Sau khi nghỉ việc, vợ ông Thọ nhiều lần yêu cầu công ty chốt sổ và trả sổ BHXH để ông tiếp tục đóng BHXH khi làm việc ở công ty khác, nhưng công ty thoái thác với nhiều lý do.
Đến nay đã tròn 1 năm nhưng công ty cũ vẫn chưa chốt sổ và chưa trả lại sổ BHXH. Vợ ông Thọ đã nhiều lần đề nghị giải quyết nhưng giám đốc lấy lý do đang chốt sổ, chưa trả được. Ngoài ra, công ty còn nợ vợ ông tiền lương tháng 3/2017.
Ông Thọ hỏi, trường hợp này, vợ ông cần làm gì để yêu cầu doanh nghiệp trả sổ BHXH và trả nốt tiền lương?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Đinh Xuân Thọ như sau:
Khoản 3, Điều 37 Bộ luật Lao động quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ (bao gồm trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thời hạn báo trước theo Khoản 3, Điều 37 của Bộ luật này) được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 47 Bộ luật Lao động như sau:
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Theo ông Đinh Xuân Thọ phản ánh, vợ ông làm việc cho một doanh nghiệp từ năm 2011. Đến tháng 12/2016, xin nghỉ việc. Doanh nghiệp yêu cầu sau 3 tháng (sau 90 ngày) mới được nghỉ việc. Đến hết tháng 3/2017, vợ ông mới nghỉ việc, như vậy vợ ông đã báo cho doanh nghiệp biết sẽ nghỉ việc trước 90 ngày. Mặc dù vợ ông Thọ đã nghỉ việc tại doanh nghiệp này hơn 1 năm, nhưng công ty vẫn chưa trả lại sổ BHXH và tiền lương tháng 3/2017 cho vợ ông.
Nếu sự việc đúng như Thọ phản ánh, vợ ông Thọ cần có văn bản yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải thực hiện ngay trách nhiệm đối với người lao động khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 47 Bộ luật Lao động.
Có thể yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp
Điều 200, Điều 201 Bộ luật Lao động quy định, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hòa giải viên lao động và tòa án nhân dân.
Đối với các tranh chấp lao động về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ và tranh chấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, người lao động có thể khởi kiện ngay ra tòa án mà không bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải.
Theo Khoản 2, Điều 202 Luật này, thời hiệu yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Vì vậy, sau khi có kiến nghị bằng văn bản mà doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ không thực hiện trách nhiệm của họ, thì vợ ông Thọ cần khẩn trương gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, yêu cầu tòa án giải quyết, buộc doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ với vợ ông theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 47 Bộ luật Lao động, thanh toán đầy đủ tiền lương và các khoản khác liên quan đến quyền lợi; hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà doanh nghiệp đã giữ của vợ ông.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ