Nói chuyện tại lớp học về quan hệ quốc tế đa phương trong tình hình hội nhập quốc tế, do Bộ Ngoại giao tổ chức, đang diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Khoan cho rằng, hiện nay, trong các hoạt động lễ tân, lễ lạt còn quá rườm rà, dễ thấy nhất là trong khâu giới thiệu.
Ông cho biết, từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký một Nghị định về việc “thưa, gửi” rồi, nhưng đến giờ, chúng ta tổ chức bất kỳ sự kiện nào cũng vẫn thưa, gửi cả trang giấy, cả nguyên lãnh đạo cũng phải giới thiệu. “Tôi không muốn giới thiệu là nguyên Phó Thủ tướng. Vì tôi bây giờ là tôi chứ thêm nguyên Phó Thủ tướng vào thì có ý nghĩa gì?”.
Bệnh háo danh đã trở nên trầm trọng trong xã hội (Ảnh minh họa: QĐND)
Ai đã từng gặp và tiếp xúc với ông Vũ Khoan mới thấy, ông thực sự là một người rất mộc mạc, chất phác và chân thành. Trong câu chuyện tại lớp học này, ông Vũ Khoan bày tỏ sự lo lắng, bởi sự rườm rà trong việc giới thiệu tên tuổi cho thấy rõ hơn về căn bệnh háo danh của không ít người hiện nay. Chính căn bệnh này đã khiến những người làm công tác tổ chức, lễ tân rất vất vả, khổ sở. Giới thiệu thì rườm rà, mất thời gian, không giới thiệu thì lại sợ thượng khách phật ý. Theo ông Vũ Khoan, ở các sự kiện chỉ nên giới thiệu người có chức vụ cao nhất.
Đã có lần nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ về cách giới thiệu đại biểu tham dự các chương trình, đặc biệt là các chương trình lớn, có truyền hình trực tiếp. Lần gần đây nhất, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản và tổng đạo diễn chương trình tưởng niệm “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ” kỷ niệm 45 năm ngày hy sinh của các anh hùng liệt sĩ ở Hang Tám Cô, Đường 20 Quyết Thắng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chương trình này có rất nhiều quan khách tham dự nhưng ông đã quyết định cắt bỏ toàn bộ phần giới thiệu thành phần mà đi thẳng vào phần nội dung chính. Theo quan điểm của ông “Đó là cách tôn trọng khán giả, người dân”.
Lâu nay, căn bệnh háo danh, thích khoe trương đã ăn sâu vào tâm thức của quá nhiều người. Thế mới có chuyện, người ta bỏ tiền ra để có đủ thứ bằng cấp từ đơn giản đến cao cấp, lăn xả vào công cuộc phong hàm giáo sư, phó giáo sư dù không cần thiết và không đủ chuẩn.
Cách tính lương hiện nay của chúng ta là theo kiểu bình quân, thang bảng chứ không theo vị trí việc làm. Chính vì thế mà chức danh, chức vụ gắn liền với quyền lợi. Dễ thấy, vào bệnh viện khám chữa bệnh, “khám giáo sư” thường bệnh nhân phải trả tiền gấp rưỡi, gấp đôi. Điều này không có nghĩa, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay tiến sĩ khám bệnh, chữa bệnh không giỏi, không tốt bằng giáo sư. Nhưng dân chỉ cần thấy có GS, PGS đứng trước cái tên của bác sĩ là thấy yên tâm hơn hẳn, dù có phải trả tiền cao hơn cũng cam lòng.
Phấn đấu, rèn luyện để phát triển có một chữ danh chính đáng là điều mà nhiều người hướng tới. Đây chính là động lực để con người phấn đấu, tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có không ít người sa đà vào con đường danh vọng, háo danh, ham chuộng địa vị một cách thái quá. Họ sẵn sàng trà đạp lên tất cả để có được một chức danh, địa vị trong xã hội.
Khi đã có trong tay quyền lực, danh vị, họ lại tìm cách vun vén, thu lợi cho bản thân, lôi kéo bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, cản trở những người cấp tiến… Thậm chí, họ sử dụng danh tiếng, địa vị của mình để bao che, bảo kê cho những hoạt động sai trái, các loại tội phạm. Trường hợp của cựu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa là một ví dụ.
Vì căn bệnh háo danh mà lạm phát cán bộ lãnh đạo; nhiều ngành, nhiều địa phương bỏ qua mọi tiêu chuẩn, qui trình để bổ nhiệm lãnh đạo không đạt chuẩn. Để việc điều hành ngành, lĩnh vực, địa phương… rơi vào tay những kẻ háo danh, bất tài thì thực sự là mối nguy hại vô cùng lớn đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Bây giờ phải giải quyết thế nào với một bộ máy đã “phình” quá lớn?
Theo An Nhi/VOV.VN