Việc tham gia xây dựng chương trình giám sát (theo quy định tại Điều 12)
Điều 12 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước.
Chậm nhất là ngày 1/3 của năm trước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đề nghị, kiến nghị về nội dung giám sát của Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị, kiến nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.
Hằng năm, thực hiện đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản đề xuất nội dung giám sát. Một số nội dung giám sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa vào chương trình giám sát trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ tham gia ý kiến cụ thể vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm để kế hoạch giám sát của hai cơ quan không bị trùng về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát.
Việc tham gia giám sát (theo quy định tại Điều 9)
Khoản 1 Điều 9 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định:
“1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động giám sát”.
Thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử đại diện phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Năm 2016: Tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm 2018: Tham gia phối hợp giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Ủy ban của Quốc hội đã mời Mặt trận tham gia giám sát việc thi hành Luật Thủ đô; khảo sát việc tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Năm 2029: Tham gia việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018.
Năm 2020: Tham gia các đoàn giám sát chuyên đề như : Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Năm 2021: Đã cử đại diện tham gia Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội tại tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Cử đại diện tham gia làm thành viên các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội : “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.
Năm 2022: Tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc về “Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 - 2021”.
Khi tham gia đoàn giám sát, đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn tích cực, tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn, chủ động nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hiệu quả, liên quan đến lĩnh vực được giám sát.
Trên cơ sở đề nghị của các đoàn giám sát, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát các chuyên đề tại địa phương; đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu hỗ trợ hoạt động giám sát. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đồng hành cùng Quốc hội trong việc cải tiến một số khâu trong công tác chuẩn bị, tổ chức các hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là việc tổ chức chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc cải tiến đã góp phần nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát; chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đi vào thực chất, được cử tri và dư luận xã hội hoan nghênh, đánh giá cao.
|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. (Ảnh minh họa)
|
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa là thành viên tham gia giám sát, đồng thời cũng là người trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trong quá trình tham gia các đoàn giám sát, khi phát hiện những sai phạm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Ở Trung ương, trong hoạt động giám sát hằng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện các quy định của Luật; trong đó, thường xuyên trao đổi, thống nhất trong xây dựng Kế hoạch giám sát hằng năm; việc phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc nghiên cứu, xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân... Việc xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát của Quốc hội cũng được gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia phối hợp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội, tham gia các đoàn giám sát chuyên đề và có những đánh giá, kiến nghị cụ thể, làm rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, cá nhân có liên quan. Sự tham gia của Mặt trận đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội đã góp phần làm sâu sắc hơn các báo cáo chuyên đề, thể hiện được đầy đủ những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề đang bức xúc trong xã hội, góp phần phát huy tính dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân trong thực hiện giám sát.
Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp công tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Căn cứ vào các nội dung phối hợp đã ký kết, hằng năm các cơ quan phối hợp đều triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng thời thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin có liên quan, cụ thể như: Chương trình giám sát; hằng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có đề xuất nội dung giám sát với Hội đồng nhân dân cùng cấp để xem xét đưa vào nội dung chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân; đồng thời, chương trình giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để phối hợp triển khai, thực hiện.
Nhìn chung những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động triển khai và phối hợp với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiều chương trình giám sát chuyên đề và cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện các chương trình phối hợp giám sát cho thấy, việc phối hợp có lúc còn chậm, chất lương chưa thực sự cao.
Các chương trình giám sát có nhiều nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, cá nhân nên việc lựa chọn và cử thành viên tham gia các đoàn giám sát đôi khi chưa kịp thời, có khi bị chậm, vì vậy các thành viên tham gia đoàn giám sát khó chủ động và kịp thời trong việc nghiên cứu tài liệu để đưa ra những ý kiến chất lượng, hiệu quả.
Kiến nghị sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Về tên gọi của Luật: khoản 1 Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”.
Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (Điều 69), "Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do Luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân" (khoản 2 Điều 113 Hiến pháp năm 2013".
Từ đó, có thể xác định, bản thân giám sát đã là một hoạt động của chủ thể giám sát (bao gồm việc theo dõi, xem xét và đánh giá) đối với đối tượng được giám sát về những vấn đề chung hay những chuyên đề trong công tác quản lý nhà nước đối với đời sống xã hội. Luật cũng đề cập đến các nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, cách thức tiến hành giám sát... của chủ thể giám sát là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh tên của Luật thành Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về quy định Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương: khoản 1 Điều 52 quy định: Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn và có ít nhất ba đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát.
Quy định này gây khó khăn cho những địa phương có ít đại biểu Quốc hội, rất khó thành lập đoàn giám sát. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm phát huy vai trò chủ động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có nhiều điều, khoản chỉ mang tính chất định tính như khi xét thấy cần thiết, trong trường hợp cần thiết mà không có giải thích cụ thể mang tính định lượng. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ định lượng của quy định này để xác định rõ trường hợp phạm vi, đối tượng, tính chất khi thực hiện hoạt động giám sát nhằm thống nhất cách hiểu, nguyên tắc áp dụng, tránh việc áp dụng tùy nghi trong thực tiễn.
Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giám sát trong việc đưa ra báo cáo, kết luận, kiến nghị sai sự thật hoặc phản ảnh thiếu chính xác, không khách quan những vấn đề nội dung được giám sát nhằm tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về cơ chế đảm bảo các điều kiện cho hoạt động giám sát như: về tổ chức triển khai thực hiện văn bản, phương tiện, nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà trong luật hiện hành quy định còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể.
Về vấn đề thông tin kết quả trả lời chất vấn bằng văn bản. Đề nghị sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ hơn hình thức, trách nhiệm chuyển tải nội dung trả lời chất vấn đối với các trường hợp bị chất vấn mà không trả lời trực tiếp tại kỳ họp cho Nhân dân để nhằm đảm bảo cho tất cả các cử tri, Nhân dân biết được nội dung trả lời chất vấn (trừ những trường hợp liên quan đến bí mật Nhà nước).
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị nói chung, hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nói riêng. Vì vậy, việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần đặc biệt chú trọng. Cần gắn hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước và giám sát của Nhân dân; tạo ra một cơ chế bảo đảm cho hoạt động giám sát của Nhân dân được tiến hành trên thực tế có hiệu quả hơn.
PHÙNG THỊ NGỌC YẾN - Thạc sĩ, Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam