Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, giúp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân ngày càng hiệu quả, mở rộng và thực chất. Đồng thời, để đảm bảo củng cố về cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định cụ thể về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại Chương V, Chương VI. Đến ngày 15/6/2017, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được triển khai đều khắp và thật sự có chất lượng, Mặt trận Trung ương đã kịp thời ban hành các Thông tri hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, cụ thể giúp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nắm, hiểu và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Đắk Lắk đã tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương này đến toàn thể đoàn viên, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân tại địa phương, chủ động triển khai nghiêm túc nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217. Trong suốt quá trình thực hiện luôn chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã. Từ đó, đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cho hoạt động giám sát, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh trong triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội hàng năm được duy trì thường xuyên, đúng quy định.
|
Thác Dray Nur thuộc sông Sêrêpok, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
ẢNH: NGUYỄN MINH |
Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tỉnh Đắk Lắk lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã chủ động tổ chức triển khai giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách đối với đồng bào dân tộc…; tổ chức phản biện Luật thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và cho ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản về chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời tập hợp nắm bắt tình hình Nhân dân để phản ảnh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Tiếp tục củng cố tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân của tỉnh Đắk Lắk với Nhân dân của tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và các tỉnh Nam Lào…
Hoạt động giám sát chuyên đề, giai đoạn 2013 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 1.997 cuộc giám sát chuyên đề do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì thực hiện. Đồng thời, tham gia phối hợp giám sát được trên 3.520 cuộc, do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ trì... Nội dung hoạt động giám sát chuyên đề được triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, các nội dung giám sát được lựa chọn sát với đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân. Hoạt động phản biện xã hội giai đoạn 2013 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phản biện bằng hình thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 228 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp, dự thảo một số dự án Luật và dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, tương đương với 228 Hội nghị đã được tổ chức thành công.
Trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 9 cuộc giám sát, phản biện xã hội, phối hợp với Thanh tra Nhà nước, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài xảy ra trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện đối thoại định kỳ với Nhân dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, giám sát cán bộ, đảng viên theo Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/9/2020 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng tổ chức 5 cuộc phản biện xã hội, liên quan đến các nội dung: Dự thảo Đề án phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; Dự thảo Đề án phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk; Dự thảo Quyết định quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và "Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050".
Trong năm 2022, tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận số tiền và hiện vật trên 6,8 tỷ đồng, như vậy tính từ khi phát động đến thời điểm báo cáo Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận số tiền và hiện vật trị giá trên 57,5 tỷ đồng; qua đó đã phân bổ nguồn kinh phí đến các cơ quan đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ tham gia thực hiện phòng, chống dịch và chuyển kinh phí mua vaccine về Trung ương với tổng kinh phí trên 44,4 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên thành lập các đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thông qua giám sát, việc thực hiện chính sách đối với người dân được đảm bảo, các kiến nghị của Mặt trận được các cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục và thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực tế nhìn chung vẫn chưa thực sự bài bản, nội dung, chất lượng chưa cao. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý có nơi, có lúc chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng. Vẫn còn tình trạng ở cấp cơ sở còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát; số lượng tổ chức các cuộc phản biện xã hội còn ít, chủ yếu mang tính chất góp ý.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung, yêu cầu và mục đích, ý nghĩa trong thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, để thống nhất về nhận thức, phối hợp thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng về đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Hai là, trên cơ sở chỉ đạo của cấp ủy Đảng và những kinh nghiệm có được trong quá trình triển khai thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần cụ thể hơn nữa quy trình giám sát, phản biện xã hội để hoàn chỉnh và triển khai thực hiện một cách có hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tăng cường theo dõi, giám sát việc tiếp thu giải trình và khắc phục những hạn chế, khó khăn của các đơn vị trực tiếp giám sát.
Ba là, quan tâm lựa chọn nội dung thiết thực, xuất phát từ nhu cầu lợi ích của Nhân dân. Chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp, sát tình hình thực tế, tập trung những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn, hội viên và Nhân dân, những vấn đề mà Nhân dân bức xúc, quan tâm. Phối hợp với các tổ chức, các ngành, đơn vị, phát huy vai trò của các vị ủy viên, các chuyên gia, cá nhân và Nhân dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội một cách hiệu quả có chất lượng. Để góp phần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp cần phải có bản lĩnh vững vàng, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.
Năm là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh hàng năm mở lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống. Đổi mới phương thức hoạt động và phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện nhiệm vụ công tác giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Y Giang Gry Niê Knơng
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk