Một gian hàng bánh Trung thu vắng khách trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội. (ảnh chụp trưa ngày 4/10 - tức 15/8 Âm lịch).
Có lẽ đây không phải là thắc mắc của riêng ai, mà chính người viết cũng thắc mắc, do vậy vai trò kiểm soát của cơ quan chức năng thấy cũng rất cần thiết, ít nhất là bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi những nguy cơ “thực phẩm bẩn” ngờ vực bấy lâu nay.
Trên một số tờ báo ngày 4/10 (tức 15/8 Âm lịch) thông tin, tại Hà Nội nhiều cửa hàng bánh Trung thu trông đợi vào 2 ngày cuối cùng của Tết Trung thu để cứu vãn cho cả mùa bánh 2017 ảm đạm, tuy nhiên vẫn không thoát thảm cảnh ế ẩm.
Tại một số tuyến đường quen thuộc với người dân thủ đô hay bày bán bánh Trung thu như: Trường Chinh, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc, khu vực phố cổ… ngay từ trưa và chiều 4/10 đã có nhiều cửa hàng, quầy bánh thu dọn đồ nghề, các chủ hàng đều vẻ úi sùi và chung nhận định: Thị trường đầu ra bánh Trung thu năm nay khá đìu hiu, ế ẩm.
Riêng các điểm bày bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Chí Thanh, còn nhớ cùng thời điểm này năm 2016 chính tác giả cũng xếp hàng mua bánh Trung thu đại hạ giá 10k/chiếc. Tại đây, đa số các bánh đã bị xé nhãn mác, chỉ nghe nhân viên bán hàng quảng cáo là bánh của hãng nọ, công ty kia…còn việc xé mác được người bán hàng giải thích là để “bảo vệ thương hiệu cho các hãng bánh lớn"...
Còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh, tình hình cũng không khả quan hơn, khi mà rất nhiều hàng bánh Trung thu xả hàng, giảm giá, có nơi mua 1 tặng 4 ngay trong ngày 15/8 Âm lịch mà vẫn ế chỏng chơ – thông tin trên báo Thanh Niên phản ánh.
Còn ở tỉnh lẻ, như địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam), trưa ngày 4/10 chúng tôi vẫn thấy bánh Trung thu bày la liệt trên đường Lê Công Thanh, Bùi Dị, Biên Hòa…thế rồi một cơn mưa lớn đầu chiều 4/10, các chủ hàng nhanh chóng thu dọn, bánh cũng theo họ đi đâu hết không ai biết!
Chị Nguyễn Phương Lan, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở TP Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Vào Trung thu mỗi năm chúng tôi nhập về hàng nghìn chiếc, bán được hàng hay không tùy theo từng năm. Năm nay nói chung hàng bán chậm, vừa rồi số hàng tồn còn hơn 300 chiếc chúng tôi đã gửi lại nhà máy, họ chủ động đánh xe gom về, còn việc những chiếc bánh đó sẽ được xử lý thế nào bản thân tôi cũng không rõ.
Chị Lan cho biết thêm, việc trả lại bánh cho nhà máy là phải có cam kết từ trước, và giá thành lấy về cũng sẽ cao hơn. Còn với các cửa hàng, đại lý “mua đứt, bán đoạn”, nếu hàng ế sẽ phải tự tìm cách xử lý.
Còn anh Nguyễn Thanh Quang, nhân viên bán hàng cho hãng bánh K.Đ trên đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định chia sẻ: Với những chiếc bánh không bán được, thông thường trên công ty sẽ thu hồi hết về ngay cuối ngày Trung thu, sau đó bán thanh lý cho nhân viên công ty, một phần chuyển cho các tổ chức từ thiện. Có những năm lượng bánh tồn quá nhiều, thanh lý cho nhân viên cũng không xuể, tôi cũng không rõ hướng xử lý số hàng trên của lãnh đạo công ty thế nào.
Theo chia sẻ của một cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì thường lượng bánh Trung thu tồn, ế sau ngày rằm Trung thu sẽ được các cơ sở sản xuất giải phóng bằng nhiều cách. Hàng tồn có thể được họ bán đại hạ giá cho người có nhu cầu hoặc có nơi mang đi các tỉnh bán với giá rẻ. Việc này họ được quyền, nếu sản phẩm còn hạn sử dụng.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng thừa nhận, không thể giám sát hết được việc các cơ sở sản xuất thanh lý và tiêu hủy bánh Trung thu ế. Vì các cơ quan chức năng chỉ xử lý hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng quá đát, quá hạn sử dụng ghi trên bao bì. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang tự kê khai và tự chịu trách nhiệm việc xử lý, tiêu hủy bánh Trung thu tồn không tiêu thụ được.
Từ đó có thể thấy, thời hạn sử dụng những chiếc bánh dài nhất cũng chỉ 1 tháng, các hãng lớn thời hạn tính theo tuần, và những chiếc bánh từ thiện kia khi đến tay người sử dụng liệu có còn đảm bảo cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ?
Về việc lý giải cho tình trạng ế ẩm năm nay, nhiều chủ hàng bán lẻ bánh thừa nhận là do sự “lên ngôi” của các lò bánh truyền thống. Và thêm nữa là do xu hướng, nhu cầu, thị hiếu của thị trường ngày càng khó đoán định khiến cho kế hoạch sản xuất, bán hàng của các hãng bánh không được như ý muốn và liên tục lĩnh “trái đắng”.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của một số hãng bánh những năm qua còn quá nhiều vấn đề tồn tại, nhất là tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được báo chí phanh phui đã khiến lòng tin của không ít người tiêu dùng bị giảm sút, thậm chí thất vọng. Và khi đã nghi ngờ, việc ế ẩm chỉ là hệ quả tất yếu khó tránh khỏi.
Và rồi, chỉ trước đây một ngày thôi, một hộp bánh lên cả tiền triệu, vài triệu, mỗi chiếc bánh 50.000, 100.000 đến vài trăm nghìn đồng, bỗng chốc bị “đao” không phanh về giá 10k/chiếc, thậm chí khi mua được tặng, khuyến mại nhiệt tình thêm mà vẫn chẳng ai mua.
Những ngày này trong các gia đình, hẳn sẽ vẫn còn hiện diện những chiếc bánh Trung thu chưa ăn đến, trong khi thời hạn sử dụng của loại bánh đặc biệt này thường rất ngắn (dài nhất chỉ khoảng 1 - 2 tháng tính cả thời gian sản xuất), do vậy, chắc chắn không tránh khỏi việc sẽ có những chiếc bánh bị ném vào thùng rác – đó là một hệ lụy lãng phí không đáng có khi mà trong xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.
Tản mạn câu chuyện nhân dịp ngày Rằm, bánh ế, bánh không bán được đó đã tiêu thụ đi đâu? Biết rằng sẽ có một phần bánh đã được chuyển đi làm quà tặng cho các trẻ em nghèo. Và cũng có nơi đã phải nhận được những cái bánh mốc, bánh thiu. Chuyện này không phải chưa có tiền lệ.
Hàng năm, mỗi khi vào dịp trước Trung thu, các cơ quan quản lý lĩnh vực thực phẩm sẽ rầm rộ ra quân kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến. Và hầu như tất cả các cơ quan chức năng của các địa phương đều tổ chức kiểm tra chất lượng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên, sau đó lại không có bất kỳ biện pháp nào giám sát, quản lý việc thu hồi xử lý bánh Trung thu ế, mặc dù bánh Trung thu ế mỗi năm nếu ước lượng nhanh cũng phải lên đến hàng triệu chiếc. Lẽ ra trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước về công thương. Nhưng trên thực tế khâu kiểm soát, giám sát này dường như đã bị thả nổi đã khá nhiều năm nếu không muốn nói đang bị lãng quên.
Nếu là người hay để ý, thắc mắc về những chiếc bánh Trung thu ế đã được rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí đặt ra, không chỉ bây giờ, mà từ nhiều năm nay, nhưng có vẻ vẫn chỉ là “một bài toán khó chưa có lời giải” kéo dài…
Và với số lượng ế quá lớn cùng những nghi vấn xung quanh những chiếc bánh vẫn đau đáu trong suy nghĩ người tiêu dùng. Việc những cái bánh ôi thiu “hết đát” được tập kết về rồi “xào xáo” lại để tái sử dụng vẫn đang là sự mường tượng "hư hư thực thực" đặt ra từ nhiều năm nay, nếu mà chuyện đó có thực thì thật là hết chỗ nói.
Người tiêu dùng rất mong cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm sớm vào cuộc để có câu trả lời chính xác nhất về “số phận” của những chiếc bánh Trung thu “ế” sẽ đi về đâu? Và được xử lý hoặc tái chế như thế nào? Nhằm bảo vệ các nhà sản xuất, các hãng bánh có uy tín, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Theo Kim Chiến/Báo Điện tử Đảng Cộng sản