Thửa đất tại 52 Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo Thông báo về vụ việc thụ lý vụ án dân sự số 34/TBTL-TA ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân quận Long Biên, cơ quan này đã thụ lý vụ án Dân sự số: 34/2017/TLST-DS về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nguyên đơn là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản T-H Hà Nội (số 64 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) do ông Bùi Quang Minh làm đại diện.
Những vấn đề người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bao gồm: Yêu cầu bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn phần diện tích đất khoảng 45m2 giáp đường đê tại thửa đất số 37-1 tờ bản đồ số 52B tại số 52 Ngọc Thụy, tổ 4, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Thông báo thụ lý đơn khởi kiện do Thẩm phán Tô Thanh Phong ký ban hành.
Theo một số tài liệu của UBND quận Long Biên thể hiện, ô lô đất có nguồn gốc là đất thổ cư của ông Lý sử dụng trước năm 1980, thửa đất thể hiện trên bản đồ đo vẽ năm 1986, thuộc thửa số 37, tờ bản đồ số 10, diện tích 469, sổ dã ngoại lập kèm theo ghi tên Thành Lý. Năm 1994, bà Trần Thị Tâm (vợ ông Lý) chuyển nhượng cho ông Nguyễn Tôn Quang (trú tại Hàng Bún, phường Nguyễn Trung Trực, Hà Nội), diện tích 100m2 (có đơn xin chuyển quyền sử dụng đất thổ cư, được UBND xã Ngọc Thụy xác nhận ngày 21/12/1994).
Năm 2007, ông Quang đã được UBND quận Long Biên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) với diện tích được cấp là 193,5m2 và 48m2 không cấp do nằm trong hành lang bảo vệ đê điều.
Năm 2013, ông Quang chuyển nhượng toàn bộ diện tích 193,5m2 và phần diện tích chưa được cấp giấy nằm ngoài giấy chứng nhận cho ông Bùi Quang Minh. Ông Minh đã được UBND quận Long Biên cấp GCN QSDĐ năm 2013. Đến năm 2014, ông Minh tách làm 5 thửa và đến năm 2015, ông Minh lại gộp 5 thửa thành 1 thửa với diện tích 193,5m2 và 48m2 chưa được cấp GCN.
Cũng theo tài liệu của UBND quận Long Biên, đến tháng 9/2015, ông Minh đang sử dụng 312m2 đất có khuôn viên riêng, trong đó 198,2 nằm trong ranh giới đã được cấp GCN QSDĐ, phần diện tích này đã thể hiện trên bản đồ đo vẽ năm 1986, thuộc thửa đất số 38, tờ bản đồ số 10, diện tích 326m2, sổ dã ngoại mang trên Thành Lý. Bản đồ đo vẽ năm 1993-1996, thuộc một phần thửa đất số 37, diện tích 906m2 (diện tích tăng so với bản đồ năm 1986 là do cộng gộp thửa số 37+38, sổ mục kê năm 1993) ghi tên chủ sử dụng gồm: Trần Thị Tâm 517m2, Trần Thị Thoa 74m2, Nguyễn Tôn Quang 100m2 còn lại là phần diện tích lưu không đê 126m2.
Khi tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng tuyến đê Tả Hồng, Hữu Đuống nối từ cầu Chương Dương đến đường 5 kéo dài, nhà nước cũng xác định ông Bùi Quang Minh là hộ sử dụng tại thửa đất số 37-1, tờ bản đồ số 52B với tổng diện tích 378,1m2 (diện tích thu hồi 53,6m2, diện tích còn lại 324,5m2) để thực hiện đền bù.
Đến ngày 28/01/2016, ông Bùi Quang Minh đã chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư bất động sản T-H Hà Nội, do ông Bùi Quang Minh và bà Phạm Hồng Thúy làm chủ sở hữu.
Đến tháng 7/2016, khi đang tiến hành dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị xây dựng tại khu đất nêu trên, đã có một số đối tượng đến phá dỡ rào tôn, dựng lều lán, chuyển đồ đạc cản trở hoạt động xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản T-H Hà Nội. Mặc dù, ngay lập tức, ông Minh đã trình báo sự việc đến UBND và Công an phường Ngọc Thụy nhưng đến nay vẫn không được giải quyết triệt để. Dẫn đến việc, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản T-H Hà Nội buộc phải khởi kiện ra Tòa án nhân quận Long Biên để giải quyết tranh chấp, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp.
Thế nhưng, theo ông Minh, từ khi Tòa án thụ lý đến nay đã hơn 1 năm, khâu lấy lời khai, đối chất, thẩm định, giám định chữ ký từ tháng 9/2017 nhưng Thẩm phán Tô Thanh Phong vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, trong khi vụ việc đã có án lệ.
“Không hiểu lý do gì thẩm phán chưa đưa vụ án ra xét xử. Bên ngoài thực địa, mới đây, một số đối tượng tiếp tục thay đổi hiện trạng lô đất. Công ty và bản thân tôi không có nguồn thu nhập gì khác ngoài lô đất này. Rõ ràng, các diễn biến diễn ra dồn dập khoảng thời gian gần đây, trong khi vụ án chưa được đem ra xét xử là chứa đựng nhiều điều bất thường. Ngoài ra, đối với các hoạt động làm ảnh đến trật tự văn minh đô thị của địa phương, UBND và Công an phường Ngọc Thụy cũng không có động thì gì để xử lý khiến gia đình chúng tôi rất mệt mỏi” - Ông Bùi Quang Minh cho hay.
Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ngày 26/12/1994.
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát.
Liên quan đến vụ án tranh chấp, theo Kết luận giám định số 420/C54-P5 của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát) cũng xác định, đối với tài liệu cần giám định là Giấy chuyển nhượng nhà đất ghi ngày 26/12/1994, chữ ký “Tâm” ở mục “Bên nhượng” trên tài liệu cần giám định so với chữ ký của Trần Thị Tâm trên hai tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 do cùng một người ký ra.
Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý những kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị Tòa án nhân quận Long Biên đảm bảo thời hạn tố tụng, đồng thời xem xét, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, nâng cao tránh nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong việc thực hiện các quyền và các nghĩa vụ tố tụng của họ làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự;
Thứ hai, đề nghị UBND quận Long Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Phòng Quản lý đô thị, UBND phường Ngọc Thụy, Công an phường Ngọc Thụy, Đội Thanh tra Xây dựng quận Long Biên… khẩn trương vào cuộc, thiết lập hồ sơ, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm trật tự xây dựng, văn minh đô thị, đồng thời, ban hành văn bản giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân trong vụ việc này;
Thứ ba, đề nghị Chi bộ, Tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư có phương án hòa giải giữa các hộ dân. Qua đó, góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định.
- Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự; tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 26 và Điều 28 của BLTTDS thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án tranh chấp về dân sự; tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, có thể có thời gian hoãn phiên tòa, thời gian tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
|
Phan Anh Tuấn