Ba Huân muốn hủy thỏa thuận hợp tác 32 triệu USD với VinaCapital

Cho rằng lãi suất và các yêu cầu ràng buộc Ba Huân quá cao, không hợp lý với thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại, Công ty CP Ba Huân đã có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận hợp tác đã ký với Quỹ tín dụng VinaCapital.
Được kỳ vọng sẽ giúp Ba Huân tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng công suất cho các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của công ty, phát triển thương hiệu ra tầm thế giới, thế nhưng mối quan hệ hợp tác giữa Ba Huân và VinaCapital đang đẩy “nữ hoàng hột vịt” vào thế khó.

Cụ thể, sau gần nửa năm hợp tác, Công ty CP Ba Huân vừa có văn bản nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với Quỹ tín dụng VinaCapital.

Trao đổi với Dân Việt sáng nay (6.8), bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công CP Ba Huân (thường gọi bà Ba Huân) cho biết, thời điểm ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên cũng cận kề tết Nguyên đán Mậu Tuất nên việc chuẩn bị chưa được chu tất. Lúc này, VinaCapital đưa qua bảng thỏa thuận bằng tiếng Anh và hai bên đã ký văn bản này.

Khoảng 20 ngày sau đó, phía VinaCapital chuyển văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt sang thì Ba Huân đối chiếu và phát hiện có nhiều điểm không hợp lý. Đến nay, văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt giữa hai bên vẫn chưa được ký.

Ba Huân muốn hủy thỏa thuận hợp tác trị giá 32 triệu USD với VinaCapital.

Cụ thể, trong văn bản bằng tiếng Anh, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.

Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.

Cho rằng những yêu cầu này là không hợp lý, vì mức lãi suất quá cao, lại bị bó hẹp phạm vi hoạt động nên Ba Huân đã đề nghị phía VinaCapital hủy bỏ thỏa thuận, “của ai lấy về nhà nấy”. Tuy nhiên, đến nay, phía VinaCapital vẫn chưa đồng ý đề nghị này, thay vào đó có ý định trì hoãn, yêu cầu Ba Huân phải thanh toán thêm cho các chi phí phát sinh với lãi suất 22%.

“Vụ việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, Ba Huân muốn hủy bỏ thỏa thuận đã ký nhưng phía VinaCapital chưa chấp nhận. Mức lãi suất VinaCapital đưa ra là quá cao, Ba Huân không thể đảm bảo nên phải gởi đơn nhờ Chính phủ can thiệp để doanh nghiệp có thể giữ được một thương hiệu đã dày công xây dựng”, bà Phạm Thị Huân nói với Dân Việt. “Bây giờ phải chờ Chính phủ can thiệp. Chính phủ xử sao, Ba Huân sẽ nghe vậy”, bà Ba Huân tiếp lời.

Trước đó, ngày 27.2, Tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại thị trường Việt Nam - VinaCapital đã công bố khoản đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty Cổ phần Ba Huân. Khoản đầu tư này thông qua VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), một quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, đầu tư.

Với khoản đầu tư này, VOF trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Ba Huân và xem xét tăng thêm vốn đầu tư trong 12 tháng sắp tới nếu doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận giữa đôi bên.

 

Quỹ đầu tư VinaCapital cho đến nay vẫn chưa đồng ý hủy thỏa thuận như đề nghị của phía Ba Huân. Ảnh: Thuận Hải.

Ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cũng thông tin, toàn bộ vốn đầu tư từ VinaCapital sẽ được Ba Huân sử dụng để tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng công suất cho các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của công ty.

Cụ thể, với khoản đầu tư từ VinaCapital, Ba Huân sẽ tăng gấp đôi công suất các trang trại nuôi gà lấy thịt hiện tại và đầu tư xây mới một trang trại nuôi gà lấy trứng trên địa bàn tỉnh Long An.

Các khu chăn nuôi và nhà máy phụ trợ như khu nuôi trại gà giống, nhà máy ấp nở trứng giống, nhà máy giết mổ gia cầm, nhà máy chế biến thực phẩm và nhà máy xử lý trứng cũng sẽ được tăng công suất nhằm cung ứng đủ con giống cho việc tăng công suất đầu vào, đồng thời xử lý hiệu quả khối lượng đầu ra lớn hơn nhiều lần so với hiện tại.

Thế nhưng, trong một cuộc gặp mặt giới truyền thông, bà Ba Huân cũng chia sẻ rằng, dù là người rất tâm huyết với quả trứng, với nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà, tuy nhiên, do xuất thân từ nông nghiệp nên việc quản lý của doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn.

Cùng với sự phát triển của thương hiệu Ba Huân, khát vọng vươn ra thế giới cùng với việc phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, khả năng quản trị, lãnh đạo của Ba Huân hiện vẫn ở mức “gia đình trị” và còn nhiều điểm yếu. Đây cũng là điều mà bà Ba Huân mong muốn sẽ có sự thay đổi trong những năm tới nhằm có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp này trong tương lai.

Theo Thuận Hải/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều