Nhiều người lao động phi chính thức đã hết tuổi lao động, nhưng không có lương hưu và vẫn phải hằng ngày làm lụng để có tiền duy trì cuộc sống. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Chỉ mong không bị ốm đau
Quay trở lại câu chuyện của bà bán nước tên H khu vực phố Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy). Mặc dù đã 65 tuổi, nhưng bà vẫn phải hằng ngày, hằng đêm làm lụng. Số tiền bà kiếm được (khoảng hơn 2 triệu đồng), cố gắng tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày và dành dụm một ít để lo cho tuổi già. Cũng như nhiều người khác chung hoàn cảnh, có lẽ chỉ một biến cố nhỏ (bị tai nạn, bị bệnh tật…) cũng đủ khiến bà tiêu tán tiền bạc dành dụm. “Cũng may, sức khỏe khá tốt, nên hầu như tôi không phải vào bệnh viện. Chứ chẳng may phải vào bệnh viện, có lẽ số tiền dành dụm cũng chẳng mấy chốc mà hết” - bà H tâm sự và chỉ mong không bị ốm đau, chứ nếu bị, vừa không đi làm được, không có tiền; lại vừa phải vào bệnh viện. Không có bảo hiểm, chắc chắn sẽ rất tốn kém.
Khi được hỏi, bà có ý định bao giờ trở về quê, bà H trả lời: “Khi nào yếu quá, không làm được việc gì nữa thì mới về quê. Anh tính, giờ về quê thì làm gì để có tiền? Trên này tôi còn để dành dụm được 1 triệu đồng/tháng; chứ nếu về quê, nuôi con lợn, con gà, hay trồng lúa thì khéo cả năm chưa chắc đã dành ra được 1 triệu” - bà nói.
Khi được hỏi về vấn đề bảo hiểm, bà Tạ Bích Nga (58 tuổi, bán nước tại đường Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) thở dài cho biết, thế hệ như bà trước đây chỉ có làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn mới được đóng bảo hiểm, mới có lương hưu, chứ bán chè chén như bà thì làm sao mơ được. “Năm nay tôi 58 tuổi, đáng ra như người ta về hưu an nhàn rồi, nhưng ngày nào tôi cũng phải bám ở ngoài mặt đường. Nắng 41 độ hay mưa như trút vẫn phải ngồi đây. Có hai đứa con mà còn phải lo cho một đứa 19 tuổi, nên tôi vẫn phải cố gắng. Được cái tôi vẫn tự cho mình nghỉ ngày chủ nhật chứ 1 cốc trà 2.000 đồng cũng là tiền phải cóp nhặt vậy thôi” - bà chia sẻ.
Thỏa thuận không đóng bảo hiểm
Mới đây, nghiên cứu “Chẩn đoán phi chính thức ở Việt Nam: Nguyên nhân thực trạng phi chính thức” do Nhóm nghiên cứu chính trị - xã hội (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) đưa ra thông tin về lao động phi chính thức tại quận 5 (TPHCM) là trung tâm buôn bán chính của TPHCM cho thấy, lao động phi chính thức có tỉ lệ cao.
Một chủ hộ kinh doanh cá thể, chuyên bán buôn, bán lẻ vật liệu xây dựng cho biết họ chủ yếu thuê những lao động trình độ học vấn rất thấp (thậm chí không biết chữ), phần nhiều không có kỹ năng, tay nghề hoặc/và có nguồn gốc dân tộc thiểu số, đến từ những khu vực có mức sống thấp như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hay một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lý do được giải thích là bởi nhóm lao động này chấp nhận mức lương thấp hơn, thời gian làm việc kéo dài và đãi ngộ thấp hơn. Điều kiện lao động tại đây tương đối ngặt nghèo: Chỉ được nghỉ 1-2 ngày/tháng; công việc chân tay vất vả. Những lao động này không có hợp đồng và sẵn sàng “nhảy việc”, có những nơi chỉ cần trả cao hơn 100.000 đồng/tháng là họ sẵn sàng chuyển việc.
Cũng theo nghiên cứu này, tại quận 3 (TPHCM), cơ quan quản lý quận này cho biết, các hộ kinh doanh có sử dụng lao động phi chính thức thường tìm cách lách luật để tránh phải đảm bảo đúng quy định theo Luật Lao động. Những chủ hộ kinh doanh này thường cho rằng những người làm cho mình là những người nhà đến làm thêm, hay họ hàng ở dưới quê lên. Với các hàng cơm, quán ăn, do lao động dao động thường xuyên, nên cả hai bên thỏa thuận là không đóng BHXH. Có những quán ăn lớn, sử dụng hàng chục lao động nhưng vẫn không đăng ký thành lập doanh nghiệp và né tránh trách nhiệm với người lao động. Cơ quan quản lý cho biết, không có biện pháp xử lý khi người lao động tiếp tay cho các hộ kinh doanh cá thể. Khi được phỏng vấn, lao động cho biết họ chỉ làm ngắn hạn nên không muốn ký HĐLĐ và đóng bảo hiểm, vì sợ phiền phức.
Theo TS Đào Quang Vinh - Viện Khoa học lao động và xã hội - lao động trong khu vực phi chính thức có thu nhập chưa bằng 60% khu vực chính thức; thời gian làm việc thì dài hơn, họ đa số làm việc trong ngành lao động giản đơn, tay nghề thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo và không được tham gia bảo hiểm xã hội, không có phúc lợi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là trong chính sách phải có những quan tâm nhiều hơn cho nhóm này.
Theo Tất Thảo – Vũ Hải/Báo Lao động