Khái quát về kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. Trong đời sống chính trị nói chung, quyền lực luôn có xu hướng vận động theo hướng mở rộng, tăng cường vai trò của các chủ thể được trao quyền; vì thế, thực tiễn đó luôn đặt ra yêu cầu phải kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa sự lạm quyền, tha hóa quyền lực. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nguy cơ lạm quyền, tha hóa quyền lực từ phía các tổ chức, cá nhân được trao quyền trong các cơ quan nhà nước.
|
Ảnh minh họa - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Để quyền lực nhà nước được thực hiện đúng, có hiệu quả, không bị lạm dụng, lợi dụng vào các mục đích không hợp pháp, không chính đáng, thì cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực nhà nước là một trong những phương thức quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện dân chủ, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ vững bản chất của chế độ chính trị ở nước ta - vì Nhân dân phục vụ
1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu quyền lực đều thuộc về Nhân dân, do vậy mà có quyền Nhân dân trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện; có quyền Nhân dân giao hay ủy quyền cho một tổ chức hay một nhóm người, thậm chí cho một người thực hiện. Và khi đã giao, đã ủy quyền thì Nhân dân phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát xem tổ chức, nhóm người, cá nhân được giao quyền, ủy quyền có thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao không hay lại lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”2.
Trong bộ máy nhà nước, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Hoạt động của hệ thống các cơ quan này diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tác động trực tiếp và thường xuyên đến quyền, lợi ích của tổ chức và cá nhân ở mọi thành phần xã hội. Do vậy, thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước là yêu cầu khách quan, cần thiết để thực hiện kiểm soát quyền lực của cơ quan này. Để kiểm soát hiệu quả quyền lực của các cơ quan hành chính không chỉ kiểm soát đơn thuần từ phía các cơ quan nhà nước mà quan trọng hơn là cần phải thiết lập cơ chế kiểm soát của xã hội từ bên ngoài, trước hết là cơ chế kiểm soát thường xuyên và có hiệu quả từ hoạt động kiểm soát của xã hội, của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và Nhân dân.
Hoạt động kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước là theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị của các cá nhân hay cộng đồng dân cư trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, báo chí, phương tiện truyền thông và các tập thể lao động đối với hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, phòng nhằm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Để hoạt động kiểm soát của xã hội có hiệu quả, nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện thể chế pháp lý về kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Hoạt động kiểm soát của xã hội đối với cơ quan hành chính có những đặc điểm cơ bản sau đây3:
Thứ nhất, kiểm soát của xã hội không mang tính quyền lực nhà nước. Đây là đặc điểm thể hiện sự khác biệt giữa kiểm soát của xã hội với kiểm soát nhà nước. Hoạt động kiểm soát nhà nước là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động này được thực hiện theo kế hoạch như một nghĩa vụ của chủ thể kiểm soát với đối tượng bị kiểm soát. Trong khi đó, kiểm soát của xã hội do các chủ thể không mang quyền lực nhà nước thực hiện như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công dân. Kiểm soát của xã hội biểu hiện dưới hình thức theo dõi, phát hiện, đánh giá, nhận xét, phản biện, kiến nghị, đề nghị những vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Mặc dù không thể hiện tính quyền lực nhà nước nhưng kiểm soát của xã hội có tác dụng rất lớn bởi các kiến nghị, đề nghị, tham vấn chính xác và phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh dư luận xã hội, có thể dẫn đến những sửa đổi, điều chỉnh đối với chính sách, pháp luật, dự án kinh tế - xã hội.
Kiểm soát của xã hội có phạm vi rộng hơn so với kiểm soát trong bộ máy nhà nước, hoạt động kiểm soát này không chỉ dựa trên cơ sở pháp luật mà còn xem xét dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức nên kết quả kiểm soát đem lại hiệu quả cao đối với việc kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước và những người làm việc trong các cơ quan này.
Thứ hai, kiểm soát của xã hội thể hiện tính khách quan, độc lập, công khai. Đặc điểm này xuất phát từ lý do các chủ thể kiểm soát đứng ở bên ngoài đối tượng bị kiểm soát nên việc kiểm soát được thực hiện một cách toàn diện, sự đánh giá, nhận xét, kết luận đảm bảo tính khách quan trong việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Mục đích của hoạt động kiểm soát của xã hội không phải tự thân vì một nhóm người hay cá nhân nào mà vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Hoạt động này không bị ràng buộc bởi các quan hệ phát sinh trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, không bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế nên hoạt động kiểm soát của xã hội thể hiện tính khách quan, công khai trong việc xem xét, đánh giá đối tượng bị kiểm soát.
Thứ ba, kiểm soát của xã hội có tính linh hoạt. Hoạt động này có sự quy tụ nhiều chủ thể thực hiện kiểm soát, trong đó có các chuyên gia, các đại biểu tiêu biểu các tầng lớp nhân dân, có trình độ chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nên hoạt động kiểm soát của xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng và linh hoạt. Nhờ đó các hoạt động kiểm soát của xã hội vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa thể hiện tính xã hội - nghề nghiệp trong quá trình kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tư, kiểm soát của xã hội bổ trợ cho hoạt động kiểm soát nhà nước. Trong chế độ chính trị nhất nguyên, kiểm soát của xã hội không nhằm mục đích kiềm chế hay đối trọng với hoạt động kiểm soát nhà nước mà ngược lại nó bổ trợ cho hoạt động kiểm soát của nhà nước đạt hiệu quả. Thông qua mối quan hệ giữa các chủ thể kiểm soát của xã hội, các chủ thể thực hiện kiểm soát nhà nước gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ kịp thời phát hiện các hành vi sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và những cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan này như hành vi cửa quyền, hách dịch, tham nhũng… Từ đó kịp thời kiến nghị các giải pháp xử lý để trừng trị, răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của lực lượng thi hành công vụ, góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý.
Có thể khẳng định rằng, hoạt động kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước có vai trò quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Hoạt động kiểm soát của xã hội đối với cơ quan hành chính nhà nước ghi nhận, chuyển tải quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiểm soát của xã hội thành các quy định pháp luật; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác trong cơ quan hành chính nhà nước; góp phần bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát của xã hội để kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, lợi ích của Nhà nước, xã hội.
Về phạm vi kiểm soát, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Công đoàn năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định phạm vi kiểm soát đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Đồng thời, nhiều văn bản pháp luật cũng ghi nhận phạm vi kiểm soát của xã hội đối với các lĩnh vực của hoạt động quản lý hành chính, gắn với chức năng và nhiệm vụ của từng chủ thể, mục đích là phát huy lợi thế của các chủ thể, bảo đảm “tính chuyên sâu” trong hoạt động kiểm soát đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để kiểm soát quyền lực của cơ quan này một cách hiệu quả.
Pháp luật hiện hành quy định đa dạng, phong phú các hình thức, phương pháp kiểm soát của hoạt động kiểm soát của xã hội để kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo ra sự thuận lợi cho các chủ thể thực hiện quyền kiểm soát đối với cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện các quy định pháp luật đã tạo ra bầu không khí cởi mở, đối thoại và tạo ra sự đồng thuận giữa chủ thể kiểm soát và các đối tượng kiểm soát trong việc kiếm tìm giải pháp để giải quyết những kiến nghị về kiểm soát của xã hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Pháp luật quy định trình tự, thủ tục khách quan, bảo đảm tính kịp thời, thuận tiện, đại chúng của hoạt động kiểm soát của xã hội đối với cơ quan hành chính nhà nước cho từng loại chủ thể: trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trình tự, thủ tục kiểm soát của Ban Thanh tra nhân dân; trình tự, thủ tục của cá nhân công dân qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị của các chủ thể kiểm soát của Nhân dân có trách nhiệm trả lời kiến nghị về kết quả kiểm soát của Nhân dân. Chính quyền địa phương có trách nhiệm lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương4. Đồng thời, pháp luật quy định trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm soát, trách nhiệm giải trình của đối tượng kiểm soát5.
Thực trạng kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, hoạt động kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế:
Một là, các quy định pháp luật về hoạt động kiểm soát của xã hội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như chưa tạo ra sự độc lập của các chủ thể kiểm soát đối với hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thể hiện đầy đủ với tư cách là thiết chế quan trọng bậc nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Pháp luật chưa thiết kế được mô hình bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động độc lập; do vậy, trên thực tế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào chính đối tượng bị kiểm soát là các cơ quan hành chính nhà nước về ngân sách, biên chế, dẫn đến tình trạng các chủ thể kiểm soát của xã hội rất khó độc lập khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hai là, pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung quy định vai trò kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong khi đó các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ kiểm soát của các tổ chức thành viên của Mặt trận để kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước rất mờ nhạt, chủ yếu là một số quy định về trách nhiệm của các tổ chức này trong việc động viên hội viên và Nhân dân tham gia kiểm soát.
Ba là, các quy định pháp luật hiện hành chưa xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả giữa hai loại hình kiểm soát của xã hội với kiểm soát của Nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) để kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước. Một số quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của đối tượng bị kiểm soát là cơ quan hành chính nhà nước chưa thật rõ ràng, cụ thể, minh bạch, do vậy, hiệu quả hoạt động kiểm soát chưa cao. Việc phối hợp giải quyết kiến nghị của các chủ thể kiểm soát của xã hội và khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của Nhân dân; vẫn còn tình trạng một số kiến nghị kiểm soát giải quyết kéo dài, không dứt điểm.
Bốn là, về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động kiểm soát, pháp luật chưa tạo ra cơ chế công khai, cung cấp thông tin trong hoạt động kiểm soát, chưa xác định rõ trình tự, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận giải quyết kiến nghị kiểm soát. Mặc dù hành lang pháp lý về quyền tiếp cận thông tin đã tương đối đầy đủ nhưng khả năng tiếp cận thông tin của các chủ thể kiểm soát của xã hội còn hạn chế.
Năm là, pháp luật chưa có quy định bắt buộc hoặc chưa có biện pháp chế tài thích hợp với các cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc không hoặc chậm tiếp nhận và xử lý kết quả kiểm soát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị. Có thể nói, kiểm soát của xã hội là kiểm soát không chế tài, ràng buộc trách nhiệm cho nên khâu thực hiện sau kiểm soát chưa cao6. Một số quy định về kiểm soát của xã hội đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) vẫn còn chung chung, thiếu cụ thể.
Sáu là, pháp luật về kiểm soát của xã hội chưa bảo đảm tính toàn diện, thống nhất và đồng bộ; tồn tại những quy định thiếu tính khả thi, hình thức.
Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả kiểm soát của xã hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước
Thứ nhất, bảo đảm tính độc lập của các chủ thể thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phải bảo đảm tính độc lập của chủ thể thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội trong hoạt động kiểm soát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội, các chủ thể kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đối với cơ quan hành chính nhà nước tránh được sự lệ thuộc của các chủ thể kiểm soát đối với đối tượng kiểm soát là cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm sự phối hợp giữa hoạt động kiểm soát của xã hội với hoạt động kiểm soát nhà nước trong việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ hai, xác định rõ hơn phạm vi kiểm soát của xã hội đối với hoạt động công vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tiếp tục rà soát, sửa đổi những quy phạm mâu thuẫn với nhau, bãi bỏ các quy phạm không còn phù hợp và bổ sung những quy phạm mới liên quan đến hoạt động kiểm soát của xã hội và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm soát trong các lĩnh vực tương ứng với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ ba, cần đa dạng hóa các hình thức và phương pháp kiểm soát của xã hội đối với hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, quy định nhiều hình thức và phương pháp kiểm soát phù hợp để các chủ thể kiểm soát của xã hội, nhất là cá nhân công dân thực hiện góp ý, phản ánh, gửi kiến nghị về hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thông qua quy phạm pháp luật về thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; thông qua quy phạm pháp luật về việc thực hiện quyền tự do ngôn luận đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, cần quy định về thời gian trình tự, thủ tục công bố công khai rộng rãi việc nhận và tiếp nhận thông tin về kiến nghị kiểm soát; quy định về thời gian, trình tự, thủ tục xác định trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị kiểm soát; bổ sung các chế tài đối với trường hợp không tiếp nhận, hoặc tiếp nhận nhưng trả lời không đúng thời gian luật định của cơ quan, người có thẩm quyền; bổ sung các biện pháp theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và trả lời việc tiếp nhận kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đối với các kiến nghị của các chủ thể kiểm soát của xã hội.
Thứ tư, phát huy vai trò của báo chí trong việc kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước. Giám sát và phản biện xã hội được xem là chức năng quan trọng của báo chí, thực tế thời gian qua cho thấy báo chí đã phát huy được vai trò của mình trong việc kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nói riêng thông qua việc báo chí phát hiện nhiều vụ, việc tiêu cực liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ, trong đó có những vụ, việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; báo chí thực hiện kiểm soát quyên lực bằng giám sát và phản biện của báo chí về công tác cán bộ.
Do vậy, trong thời gian tới để nâng cao vai trò kiểm soát của báo chí đối với các cơ quan hành chính nhà nước cần tăng cường tính Đảng, tính chiến đấu của báo chí, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí; xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có hiểu biết chuyên sâu về tổ chức bộ máy nhà nước, có trình độ tác nghiệp báo chí tốt; đồng thời hoàn thiện thể chế, mở rộng tính công khai và dân chủ hóa trong đời sống xã hội để kiểm soát hiệu quả quyền lực của các cơ quan hành chính7.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các chủ thể thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm cho các chủ thể kiểm soát có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để kiểm soát. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các chủ thể thực hiện hoạt động kiểm soát của xã hội với các chủ thể thực hiện hoạt động kiểm soát nhà nước trong hoạt động kiểm soát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, quy định rõ quy trình, thủ tục và trách nhiệm tiếp nhận kết quả kiểm soát quyền lực của các chủ thể kiểm soát của xã hội và phải có những biện pháp theo dõi quá trình thực hiện những kiến nghị kiểm soát, có những “chế tài” đối với những chủ thể không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng các kiến nghị về kết quả kiểm soát của xã hội.
Chú thích:
1. Lê Tiến Châu (2023), “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia kiểm soát quyền lực chính trị trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 1011, tr. 17.
2. Chu Hồng Thanh (2023), “Bản chất, đặc điểm của kiểm soát quyền lực nhà nước”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 4, tr. 7.
3. Bùi Thị Nguyệt Thu (2018), Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp xã, Nxb. Tư pháp, tr. 14-16.
4. Điều 15 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
5. Hoàng Minh Hội (2018), “Thể chế pháp lý giám sát của Nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước hiện nay - thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10, tr. 11-12.
6. Ngô Sách Thực (2019), “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương”, Tạp chí Cộng sản, số 919, tr. 27.
7. Đoàn Minh Huấn (2022), “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí để tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 6, tr. 4-9.
Nguyễn Nhật Khanh - Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Luật,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh