|
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Công thương ) |
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước đạt trên 95%; tại các chợ trung tâm, cửa hàng bán buôn tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước khoảng 90%. Qua khảo sát cho thấy, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 90% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa, qua đó góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Bắc Giang, thực sự chinh phục người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến một số nước trên thế giới như: vải thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; chè Bản Ven; mỳ Chũ; Nếp cái hoa vàng Thái Sơn; rau cần Hoàng Lương của Hiệp Hòa; na dai, dứa của Lục Nam; gạo thơm, gốm Làng Ngòi, sản phẩm thủ công mĩ nghệ của huyện Yên Dũng; cây ăn quả có múi của huyện Lục Ngạn… Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu đã không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào dịp lễ tết, mùa vụ.
Cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh, như: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; “Gian hàng dành cho công nhân tại các khu công nghiệp”; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt với chủ đề “Tự hào hàng Việt”; “Điểm bán hàng Việt”; “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”… của Sở Công thương; Liên đoàn Lao động tỉnh. Trong 12 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 66 hội chợ, trong đó có 2 hội chợ quy mô lớn, cấp khu vực thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia vào năm 2013, 2015. Đặc biệt, Siêu thị Co.opmart Bắc Giang đã tổ chức nhiều đợt đưa hàng hóa về khu công nghiệp, khu vực nông thôn miền núi, thường xuyên tổ chức thực hiện chương trình “Tự hào hàng Việt” và “Tháng hàng Việt”, đồng thời thông qua đó tặng nhiều phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và bền vững, làm thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng ngày một cao thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo các cấp đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo giúp doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương khởi nghiệp; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thông qua công tác khuyến công, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương đã được doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh quan tâm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đã chủ động tận dụng thời điểm bắt kịp cuộc cách mạng 4.0. Định kỳ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh, Hội nghị được truyền đến điểm cầu trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, trên các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm quảng bá, giới thiệu các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu; gắn với giới thiệu tiềm năng du lịch, lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, cơ hội ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh và của tỉnh Bắc Giang với các cơ quan ở Trung ương, các tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới, từ đó giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất thuận lợi lưu thông tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gia đình.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án xúc tiến thương mại "Điểm trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng Bắc Giang tại các điểm di tích, du lịch, danh thắng", công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, miền núi trong những năm qua được các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, việc thường xuyên tổ chức đưa hàng Việt đến địa bàn vùng nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất... không chỉ tiếp tục tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa, mà còn góp phần hạn chế việc đi lại, hạn chế lây lan, ảnh hưởng của dịch bệnh và đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, góp phần bình ổn giá cả, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Ban chỉ đạo các cấp phối hợp thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hàng hóa phải niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết; kiên quyết xử lý các hành vi gian lận thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam có thị trường, đến được tay người tiêu dung. Phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường với nhiều lĩnh vực, nội dung khác nhau như: Kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh các cơ sở ăn uống, kiểm tra cân tại các chợ… Trong 12 năm qua, tổ chức 5.678 cuộc kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý trên 2.409 vụ việc với tổng số hàng hoá và tiền trị giá nhiều tỷ đồng. Định kỳ tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều việc làm thiết thực để biểu dương, ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp trong việc đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh, như: tổ chức thăm, chúc mừng các doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tặng Bằng khen; giấy khen; ghi nhận tấm lòng vàng… Hàng năm, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương tổ chức xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”; Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức “Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang” và trao giải Cuộc thi “Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang”. Sở Nông nghiệp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, trao Giấy chứng nhận cho 180 sản phẩm Ocop, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh đứng thứ 2 khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm Ocop. Cùng với tổ chức đánh giá, phân hạng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ trên 100 lượt sản phẩm Ocop của tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm thực tế ảo tại diễn đàn quốc tế chuyển đổi số do Bộ Công nghiệp Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Thông qua những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc tuyên truyền, vận động mọi người dân ưu tiên dùng hàng nội, cuộc vận động còn có ý nghĩa kích thích doanh nghiệp Việt đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã có các hàng hóa, sản phẩm uy tín, thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế. Có thể nói, kết quả của cuộc vận động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có ý nghĩa tích cực trong thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh bảo đảm đời sống Nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm gần đây.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, thiết thực đối với hoạt động tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh hàng Việt, cuộc vận động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, dẫn đến một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức khi triển khai thực hiện cuộc vận động. Các hoạt động hội chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa xây dựng được mạng lưới, hệ thống phân phối rộng rãi sau mỗi đợt đưa hàng về nông thôn một cách bền vững; một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, phát triển thị trường nội địa, thiếu kinh nghiệm trong việc xúc tiến thương mại nên hiệu quả hưởng ứng, triển khai cuộc vận động chưa cao. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Cơ chế bảo đảm cạnh tranh, sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện cũng dẫn đến việc còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại và lan tỏa sâu rộng hơn trong toàn xã hội, trong thời gian tới, cuộc vận động sẽ cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa, để cuộc vận động không chỉ là phong trào mà còn phải trở thành động lực thúc đẩy sản xuất theo cơ chế thị trường.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền mọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm và sinh hoạt, phê phán biểu hiện tâm lý sính hàng ngoại, tập trung tổ chức các hoạt động trong Tháng cao điểm (tháng 10 hàng năm). Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại để đưa những sản phẩm vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; thường xuyên củng cố, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp và thành lập các Tổ vận động cuộc vận động cấp cơ sở. Cùng với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cũng cần không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt chất lượng cao, giá thành hợp lý, qua đó chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển hàng Việt.
Để thực hiện thắng lợi cuộc vận động trong thời gian tới, các tổ chức, cá nhân, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành và các địa phương phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động trong tình hình mới, để cuộc vận động thực sự là động lực tác động tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, quyết tâm xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trần Công Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang