Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện 5 chương trình cho vay gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đối tượng được vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này. Các đối tượng vay vốn này phải thuộc địa bàn cấp xã, cấp thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.
Khách hàng vay vốn là người cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, học nghề, chuyển đổi nghề do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có tên trong danh sách thành viên tham gia chuỗi giá trị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay. Riêng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các chương trình cho vay đều có lãi suất ưu đãi; đối với chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc, thời hạn vay tối đa 15 năm, lãi suất 3%/năm. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề thì thời hạn vay tối đa 10 năm, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định trong từng thời kỳ; đối với doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện nhận hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được vay tối đa 2 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn vay là 5 năm…
|
Hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay để phát triển nhà ở. |
So với các chương trình chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trước đây, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã khắc phục được một số hạn chế và có nhiều ưu đãi hơn về thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và mức cho vay; đặc biệt bổ sung thêm chính sách mới về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý để phát huy thế mạnh của từng địa phương và góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng triển khai dự án.
Tổng vốn cho vay trong giai đoạn 2022-2023 là 9.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn phát hành trái phiếu của Ngân hàng chính sách xã hội. Sang giai đoạn 2024-2025, vốn vay sẽ dựa trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị định này. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục vay vốn đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch; thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình vay và sử dụng vốn; báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Dân tộc trước ngày 31/7/2023.
Hải Yến - HQ