Phối cảnh bảo tàng 11.000 tỷ đồng
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ nhiều quốc bảo đặc sắc nhất trong cả nước. Ở đó có trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ - những hiện vật tiêu biểu nhất của văn minh Đông Sơn; có bình gốm hoa lam vẽ thiên nga mang vẻ đẹp toàn mỹ - một tác phẩm tiêu biểu cho trung tâm sản xuất gốm Chu Đậu đạt đến đẳng cấp thế giới; có những chiếc ấn vàng vốn là báu vật cung đình của nhà Nguyễn...
Không gian yên tĩnh, thi thoảng mới có bước chân vài vị khách tham quan, tôi có thể cảm nhận được nét đẹp, cảm nhận được thông điệp từ quá khứ xa xăm. Nhưng chợt chạnh lòng. Sao những hiện vật quý báu lại... thiếu người quan tâm đến thế. Ngay cổng bảo tàng kia thôi, những quán cà-phê, hay nhà hàng ăn uống tấp nập người lại qua.
Cả nước hiện giờ có khoảng 130 bảo tàng. Hầu như ngành nào, tỉnh nào cũng có bảo tàng riêng của mình. Nhiều người có cảm giác nước mình đang thừa bảo tàng. Cảm giác ấy thực ra cũng không sai. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nằm ở vị trí đắc địa, lưu giữ nhiều tác phẩm, hiện vật đại diện cho nền mỹ thuật có truyền thống ngàn năm, nhưng mỗi ngày cũng chỉ đón chừng trăm khách. Ở Việt Nam, bảo tàng nào đạt đến con số vài trăm nghìn khách mỗi năm đã được xem là rất cao. Con số ấy chỉ trên đầu ngón tay. Đấy là chưa nói chuyện giá vé. Có lẽ chưa nơi nào vé vào bảo tàng lại "bèo" như ở Việt Nam. Thường thì tương đương giá một bát phở. Có bảo tàng chỉ bằng gói xôi sáng. Riêng Bảo tàng Hà Nội, hiện vẫn miễn phí hoàn toàn. Vắng vẫn hoàn vắng.
Bây giờ, xây thêm một bảo tàng, tiêu tốn tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, dư luận không "giãy nảy" lên mới là chuyện lạ. Theo Bộ Xây dựng, dù đã có đề án từ năm 2006, nhưng sớm nhất Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải chờ đến năm 2021 mới được xây dựng. Thông tin này khiến trong khi một số nhà nghiên cứu văn hóa băn khoăn, cho rằng cần phải đẩy tiến độ nhanh hơn, thì dư luận phần đông ủng hộ. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, không nên đầu tư một ngân sách quá lớn như thế cho bảo tàng, vì xã hội còn cần nhiều khoản đầu tư cấp thiết hơn. Nhiều người còn "sợ" phải nuôi một bộ máy cồng kềnh để duy trì hoạt động của "siêu bảo tàng" này.
Nhưng câu chuyện bảo tàng rẽ sang một hướng khác, khi nhìn ra thế giới... Đã từ rất lâu, thế giới hình thành quan niệm: Muốn biết về văn hóa, văn minh một quốc gia, hãy đến bảo tàng, thư viện của những quốc gia đó. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Louvre là niềm hãnh diện của nước Pháp. Trung bình, lượng khách đến Bảo tàng Louvre luôn ở khoảng tám triệu lượt mỗi năm. Năm 2016, dù có suy giảm chút ít, Bảo tàng Louvre vẫn cán mức 7,4 triệu lượt khách. Nếu ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nơi lưu giữ số lượng hiện vật quý báu lớn hàng đầu Việt Nam, có thể thưởng thức trong tĩnh lặng thì hầu hết người đến Bảo tàng Louvre thường phải xếp hàng cả tiếng đồng hộ mới đến lượt được ngắm những tác phẩm nghệ thuật. Mặc dầu vậy, không một ai phàn nàn về chuyện hoài công đợi chờ. Con số triệu lượt người có thể thấy ở rất nhiều bảo tàng ở châu Âu, châu Mỹ, thậm chí cả Hàn Quốc, Nhật Bản... Riêng Bảo tàng Louvre, muốn tham quan người ta phải cầm bản đồ để xem hướng dẫn các khu khác nhau, nếu không muốn bị lạc. Nhiều người chùn chân khi nghe nói số lượng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Anh có đến... 8 triệu mẫu vật. Song khi bước chân vào, thì lại... không muốn ra vì quá hấp dẫn. Càng những nước phát triển, càng có nhiều bảo tàng. Chỉ riêng thủ đô Paris đã có đến 140 bảo tàng, nhiều hơn tổng số bảo tàng của cả nước ta.
Bảo tàng ở các nước không đơn thuần là câu chuyện văn hóa, giáo dục hay khoa học. Giá vé thăm quan bảo tàng ở các nước Âu - Mỹ không hề rẻ. Thường ở mức 15-20 đô-la/vé. Có những bảo tàng thu đắt gấp vài lần như thế. Thử nhân lên với số lượng khách tham quan, sẽ thấy doanh thu không hề nhỏ. doanh thu từ bán vé mới chỉ là một phần, doanh thu của các bảo tàng còn đến từ hàng loạt dịch vụ khác như: hiệu sách, nhà hàng ăn uống, cửa hàng lưu niệm, quán cà-phê... Nếu như bảo tàng Việt Nam lo chuyện xây và "nuôi" tốn kém, thì ở các nước phát triển là câu chuyện ngược lại. Bảo tàng của họ là nơi... hái ra tiền.
Bảo tàng, dù đầu tư thêm vài tỷ sẽ là quá đắt, nếu cứ cung cách hoạt động hiện nay. Nhưng nghìn tỷ, cũng vẫn là quá rẻ nếu ta làm một cách đàng hoàng, "ra tấm, ra món". Đầu tư cho văn hóa không bao giờ là thừa. Cái cốt lõi là ở tư duy, ở cách làm. Hiện vật hấp dẫn thế, nhưng phải "vận động" để làm sao người ta thay vì chen chân xếp hàng mua bát phở, họ sẽ đến bảo tàng. Nếu không, dù giá vé có tiếp tục hạ giá vé xuống bằng cốc trà đá, hay miễn phí như Bảo tàng Hà Nội, thì vẫn vắng khách như thường.
Theo Tuệ Minh/Báo Nhân dân