Các dự án thuỷ điện cần quan tâm đến việc trồng rừng thay thế

(Mặt trận) - Tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng diễn ra sáng 14/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc hiện có nhiều thuỷ điện nhỏ, hiệu quả thấp nhưng phá rừng rất nhiều; và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp kiên quyết, đặc biệt là dừng hoạt động dự án thuỷ điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế.

Diện tích đất có rừng hiện chiếm tới gần 50% diện tích tự nhiên của toàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên 68.452,38ha, trong đó diện tích đất có rừng 29.665,18ha (chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của huyện). Chương trình trồng rừng thay thế của huyện được triển khai từ năm 2015, đến nay đã nghiệm thu, thanh toán được 348,84 ha rừng thay thế.

Vùng đất phía Tây đèo Ô Quý Hồ, thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường có độ dốc lớn, ngày trước tự phát nhiều hoạt động đốt nương làm rẫy khiến quá trình rửa trôi diễn ra rất mạnh, nên phần lớn diện tích rừng ở đây chỉ còn toàn là bụi cỏ và lau lách; và nạn lâm tặc phá rừng thường xuyên.  

Năm 2002, ông Trần Yên, vốn là bộ đội chuyển ngành, đã xin đất để trồng rừng tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.

Ông Trần Yên nhớ lại: Thực hiện chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chính quyền đã vận động nhân dân trồng rừng. Nhưng những năm đó vận động nhân dân khó lắm. Khu vực đèo Hoàng Liên Sơn khi ấy chưa chia tách Điện Biên, Lai Châu, nằm giáp danh với Lào Cai, đường đi lại rất khó khăn, dân cư thưa thớt. Cách đó gần 100 km mới có lâm trường, thời tiết lạnh nên các loại cây rất khó trồng…

Năm 2003, ông Yên bắt tay vào trồng rừng. Từ năm 2002 đến 2006, gia đình ông tự ươm cây trồng tại chỗ và tự bỏ vốn để trồng rừng, sau khi trồng xong Nhà nước có hỗ trợ một phần vốn trồng rừng và chăm sóc rừng các năm.

Ban đầu việc trồng rừng, và sau này là nuôi cá nước lạnh của ông bị nhiều người nghi ngờ về khả năng thành công. Tuy nhiên, những vạt rừng thông bạt ngàn, xanh tốt đã minh chứng cho ý chí, quyết tâm của ông Yên và gia đình đã thành hiện thực. Và không chỉ đầu tư nuôi cá nước lạnh giữa lưng chừng đèo, nay ông tiếp tục đầu tư thêm một số hệ thống ao nuôi tại thôn Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.

  Một khu nuôi cá hồi của ông Trần Yên dưới chân đèo.

Những ngày đầu, khi ấy, mỗi lần qua đây, nhìn thấy đất trống đồi núi trọc, ông Trần Yên lại cảm thấy xót xa. Nếu chỉ đốt phá rừng làm nương như cách mà người dân vẫn làm khi đó, thì cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn. Điều đó đã thôi thúc ông phải trồng rừng, và dựa vào rừng để mưu sinh. Dù trước mắt khó khăn muôn vàn…

Và đến hiện nay, những khó khăn chưa phải đã hết. Ông Yên bộc bạch, 15 năm trước, khi Nhà nước kêu gọi trồng rừng thì đưa ra nhiều ưu đãi, nay rừng hình thành, bắt đầu có nguồn lợi thì bắt đầu phát sinh những phức tạp. Chẳng hạn, rừng trồng từ năm 2002, đến năm 2012, tỉnh Lai Châu quy hoạch 3 loại rừng, toàn bộ rừng của ông Yên được đưa về rừng phòng hộ. Trong khi năm 2002 chỉ là hỗ trợ, nay ngành chức năng bảo là rừng của Nhà nước, dù đất rừng của ông Yên được giao từ 2001, đã có bìa đỏ.

Nhưng nhìn chung, những thành tựu từ công tác trồng rừng ở Tam Đường nói riêng, Lai Châu nói chung cũng rất đáng ghi nhận. Nhờ chủ trương khuyến khích phủ xanh đất trống đồi trọc, công tác trồng rừng của cả tỉnh Lai Châu đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, diện tích trồng rừng năm sau cao hơn năm trước. Chính vì vậy, chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở thượng nguồn sông Đà, vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu được thực hiện tốt, với tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 50%.

 

Những cánh rừng thông 15 năm tuổi đang lên xanh tốt.

Ông Phạm Danh Tuyên, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Rừng phòng hộ giúp giảm sạt lở và rửa trôi, và tăng độ che phủ của rừng. Tăng thêm thu nhập nhập cho người dân. Nhà nước hỗ trợ chính sách về bảo vệ rừng, như hiện tại là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đóng góp một phần không nhỏ vào kinh tế hộ gia đình. Chính sách này hỗ trợ đáng kể, bà con trích một phần đó ra để trồng xen, tăng thu kinh tế.

Việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu theo Nghị định 99 của Chính phủ đã làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng. Chính sách này còn tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp bà con có thêm nguồn lực để tái đầu tư.

Số liệu thống kê từ Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tam Đường cho thấy, thực hiện khối lượng chuyển tiếp từ năm 2015 sang năm 2016, đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015 với tổng diện tích là 30.815,40 ha, trong đó rừng phòng hộ là 23.833,40 ha; rừng sản xuất là 6.982 ha. Tổng số tiền giải ngân được quyết toán là gần 16 tỉ đồng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu.

Theo người dân địa phương cho biết, trước đây khi chưa có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì công tác phòng chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được hưởng chính sách chi trả dịch vụ này thì công tác bảo vệ rừng tại địa phương đã có nhiều đổi mới tích cực. Người dân đồng lòng, hăng hái tham gia công tác bảo vệ rừng, nhờ đó mà giảm hẳn số vụ cháy rừng, mức thu nhập của người dân từ nhận khoán bảo vệ rừng góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống của bà con.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là đòn bẩy hữu ích; đồng thời góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, và đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.

Ông Sìn Văn Sủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Vấn đề là trồng rừng kết hợp với lợi ích của chủ rừng đang được quan tâm, vừa rồi Quốc hội cũng đang lấy ý kiến của nhân dân để sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Hiện Lai Châu cũng đang đề nghị luật làm sao để đảm bảo quyền, lợi ích của người trồng rừng gắn với lợi ích của nhân dân. Thông qua đó thì các dịch vụ, như dịch vị chi trả môi trường rừng hiện đang phát huy hiệu quả rất tốt, nhân dân ủng hộ rất tích cực, thông qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo.  

Ông Trần Yên (người mặc áo hồng) bên cánh rừng thông đầy tâm huyết của mình.

Trở lại cánh rừng thông của ông Trần Yên. Ông Yên cho rằng, nếu sau khi đủ điều kiện khai thác theo Quyết định 17 của Chính phủ, cho phép khai thác cuốn chiếu 20% 1 năm, thì chỉ độ 5 năm, cánh rừng thông của ông Yên sẽ được khai thác xong. Nhưng vốn xuất thân từ ngành lâm nghiệp, ông Yên thấy rằng để trồng lại được 1 cánh rừng tương tự, ít nhất phải mất đến 15 năm; phải đổ cả mồ hôi và máu nữa. “Rõ ràng ở đây, cần có chính sách linh hoạt, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người trồng rừng…; đồng thời giữ lại được những cánh rừng như thế này cho đời sau. Kẻo sau bao năm, muốn có rừng thông như Đà Lạt sẽ chỉ là ước mơ”, ông Trần Yên bộc bạch.

Một trong những giải pháp để thực hiện điều này, theo ông Yên đề xuất, là yêu cầu các nhà máy thủy điện mua lại diện tích rừng đã trồng này để thay cho việc trồng rừng thay thế diện tích ngập mà nhà máy đó phải trồng, và coi đây là rừng quốc gia.

Đỗ Đông

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều