Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương/Zing.vn.
Tiết lộ kinh phí sốc
Theo đó, tiền chi cho công việc chỉ hết khoảng hơn 200 triệu đồng cho kinh phí in tài liệu và quà tặng phẩm, còn để phục vụ cho 3 lãnh đạo, đã hết 1,5 tỷ đồng bao gồm tiền ăn, ở, đi lại, thuê phiên dịch.
Trước phản ứng của dư luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã duyệt kinh phí cho chuyến đi xuống 688 triệu đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với dự chi ban đầu.
Không bàn về câu chuyện của 3 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký hội đồng Tư vấn Du lịch chỉ chia sẻ kinh nghiệm đi xúc tiến du lịch của mình.
Ông cho biết, một chuyến đi xúc tiến du lịch tại Châu Âu trong vòng 6-7 ngày, ông sẽ chi tiêu hết khoảng 70 triệu đồng.
Nói về mức phí cho mỗi lần đi xúc tiến thương mại và du lịch ở nước ngoài, ông Nhân thông tin thêm, Bộ Tài chính đã có quy định cụ thể. Theo đó, người đi sẽ được chi trả vé máy bay, tiền ăn khoảng 25-30 USD/ngày, tiền ở 50 USD/đêm. Thế nhưng, nhiều người vẫn có cách “lách luật” bằng hàng loạt các báo cáo "rất thuyết phục"…
Không đi xúc tiến theo ngân sách nhà nước, ông Nhân cho biết, ông tham gia các đoàn xúc tiến thương mại do các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền nên việc đánh giá hiệu quả của những lần như thế phải rất rõ ràng.
“Chúng tôi luôn tư duy rằng đi xúc tiến thương mại là dùng tiền của doanh nghiệp tư nhân nên phải có trách nhiệm tiêu tiền của họ một cách công khai minh bạch và phải có hiệu quả mang về cho doanh nghiệp.
Hàng năm, chúng tôi đều có số liệu báo cáo đầy đủ do một tổ chức uy tín thẩm định gửi cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thấy kết quả là công khai, minh bạch và hiệu quả thì họ sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi trong việc xúc tiến thương mại du lịch”, ông Nhân nói.
Lãnh đạo địa phương đi "đốt" tiền là chính
Ông Nhân cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại du lịch của chúng ta còn thiếu bài bản. Các doanh nghiệp hay địa phương cứ thích là đi xúc tiến thương mại, du lịch. Sau mỗi chuyến đi cũng không đánh giá được hiệu quả của việc này.
Lẽ ra, chúng ta phải có phân tích hiệu quả của hoạt động này, người ta gọi là chỉ số ROI (hiệu quả đầu tư). Nhưng hiện tại, các cơ quan quản lý không thể đánh giá được hiệu quả của các cuộc xúc tiến thương mại và du lịch. Bởi lẽ cơ quan quản lý không hề có hệ thống dữ liệu để chứng minh.
Lấy ví dụ về chuyến đi xúc tiến du lịch sang Châu Âu gần đây của bản thân, ông cho biết, trong đoàn đi sang Châu Âu, có 1 tỉnh (không tiện nói tên) cử cả cấp phó chủ tịch tỉnh và các ban bệ đi theo bao gồm 5 giám đốc, phó giám đốc các sở. Nhưng tất cả đoàn đi đó không hề có một lãnh đạo nào có đủ trình độ tiếng Anh để giao tiếp với khách. Và sau một vài lần không thể giao tiếp với khách, nhóm lãnh đạo này đã chuyển qua đi mua sắm.
Sau mỗi chuyến đi, họ sẽ có những báo cáo rất cụ thể, chính xác về các khoản kinh phí mà đoàn sử dụng nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ báo cáo đánh giá nào về hiệu quả của chuyến đi mang lại cho địa phương.
“Vẫn có những người đi tiêu xài tiền ngân sách thoải mái mà không đem được hiệu quả nào cả”, ông Nhân nhấn mạnh.
Ông cho rằng, nếu hiện nay chỉ thuần túy làm theo quy định của Bộ Tài chính thì sẽ không thể quản lý được các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch ở nước ngoài mà sử dụng ngân sách của nhà nước. Quy định thì có vẻ chặt chẽ nhưng họ hoàn có thể lách luật, vừa lãng phí ngân sách, vừa không đem lại bất kỳ hiệu quả nào.
Ông Nhân kiến nghị doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát và có quy định rõ ràng trong việc này.
Theo Phạm Dung/Báo Lao động