Căn biệt thự của gia đình ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh ngaynay.vn)
Choáng ngợp với tài sản “khủng” của “quan xã”
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về việc ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hoá) sở hữu khối tài sản “khủng” gồm biệt thự, đất đai…Thêm vào đó là “nghi vấn”, vị “quan xã” nổi tiếng này “chống lưng” cho người thân khai thác, chế biến đá tại vùng trọng điểm cung ứng vật liệu xây dựng.
Yên Lâm là một xã miền núi thuộc huyện Yên Định (Thanh Hoá), vốn là một xã thuần nông, đời sống người dân nhiều khó khăn vì vậy việc lãnh đạo xã sở hữu tài sản khủng rất được chú ý.
Dù được truyền tai, nhưng phải chứng kiến tận mắt mới thấy sự bề thế của căn nhà gia đình ông Thái, nếu không muốn nói to nhất nhì trong vùng, nằm trên trục đường tỉnh lộ chạy qua xã Yên Lâm. Căn nhà được thiết kế theo đúng kiểu biệt thự hạng sang, ngôi nhà của ông Thái được đánh giá là có giá trị nhiều tỷ đồng.
Theo một nguồn tin đã được kiểm chứng, ngoài căn biệt thự này, ông Thái còn sở hữu khoảng 30 ha đất nông - lâm nghiệp theo diện 50 năm. Tất cả những mảnh đất này đều nằm tại các vị trí rất đẹp, sát theo các trục đường chính, theo đánh giá của người dân địa phương là “không phải ai cũng có thể sở hữu được”.
Nguồn tin này cũng cho hay ông Thái thường xuyên đi lại bằng các loại ô tô đắt tiền, có chiếc gần 5 tỷ đồng.
Trao đổi với người dân trong xã được biết, gia đình ông Thái mới “phất” lên thời gian gần đây và dư luận cho rằng nguồn gốc tài sản “khủng” của gia đình ông có liên quan đến hoạt động khai thác đá.
Trả lời về những dư luận liên quan đến mình, ông Nguyễn Xuân Thái thẳng thắn thừa nhận mình đang sở hữu một khối tài sản lớn. Vị Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết mình vừa công tác đoàn thể vừa làm nhiều mô hình nông nghiệp như trồng mía, trồng cam, trồng bưởi…
Ngôi biệt thự bề thế được xây trên mảnh đất trước đây mua lại từ việc hoá giá của đồn Công an. Ông Thái còn một mảnh đất thổ cư khác cũng mua lại từ người dân trong xã. Về việc đi lại bằng chiếc xe Lexus sang trọng, ông Thái cho rằng có nhiều con, cháu sở hữu rất nhiều xe ô tô nhưng riêng cá nhân không đứng tên bất cứ chiếc xe nào cả.
Ông Thái cũng cho biết trong bản kê khai tài sản hàng năm đã kê khai rất chi tiết, từng mục một. Về nghi vấn “chống lưng” cho hai doanh nghiệp tư nhân “sân sau”, ông Thái thừa nhận Công ty Minh Thức là của vợ chồng em rể còn Công ty Hoàng Minh là của cháu ruột con ông anh trai.
Tuy nhiên, ông Thái khẳng định bất cứ cán bộ nào mà chẳng có con cháu và quan điểm của ông là mọi việc đều chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Liệu những khẳng định của ông Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Xuân Thái có đúng như thực tế đang diễn ra ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định.? (1)
“Thâm cung bí sử” đằng sau những doanh nghiệp gia đình
Xã Yên Lâm nằm trên tỉnh lộ 518, là trục đường chính vận chuyển đá từ các mỏ trong huyện Yên Định ra thành phố và chuyển đi các tỉnh phía Bắc. Tại Yên Lâm có khoảng 43 doanh nghiệp khai thác đá, phần lớn không đăng ký khai thuế và nộp thuế trên địa bàn. Trong đó gia đình ông Thái được cho là sở hữu hai doanh nghiệp khai thác đá lớn nhất nhì vùng. Đó là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh và Công ty TNHH Minh Thức. Hai doanh nghiệp này do người thân trong gia đình ông Thái đứng tên và hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp các mặt hàng liên quan đến đá.
Phía bên ngoài doanh nghiệp Minh Thức.
Yên Lâm mới được quy hoạch là nơi cung ứng vật liệu xây dựng cho tỉnh Thanh Hoá và hai doanh nghiệp Hoàng Minh và Minh Thức đều đang sở hữu những mỏ đá thuộc diện tốt nhất ở Yên Lâm.
Điều đáng lưu ý, hoạt động khai thác đá đang đem tới cho Yên Lâm hiểm hoạ về môi trường. Ghi nhận thực tế cho thấy đường xá trong khu vực đều hư hỏng và đi lại rất khó khăn, nguy hiểm do hàng ngày các xe chở đá chạy suốt ngày đêm. Người dân cũng cho biết hai năm nay họ sống trong thảm cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng từ bụi khai thác đá và xe chở đất, đá gây ra. Người dân đã kêu cứu nhiều nơi nhưng chính quyền xã không có động thái tích cực giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng trong lúc “việc công” không được chú trọng giải quyết, thì lãnh đạo cao nhất xã là ông Thái lại đặc biệt ưu ái cho hoạt động khai thác đá của 2 doanh nghiệp “người nhà”. Mới đây, doanh nghiệp Hoàng Minh còn được cho là đã có những động thái “áp phe” khiến một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Thanh Hoá phải ngậm ngùi nhượng lại cho mình một mỏ đá lớn dù đã trúng thầu thành công. (2)
Xung quanh những phản ứng của người dân và dư luận về ông Nguyễn Xuân Thái và hoạt động của doanh nghiệp người nhà là Công ty TNHH Minh Thức, đặc biệt là việc Công ty này chế biến đá và thải nước thải trực tiếp ra môi trường, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hoàng Minh vẫn đang hoạt động, khai thác đá theo giấy phép được cấp, còn Công ty TNHH Minh Thức hiện tại đã ngừng khai thác đá từ lâu. Hiện tại Công ty này lấy đá từ Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hoàng Minh để chế biến đá.
Công ty TNHH Minh Thức gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ lâu nay nhưng vẫn không bị xử lý. (Ảnh baophapluat.vn)
“Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn khai thác đá từ lâu và hiện tại chưa có giấy phép khai thác đá, họ chỉ lấy đá từ bên công ty Hoàng Minh sang để chế biến đá. Trước đây, sau khi hết hạn trong giấy phép, phía công ty Minh Thức đã xin tạm dừng khai thác đá và làm thủ tục xin mở rộng mặt bằng mỏ và thăm dò trữ lượng khoáng sản. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt phương án và chờ họ hoàn tất thủ tục, nộp tiền để cấp giấy phép mới. Vài năm trước, do xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc khai thác đá nên tỉnh đã không đồng ý cho khai thác kiểu hàm ếch vì sẽ gây sập mỏ. Có thể, họ xin tạm dừng để cơ quan chức năng không thu hồi mỏ, và trong thời gian đó họ xin mở rộng mặt bằng mỏ”, ông Hoành cho biết.
Trả lời về việc, đã hết hạn khai thác thì phải đóng cửa mỏ và di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất đi tại sao phía Công ty Minh Thức vẫn hoạt động trên khu vực mỏ bình thường như vậy, ông Hoành cho biết: “Theo nguyên tắc là hết hạn trong giấy phép thì phải đóng cửa mỏ và di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất đi nơi khác. Tuy nhiên, theo thăm dò thì trữ lượng mỏ rất lớn, phải nhiều năm khai thác mới hết. Và họ xin tạm dừng để mở rộng thêm mặt bằng mỏ, bản chất là cấp phép một mỏ mới có mặt bằng rộng hơn trên nền tảng mỏ cũ. Bên cạnh đó, mỏ khai thác của Công ty TNHH Minh Thức không nằm trong khu vực đấu giá, vả lại công ty Minh Thức cũng có nhiều cơ sở vật chất xây dựng trên mặt bằng mỏ cũ nên việc di chuyển đi cũng là điều khó khăn cho nên tỉnh cũng tạo điều kiện cho họ”.
Theo một chuyên viên của Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, khi mỏ khai thác đá của Công ty Minh Thức đã hết hạn khai thác thì làm văn bản xin tạm dừng như Công ty Minh Thức làm là thừa, vì nếu làm thủ tục mở rộng mỏ thì coi như là cấp phép một mỏ mới và làm hồ sơ lại toàn bộ để cấp phép.
Giấy phép khai thác đá và thuê đất của Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn từ năm 2011.
Ngày 20/9/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 2847/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty TNHH Minh Thức với thời hạn 36 tháng. Trong đó, diện tích thuê đất là 37.115 mét vuông, diện tích khai thác là 21.578 mét vuông, diện tích khai trường là 15.537 mét vuông.
Đến ngày 08/12/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định số 4371/QĐ-UBND về việc gia hạn giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty TNHH Minh Thức theo như quyết định số 2847 /QĐ-UBND ngày 20/9/2007 đã ký trước đó. Thời hạn khai thác và thuê đất được gia hạn đến ngày 30/4/2011 thì hết hiệu lực.
Như vậy, Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn giấy phép khai thác đá và thuê đất từ ngày 30/4/2011.
Cho đến ngày 24/4/2013, phía Công ty Minh Thức đã có tờ trình xin mở rộng mỏ đá và ý kiến đề xuất của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa tại công văn số 1553/STNMT-TNKS ngày 27/5/2013. Thì lúc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 3922/UBND-CN ngày 4/6/2013 chấp nhận chủ trương cho phép Công ty Minh Thức thăm dò khoáng sản tại khu vực mỏ muốn mở rộng và làm cơ sở để lập dự án khai thác khoáng sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây nhất, ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 1687/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền hoàn trả kinh phí thăm dò mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Minh Thức.
Quyết định số 1687/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền hoàn trả kinh phí thăm dò mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Minh Thức.
Theo cách tính tại quyết định này thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty Minh Thức là 2,485 tỷ đồng với thời hạn khai thác là 30 năm, số tiền hoàn trả kinh phí thăm dò là 54,119 triệu đồng. Như vậy, Công ty Minh Thức đã hết hạn khai thác từ ngày 30/4/2011 và đến giờ chỉ cần qua một số văn bản tạm dừng, tờ trình, quyết định thì chỉ đợi Công ty Minh Thức nộp tiền vào là lại tiếp tục có giấy phép khai thác do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp với mỏ có diện tích rộng hơn (3).
Dân sống trong hiểm hoạ ô nhiễm
Trong khi đó, hiện trạng ô nhiễm do khai thác đá tại Yên Lâm rất nghiêm trọng. Những chiếc xe tải công suất lớn rầm rầm chạy trên các tuyến đường và khói bụi đã trở thành “đặc sản” ở nơi đây. Hầu hết các cơ sở sản xuất và chế biến đá (bao gồm cả 2 DN người nhà vị bí thư kiêm chủ tịch nêu trên đều chưa có hệ thống xử lý chất thải, xử lý bột đá sau khi chế biến, sản xuất mà chỉ đào các hố cho nước và bột đá chảy tràn lan đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất của công nhân và người dân quanh khu vực.
Bụi đá làm ô nhiễm cả nguồn nước và không khí tại Yên Lâm.
Tại thực địa, máy xẻ, máy nghiền đá hoạt động bụi mù mịt tuôn ra trong khi đó công nhân không có đồ bảo hộ tối thiểu ngược lại họ trực tiếp hít khí bụi này. Được biết, bụi phổi là bệnh thường gặp phải do hàm lượng silic (SiO2 tự do) trong các công trường sản xuất đá ở Yên Lâm luôn cao hơn nhiều lần mức cho phép. Chưa có thống kê cụ thể về số người mắc bệnh từ vấn đề ô nhiễm này nhưng người dân xã Yên Lâm luôn mang một nỗi lo lắng thường trực về vấn đề bệnh tật từ việc ô nhiễm khói bụi, nguồn nước sinh hoạt.
Việc khai thác đá tại Yên Lâm đang khiến cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh ngaynay.vn)
Bà Lê Thị H, 46 tuổi, nhà nằm ngay sát trục quốc lộ 518 đoạn rẽ vào làng nghề đá Yên Lâm chia sẻ: Ngày nào bụi cũng phủ kín nhà, dù đã lắp cửa kính rồi nhưng cũng không ăn thua. Nói là chúng tôi ăn cơm trộn bụi thì hơi quá nhưng ở đây đúng là chẳng bao giờ sạch sẽ được…
Theo như bà H, hầu hết các công ty đều xả thẳng nước thải ra môi trường, người dân bị các bệnh về đường hô hấp xảy ra rất nhiều đặc biệt là trẻ nhỏ, người già… Ô nhiễm nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý nên người dân ở Yên Lâm hiện tại luôn “sống trong sợ hãi”. (4)
Chuyện khôi hài khi quan chức làm giàu từ chăn nuôi, trồng trọt?
Trong thời gian gần đây, hàng loạt biệt thự, biệt phủ, tài sản “khủng” của một số quan chức, cán bộ địa phương mà báo chí phản ánh luôn được giải thích, bao biện với điệp khúc “nuôi lợn, làm thêm thối móng tay, bán chổi đót…”, vất vả, một nắng hai sương mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay, được mang ra làm tấm bùa hộ mệnh khi giải trình và chống chế dư luận.
Nhiều người cho rằng, câu chuyện ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hoá) sở hữu khối tài sản “khủng” gồm biệt thự, đất đai là nhờ làm mô hình nông nghiệp như trồng mía, trồng cam, trồng bưởi… là cách giải thích cho xong, không ai chấp nhận nổi. Và càng nguy hại hơn, khi người đứng đầu một xã lại lấy ra làm lý do bao biện.
Từ vụ việc tại xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hoá) cho thấy, dù tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn, những bức xúc của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường từ khai thác đá làm vật liệu xây dựng còn chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã vẫn an nhiên chọn lối sống xa hoa, kệch cỡm, phô trương, hoành tráng, đặc biệt là lối sống đối lập với đa số đồng bào còn nghèo, đã gây ra một sự phản cảm rất lớn.
Nói cách khác, những người được coi là công bộc, là đầy tớ của dân, mà lại xây cái biệt thự trị giá nhiều tỉ đồng, sở hữu hàng chục héc-ta đất nông-lâm nghiệp, đi xe sang giữa một địa phương còn nhiều người dân nghèo thì đó là việc hết sức phản cảm, thể hiện thái độ vô cảm của người cán bộ, đảng viên.
Tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương, thông điệp của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình tượng rất sống, rất hay và rất thực tế. Nó thể hiện sự kiên quyết không thể gì lay chuyển trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hiện nay.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước, từ sản xuất kinh doanh đến tài chính ngân hàng… lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Đặc biệt, trong số đó có cả cán bộ cấp cao ở Trung ương nắm giữ những vị trí quan trọng của nền kinh tế của đất nước. Những người này, họ “chạy chọt, luồn lách, leo cao, chui sâu” vào bộ máy nhà nước, dùng quyền lực tham ô tham nhũng, với số tiền lớn trong thời gian dài. Các cơ quan chức năng đã phát hiện những vụ việc tham nhũng này, hạn chế được thiệt hại về vật chất, tiền của nhà nước lấy lại niềm tin của người dân. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có “vùng cấm”.
Trước thông tin cán bộ sở hữu tài sản “khủng” từ trồng mía, trồng cam, trồng bưởi… đã đến lúc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xác minh, làm rõ những bất thường về nguồn gốc tài sản của ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hoá), cũng như dấu hiệu của việc “chống lưng” cho doanh nghiệp người nhà hoạt động, khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh tại địa phương.
Phan Anh Tuấn (tổng hợp)
----------------------------------------------------
(1) “Thanh Hóa: Quan xã ở biệt thự, đi siêu xe, sở hữu nhiều tài sản khủng” đăng trên Pháp luật Plus số ra ngày 16/8/2017
(2) “Thanh Hoá: ‘Quan xã’ ở biệt thự, đi siêu xe, sở hữu nhiều tài sản khủng?” đăng trên Tạp chí Ngày nay số ra ngày 10/8/2017
(3) “Tiếp vụ “quan xã” ở biệt thự, đi siêu xe: Đã hết hạn khai thác nhưng Công ty Minh Thức không đóng cửa mỏ” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày
(4) “Thanh Hoá: ‘Quan xã' lý giải có tài sản ‘khủng’ nhờ làm…nông nghiệp?” đăng trên Tạp chí Ngày nay số ra ngày 11/8/2017
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|