Bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế biển

 Tiến ra biển, làm chủ biển, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển để làm giàu từ biển là xu hướng tất yếu của nhân loại trong thế kỷ XXI - Thế kỷ của đại dương. Vấn đề lớn được đặt ra là: Làm thế nào để phát triển bền vững kinh tế biển mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển; huy động sự chung tay, vào cuộc tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan, đặc biệt là của cộng đồng dân cư ven biển tham gia công tác bảo tồn biển, phát triển bền vững kinh tế biển.

Tư duy và mục tiêu chiến lược

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo,... Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, trên cơ sở thành tựu đã đạt được, nhận diện và đánh giá đúng hạn chế, nguyên nhân của hạn chế; với bước phát triển mới về tầm nhìn phát triển, tư duy lãnh đạo của Đại hội XII (năm 2016), tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36).

Nghị quyết số 36 khẳng định tầm phát triển mới về tư duy và mục tiêu chiến lược của Đảng ta, đặc biệt là về yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Một trong năm quan điểm xuyên suốt được đề ra là: Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển. Đồng thời, Nghị quyết chỉ rõ các nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 1- Về các chỉ tiêu tổng hợp: Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển; 2- Về kinh tế biển: các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; 3- Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Cùng với đó, Nghị quyết số 36 nêu rõ các yêu cầu đối với các nhóm chỉ tiêu về xã hội, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển. Nghị quyết số 36 cũng chỉ đạo: Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

 

Bảo tồn hệ sinh thái biển ở Phú Quốc_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, đến nay, nước ta đã tham gia nhiều cam kết quốc tế chung liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững, nổi bật là: 1- Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG-14): “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, vùng biển và các nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững”; 2- Cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050; 3- Tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu (GOA) với mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới khu bảo tồn biển (MPAs) và các phương cách bảo tồn hiệu quả khác(OECMs); 4- Tham gia Hiệp định về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia” (Hiệp định về Biển cả): bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia; 5- Cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm; loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); 6 - Các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ biển.

Việc thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng cùng với triển khai các cam kết quốc tế nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bảo tồn biển, trọng tâm là bảo tồn đa dạng sinh học biển; trong đó có việc thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam.

Vai trò và thực trạng công tác bảo tồn biển

Cốt lõi của phát triển bền vững kinh tế biển là sự phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại, gây suy thoái hệ sinh thái, môi trường biển. Nền tảng cho kinh tế biển là các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ thống sinh thái của nó hoạt động như vốn biển tự nhiên. Các hệ sinh thái và quá trình của hệ sinh thái bao gồm sự tương tác giữa môi trường sống và không sống như một đơn vị chức năng (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn,...) ngày càng được các nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm và xem như nguồn vốn biển tự nhiên quan trọng cho phát triển kinh tế biển.

Các hệ sinh thái biển và ven biển không chỉ cô lập và lưu trữ một lượng lớn CO2, mà còn bảo vệ các bờ biển và cộng đồng khỏi tác động của biến đổi khí hậu; cung cấp thực phẩm, cơ hội kinh tế, dược phẩm và giải trí, môi trường sống và một loạt các chức năng của hệ sinh thái để hỗ trợ cuộc sống của con người. Một cách tiếp cận tổng hợp thông minh với khí hậu và tập trung vào các giải pháp “thuận thiên”, mở rộng và quản lý thật tốt các khu bảo tồn biển, cùng với phát triển hạ tầng ven biển hợp lý sẽ là những yếu tố quan trọng để bảo vệ các cộng đồng ven biển và sinh cảnh biển. Điều này có thể hỗ trợ tăng sản lượng thủy sản, cho phép phát triển công nghệ dược phẩm, giảm thiểu và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển tại địa phương. Tại Việt Nam, sinh kế của người dân, ngư dân các vùng biển phụ thuộc trực tiếp vào nguồn vốn biển tự nhiên. Các dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lượng, lương thực, an toàn và sinh kế của đại bộ phận dân cư các vùng ven biển.

Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển”(1). Việc bảo tồn đa dạng sinh học biển không đơn thuần là duy trì, bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật biển, mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Khu bảo tồn biển được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và mang lại cơ hội sinh sống, sinh sản cho những loài thủy sản. Do “hiệu ứng tràn” nên nguồn lợi thủy sản nói riêng và các loài thủy sinh vật nói chung được bổ sung cho các vùng biển lân cận khu bảo tồn biển. Nhờ đó, chúng ta có thể duy trì sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển.

Khu bảo tồn biển còn là nơi dành cho giáo dục và nghiên cứu khoa học; tổ chức một số hoạt động du lịch và cung cấp sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Trong môi trường sống ngày càng nhiều áp lực do những vấn đề về kinh tế, môi trường, việc tìm về với thiên nhiên, với biển đang là một xu hướng tích cực. Do đó, giá trị kinh tế của các khu bảo tồn biển đem lại từ hoạt động tham quan, du lịch là rất lớn. Du lịch biển là ngành quan trọng trong tổng thể nền kinh tế biển của Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào GDP quốc gia, mà còn tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động, bao gồm cả lao động chuyên nghiệp trong ngành du lịch và lao động xã hội gián tiếp(2). Phát triển du lịch biển cũng tạo điều kiện, cơ hội cho việc nâng cao trình độ nhân lực trong ngành, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm cho người dân ven biển.

Thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn biển ngày càng được hoàn thiện, trong đó đáng lưu ý là việc ban hành các đạo luật, như Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Thủy sản (năm 2003 và 2017), Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993, 2005, 2014, 2020),... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo tồn biển và bảo vệ môi trường biển. Thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg, ngày 26-5-2010, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020”, tính đến tháng 6-2021,đã có 9/16 khu vực biển được khoanh vùng quản lý trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên(3).

Theo Báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN)(4), tỷ lệ diện tích tự nhiên vùng biển được khoanh vùng bảo vệ đến năm 2020 tại Việt Nam (bao gồm các khu bảo tồn biển, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản) là 6.840km2, chiếm khoảng 0,684% diện tích biển quốc gia. Trong khi đó, trong hơn 2 thập niên qua diện tích các khu bảo tồn biển (MPA) trên toàn thế giới đã tăng hơn 10 lần, lên đến 26.225.678km², chiếm 7,2% diện tích đại dương(5). Tổng diện tích quy hoạch bảo tồn, bảo vệ thời kỳ 2021 - 2030 theo dự thảo Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là khoảng 2.791km2, chiếm khoảng 2,79% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, như vậy còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% được đề ra tại Nghị quyết số 36 và Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 3-4-2023, của Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và thấp hơn nhiều so với Sáng kiến mục tiêu “30% diện tích đại dương được bảo vệ vào năm 2030” mà Việt Nam tham gia.

Như vậy, có thể thấy hệ thống khu bảo tồn biển đang dần được hình thành trên phạm vi cả nước, đáp ứng ngày càng hiệu quả mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển. Công tác thực thi pháp luật tại các khu bảo tồn biển ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, đạt hiệu quả tích cực, góp phần từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển. Nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về bảo tồn biển ngày càng được nâng cao, tạo thuận lợi cho việc triển khai chủ trương, chính sách liên quan đến bảo tồn biển. Một số khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có hợp phần biển đã bước đầu tự chủ về tài chính, thực hiện các dịch vụ công, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn, tạo nguồn tài chính chủ động phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển đã được thực hiện và đạt được kết quả quan trọng bước đầu. Tổ chức bộ máy, nhân lực quản lý và tham gia bảo tồn biển đã được xây dựng và ngày càng củng cố.

Tuy nhiên, một số thách thức lớn mà các khu bảo tồn biển ở Việt Nam và trong khu vực đang phải đối mặt là: 1- Suy giảm đa dạng sinh học; 2- Khai thác và nuôi trồng thủy sản không bền vững; 3- Vấn đề a-xít hóa đại dương; 4- Bảo tồn và đô thị hóa; 5- Áp lực du lịch lên môi trường và hệ sinh thái; 6- Ô nhiễm rác thải nhựa. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn biển vẫn còn một số hạn chế, bất cập: 1- Chính sách đầu tư phát triển mạng lưới khu bảo tồn biển tại Việt Nam còn rất hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ; 2- Mô hình tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển ở địa phương chưa thống nhất; đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, chưa có điều kiện được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn hoặc tham gia các khóa tập huấn theo vị trí việc làm phù hợp với công tác thực tế; 3- Một số ban quản lý khu bảo tồn biển đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, tuy nhiên đa phần còn thụ động, chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn ngân sách của địa phương rất hạn hẹp, chưa ưu tiên cho lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học; 4- Cơ sở vật chất thiết yếu, trang thiết bị đầu tư cho các ban quản lý còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; 5- Xung đột lợi ích bảo tồn và phát triển du lịch, kinh tế. Một số địa phương mới chỉ chú trọng vào các dự án phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đến công tác bảo tồn, thậm chí có địa phương còn tiến hành giao đất, giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để xây dựng công trình hạ tầng phát triển du lịch; 6- Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển còn hạn chế, nhất là trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm do thiếu cơ chế phối hợp và nguồn kinh phí triển khai; 7- Ranh giới khu bảo tồn biển có nơi chưa được xác định rõ ràng, việc điều chỉnh thiếu cơ sở khoa học, chủ yếu nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, ít coi trọng vấn đề bảo tồn biển; 8- Tình trạng vi phạm pháp luật tại các khu bảo tồn biển diễn ra khá phức tạp, nhất là trong việc khai thác, vận chuyển, buôn bán san hô, động vật, thực vật biển.

Màu xanh trên những cánh rừng lấn biển ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Phục Anh)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Một số đề xuất, kiến nghị

Để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong công tác bảo tồn biển theo hướng coi công tác bảo tồn biển chính là tiền đề, điều kiện tiên quyết trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa các thế hệ, tránh xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương trong khai thác, sử dụng không gian biển. Nghiên cứu, áp dụng các cách tiếp cận mới trong bảo tồn biển, nhất là trong thiết lập vàquản trị các khu bảo tồn biển, như mở rộng “vùng xanh” của biển, các kiểu loại bảo tồn biển liên kết, chia sẻ, bảo tồn hiệu quả khác (OECMs), mở rộng sự tham gia của các lực lượng, các ngành khác nhau cùng bảo vệ, bảo tồn biển trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tính chất, đặc điểm riêng của mỗi vùng biển.

Thứ hai, đẩy nhanh việc trình phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, cần phân bổ không gian ưu tiên cho bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển, có các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích bảo tồn biển theo đúng Nghị quyết số 36; xác định, phân vùng không gian biển đối với 4 vùng biển và ven biển phía Bắc, Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cho hoạt động bảo tồn và khai thác hải sản, bao gồm vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện cho mục đích bảo tồn biển, vùng khai thác có điều kiện cho mục đích bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vùng cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích bảo tồn biển, vùng cần bảo vệ đặc biệt các sinh cảnh quan trọng, vùng khuyến khích phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần lưu ý tới việc quy hoạch mở rộng khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đi đôi với các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt. Theo dự kiến, bên cạnh 16 khu bảo tồn biển đã được phê duyệt theo Quyết định số 742/QĐ-TTg, 11 khu bảo tồn biển mới sẽ được bổ sung.

Thứ ba, tiếp tục đánh giá, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý bảo tồn biển bảo đảm tính tiến bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tế, trong đó cần sớm nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác liên quan. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực cho các khu bảo tồn biển phát triển bền vững. Tăng cường phối hợp và phân định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm rành mạch giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và giữa Trung ương và địa phương trong lĩnh vực bảo tồn biển, tránh sự “trùng dẫm”, thiếu hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các khu bảo tồn biển (có thể nghiên cứu đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014, của Chính phủ, “Về một số chính sách phát triển thủy sản”); hướng dẫn việc quản lý, xây dựng cơ chế tài chính bền vững, tiến tới các khu bảo tồn biển từng bước tự chủ được về tài chính, có nguồn tài chính bền vững thông qua nguồn thu từ hoạt động dịch vụ liên quan đến khu bảo tồn biển.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, thiết lập cơ sở dữ liệu đồng bộ, số hóa, liên thông, kết nối và hiện đại về tài nguyên, đa dạng sinh học biển Việt Nam để tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu biển và hải đảo, trong đó quan tâm việc đánh giá lượng hóa giá trị hệ sinh thái biển, làm cơ sở để các khu bảo tồn biển xây dựng phương án thu phí, tiến hành xã hội hóa công tác bảo tồn biển.

Tập trung thành lập mới các khu bảo tồn biển sau khi Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành việc phân định và có các biện pháp hiệu quả bảo vệ ranh giới các khu bảo tồn biển; đầu tư phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, đặc biệt là các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ven biển. 

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức chuyên môn, chính sách, pháp luật về bảo tồn biển cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trong tất cả bậc học, cấp học, cho cộng đồng người dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Thiết lập mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý khu bảo tồn biển với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để bảo đảm sự đồng thuận, hỗ trợ công tác bảo tồn biển được hiệu quả hơn. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân sự làm bảo tồn biển tại các địa phương.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học biển trong và ngoài nước nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến, mô hình quản lý phù hợp với sự tham gia của các bên liên quan vào công tác quản lý khu bảo tồn đa dạng sinh học biển. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế liên quan đến biển và đại dương mà Việt Nam đã tham gia nhằm tranh thủ tối đa tri thức, công nghệ và nguồn lực trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta.

Bằng cách nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách tiếp cận, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng, nhất là cộng đồng dân cư ven biển trong việc triển khai Nghị quyết số 36, thực hiện các cam kết quốc tế về biển và đại dương, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu gia tăng diện tích biển nước ta được bảo tồn nhằm phát triển bền vững kinh tế biển vào năm 2030; kiến tạo không gian phát triển mới, bảo vệ, bảo tồn biển quốc gia, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta./.

---------------------------

(1) Luật số 18/2017/QH14, Luật Thủy sản, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 21-11-2017
(2) Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2019, vùng ven biển của Việt Nam có 323 điểm du lịch, chiếm 61,5% số điểm du lịch của cả nước. Doanh thu du lịch lữ hành của 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam tăng từ 21,9 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 32,9 nghìn tỷ đồng năm 2019.
(3) Bao gồm 5 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), Cồn Cỏ  (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 khu vực biển thuộc vườn quốc gia trong hệ thống rừng đặc dụng: Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 5 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch chi tiết, nhưng chưa được thành lập: Cô Tô - Đảo Trần (tỉnh Quảng Ninh), Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa), Nam Yết (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Hải Vân - Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng - tỉnh Thừa Thiên Huế); 2 vùng biển đã được quản lý, hoạt động, như khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhưng chưa có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền.
(4) Báo cáo tại Hội nghị Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23-12-2023 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
(5) Tính đến tháng 4-2023, theo Marine Protection Atlas (MPAs), https://mpatlas.org/. Trên thế giới có các khu bảo tồn biển lớn ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong một số vùng đặc quyền kinh tế của Ô-xtrây-li-a và các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, với diện tích lớn (990.000km2 hoặc lớn hơn) được mở rộng từ năm 2012, như Natural Park of the Coral Sea,  Pacific Remote Islands Marine National Monument, Coral Sea Commonwealth Marine Reserve and South Georgia and the South Sandwich Islands Marine Protected Area, chiếm 2,07% diện tích đại dương trên thế giới.

TS TẠ ĐÌNH THI- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều