“Chung tay” ngăn hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử

(Mặt trận) - Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, thuận tiện cho người dân nhưng cũng đồng thời gia tăng tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hàng giả, hàng nhái đa dạng các mặt hàng, chủng loại. Trong ảnh: Sản phẩm trưng bày tại Phòng Trưng bày hàng thật-hàng giả, Tổng cục QLTT.  

Làm giả biến chuyển theo công nghệ

 Trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nhiều mặt hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Từ kết quả đấu tranh của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng QLTT phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực TMĐT tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, đối tượng làm hàng giả, hàng nhái liên tục có những phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng để qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Nếu như trước đây việc dán tem nhãn để chống hàng giả thì hiện nay đây lại là một trong những phương thức để những đối tượng sản xuất hàng giả lợi dụng để luồn lách qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Do vậy, với sự phát triển của công nghệ có nhiều cách thức để phòng, chống hàng giả, như thay vì dùng tem nhãn bằng giấy thì rất nhiều thương hiệu dùng QR Code, AI, công nghệ Blockchain… Tuy nhiên đây là cuộc chiến giữa hàng thật và hàng giả; giữa người sản xuất chân chính với người đang tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.

Ông Linh cũng cho rằng, TMĐT phát triển, thuận tiện cho người dân thì tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng gia tăng và đa dạng. Các mặt hàng vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nội địa, từ đó đặt ra vấn đề rất lớn đối với các chủ thể. Đầu tiên là trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp- chủ sở hữu thương hiệu, đặc biệt là người tiêu dùng. Do đó, làm thế nào để mua được hàng thật, tránh được hàng giả và có những biện pháp giảm tránh để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT đang là một chủ đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Trước sự phát triển của TMĐT, năm 2023, Tổng cục QLTT đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ ký ban hành Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025. Đây là Đề án trọng điểm được Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị đặt trọng tâm triển khai. Để triển khai có hiệu quả Đề án, Bộ Công Thương đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ chính phải triển khai, như điều chỉnh về mặt chính sách; tuyên truyền phổ biến; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và đặc biệt cần có thiết bị, công cụ, phương tiện kỹ thuật online để phát hiện vi phạm trên TMĐT.

Mới đây tại Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục QLTT và Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an, ông Trần Hữu Linh cũng nhìn nhận, về quản lý hoạt động TMĐT, chính sách hiện nay còn đang thiếu và phải có những thay đổi mới, ví dụ như Nghị định về TMĐT.

Trước đây Nghị định được ban hành với mục đích để TMĐT phát triển, vì vậy tương đối mở. Tuy nhiên, với tốc độ TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần phải có những giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Đã đến lúc quy định và đối xử với môi trường online như offline, phải định danh được người mua và người bán.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng kỳ vọng, hai đơn vị sẽ cùng phối hợp đề xuất ra các giải pháp, từ mặt chính sách đến phương tiện công cụ kỹ thuật nhằm triển khai có hiệu quả công tác này. Mặc dù trong thời gian qua, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống hàng giả, tuy nhiên, trên thực tế, chưa thực sự có những giải pháp tối ưu, biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả chống hàng giả 100%. Đơn cử đối với Hàn Quốc, hiện nay vẫn sử dụng biện pháp dùng QR code để dán trực tiếp lên từng sản phẩm nông sản, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm chính hãng.

Theo ông Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, vấn đề hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt trên TMĐT là một trong những lĩnh vực quan trọng được Cục quan tâm. Thời gian qua, lực lượng Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT ở các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vi phạm đối với lĩnh vực này trên cả thị trường truyền thống và TMĐT. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả công tác này cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng mới có thể đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Cục Công nghiệp an ninh phối hợp với Tổng cục QLTT triển khai các giải pháp chống hàng giả trên môi trường online là một minh chứng thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong TMĐT, bảo vệ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

10 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra 2.606 vụ, xử lý 2.361 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 38 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 32 tỷ đồng liên quan tới TMĐT. Các hành vi phổ biến là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT, vi phạm các quy định về kinh doanh TMĐT.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều