Người dân nên tích cực tham gia BHXH tự nguyện để bảo đảm cuộc sống khi về già. (Ảnh minh họa)
Ai là người nên BHXH tự nguyện?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2014, người từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được mua BHXH tự nguyện. Cụ thể, đối tượng nên mua BHXH tự nguyện là những người làm nghề tự do, những phụ nữ ở nhà nội trợ, những người làm công việc partime… và bất cứ người lao động khác không ký hợp đồng lao động tại một cơ quan/đơn vị nào.
BHXH tự nguyện gồm những chế độ gì?
Nếu đóng BHXH tự nguyện đầy đủ theo đúng quy định của Luật BHXH 2014, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu; đồng thời, được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định…
Mức đóng BHXH tự nguyện như thế nào?
Điều 87 Luật BHXH 2014 quy định, mức đóng BHXH tự nguyện = 22% thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 27,8 triệu đồng).
Mức hưởng BHXH tự nguyện ra sao?
- Mức hưởng chế độ hưu trí:
Người tham gia được hưởng lương hưu bằng 45% - 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện và tương ứng với số năm đóng BHXH. Trong đó: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 được tính là 16 năm, 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi được tính là 15 năm. Sau đó, cứ mỗi năm được tính thêm 2%.
- Mức hưởng chế độ tử tuất:
Trợ cấp mai táng: Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia BHXH tự nguyện chết (Hiện nay, mức hưởng trợ cấp mai táng là 13,9 triệu đồng).
Trợ cấp tuất: Được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Lưu ý: Để được hưởng các mức như trên, người tham gia BHXH tự nguyện phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể tại Điều 73, Điều 80 và Điều 81 của Luật BHXH 2014.
Hồ sơ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật BHXH 2014: Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH gồm:
1. Hồ sơ đăng ký tham gia BHXH lần đầu bao gồm: Tờ khai tham gia BHXH của người lao động.
Lưu ý: Trường hợp người đã tham gia BHXH tại nơi khác, cần bổ sung thêm:
– Sổ BHXH;
– Bản quá trình đóng BHXH (do cơ quan BHXH nơi đi cấp);
– Đã tham gia BHXH bắt buộc: nếu không có bản quá trình đóng BHXH thì nộp kèm bản photo sổ BHXH;
– CMND để đối chiếu với sổ BHXH.
Tham gia BHXH tự nguyện ở đâu?
Điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Quyết định 959/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Trong đó, nơi cư trú có thể là nơi tạm trú hoặc nơi có hộ khẩu đăng ký thường trú.
Theo PV/Tạp chí Bảo hiểm Xã hội