Tàu khai thác cát trái phép ở huyện Nam Sách. Ảnh minh họa: Báo TN&MT
Theo phản ánh của người dân thôn xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, từ năm 2017 đến tháng 3/2018, xuất hiện tình trạng một số đối tượng mang tàu cỡ lớn đến các khu ruộng hút cát trái phép ở lạch sông tại thôn An Điền và thôn Chi Đoan gây sạt lở đất trên diện rộng.
“Chúng tôi là những người có ruộng quanh khu vực trên có tập trung ra đuổi, nhưng những đối tượng khai thác cát trái phép còn tỏ thái độ thách thức, dọa ngược lại người dân. Nhiều lần chúng tôi báo với chính quyền xã, cả một thời gian dài sự việc không được giải quyết. Đến khi lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo mới xử lý được vài vụ, tuy nhiên với chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe nên tình trạng khai thác cát lại tái diễn, thậm chí có phần trắng trợn hơn trước” – Bà Trần T.T (người dân có ruộng thầu tại xã Cộng Hòa) cho biết.
Theo đánh giá của các hộ dân, hệ quả của tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan đã làm sạt ở khoảng 15 mẫu ruộng 721 và đất công điền trên địa bàn các thôn An Điền và Chi Đoan, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách.
Đáng nói hơn, có những thửa ruộng được người dân trồng hoa màu sắp đến ngày thu hoạch, vậy nhưng không trụ nổi trước áp lực khai thác ngày đêm của các đối tượng cát khiến thành quả của người nông dân bị trôi sông trong đau đơn, uất nghẹn.
Tình trạng khai thác cát diễn ra ngang nhiên, thế nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đến thì mọi hoạt động lại im bặt như không có chuyện gì xảy ra. Và chỉ khoảng vài tiếng sau, tiếng máy nổ, máy hút lại gầm rú gây náo loạn cả một khúc sông.
Trao đối với báo chí về vụ viêc này, Trung tá Nguyễn Minh Trường – Phó Trưởng Công an huyện Nam Sách cho biết, Công an huyện đã làm việc với người tố và phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, bắt giữ và xử lý quyết liệt đối với hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn. Đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Cộng Hòa không còn tái diễn.
Cũng cần phải nói thêm, không chỉ riêng huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tại nhiều địa phương khác tình trạng khai thác còn diễn ra ngang nhiên, công khai, có tính chất lộng hành bởi nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành, địa phương còn yếu khiến dư luận nghi ngờ có quan hệ lợi ích nhóm; các lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, thiếu phối hợp chặt chẽ...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, dư luận đang mong mỏi các cấp chính quyền có các biện pháp xử lý sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản và văn bản số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015, văn bản số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017;
Hai là, đẩy mạnh đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép; điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, cầm đầu và nhóm lợi ích tham nhũng bao che; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan để khởi tố và xét xử điểm một số vụ án có liên quan hoạt động khai thác cát, sỏi;
Ba là, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy, kiên quyết xử lý phương tiện hoạt động không có đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi quá tải, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp;
Bốn là, cần tiến hành rà soát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa; đối với các dự án cấp bách, đúng quy hoạch, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật của tuyến luồng và môi trường cho phép.
Phan Anh Tuấn