dáng của các nhà khoa học trong nước.
Hàng nông sản Việt Nam không có giá trị gia tăng và sản phẩm xuất khẩu được quá ít, thậm chí bị nông sản các nước lấn sân là vì công nghệ sau thu hoạch hạn chế.
Máy móc trên ruộng đồng cũng nhập từ các nước để thay con trâu cái cày, nhưng cũng chưa thay hết được cơ bắp của con người. Nhiều nhà khoa học của chúng ta đang lo những chuyện bằng cấp cho sang cái danh thiếp, lo chức vụ để làm việc ngoài khoa học, nên trình độ nông nghiệp của một nước nông nghiệp như Việt Nam chỉ có thế.
Trên các kênh truyền thông, tin đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nhiều, nhưng tin về công trình khoa học, sản phẩm sáng chế, sáng tạo, phát minh thiếu vắng. Tất nhiên, có những PGS, GS thuộc nhiều ngành khác nhau, sản phẩm khoa học của họ áp dụng vào những lĩnh vực khoa học xã hội nên không làm ra máy móc cụ thể, nhưng từ thực tế của một lĩnh vực, có thể thấy được chất lượng chung.
Trong cơn cao trào bằng cấp, học hàm, học vị, nhiều trường thu hút đông đúc người đi học sau đại học, xu hướng phổ cập thạc sĩ rất rõ. Với xu thế này, sẽ tiến tới phổ cập tiến sĩ.
Trong tương lai, Việt Nam là nước có tỉ lệ thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS cao nhất thế giới tính trên đầu dân.
Chỉ có điều, người có tiền thì đi du học, ra nước ngoài chữa bệnh, doanh nghiệp cần máy móc thiết bị cho sản xuất, người dân muốn sử dụng đồ dùng chất lượng thì mua hàng ngoại nhập.
Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động