|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020. Ảnh: VGP |
Những thành tựu về cải thiện môi trường, điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp
Bổ sung và phát triển lý luận qua các văn kiện của Đảng
Trong quá trình đổi mới, nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng đúng đắn hơn, có vai trò, vị trí quan trọng đối với công cuộc kiến thiết nước nhà. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (ngày 15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI Đảng ta khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) Đảng ta tiếp tục khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (tháng 4/2006) Đảng ta khẳng định: Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, kinh tế tư nhân, với tư cách là một thành phần kinh tế đã được Đảng ta xác định ở một tầm cao mới: “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”1.
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII (ngày 3/6/2017) “Về phát triển kinh tế tư nhân”, Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã xác định mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 Việt Nam cần có 1,5 triệu doanh nghiệp2 ở mọi thành phần kinh tế.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nghị quyết 35/NQ - CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị công khai mỗi năm hai lần lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, báo chí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.
Trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã khẳng định các doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau và có quyền tiếp cận các cơ hội phát triển; doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt về vốn, đất đai, nhà xưởng.
Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nêu rõ doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng có sự hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước, hỗ trợ từ miễn giảm phí, thuế đất, sử dụng đất, hỗ trợ tư vấn pháp lý, hỗ trợ truyền thông, đào tạo chuyên sâu về công nghệ, hỗ trợ phát triển thương hiệu. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nghiêm cấm: lợi dụng chức vụ quyền hạn để chậm trễ, sách nhiễu doanh nghiệp… tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
Một là, tuân thủ thông lệ quốc tế trong kinh doanh, phát triển kinh tế. Chính phủ kiến tạo coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Kinh tế tư nhân được kinh doanh tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Doanh nghiệp, doanh nhân có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi với Nhà nước. Chính phủ và các cơ quan hành pháp, các cơ quan chức năng cam kết bảo vệ quyền tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nhân và doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp (2020) tại mục 1 Điều 5 ghi rõ: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp… đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp”;
Mục 2 Điều 5 ghi nhận: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp”;
Mục 3 Điều 5: “Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”.
Doanh nghiệp được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm; doanh nghiệp minh bạch, công khai trong thu chi, nộp thuế, được tự chủ điều chỉnh quy mô, được tự do lựa chọn các hình thức huy động và phân bổ vốn; được tự do tuyển dụng và sử dụng lao động theo hợp đồng…
Hai là, cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính gọn nhẹ, giản tiện. Thời gian đăng ký kinh doanh liên tục được rút ngắn, nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà được cắt giảm. Thời gian tiếp nhận, xử lý, nhận đăng ký kinh doanh được rút ngắn, từ chỗ mất 15 ngày (đầu những năm 2000) đến nay chỉ mất trên dưới 3 ngày.
Đăng ký kinh doanh trên mạng điện tử được triển khai mọi lúc, mọi nơi 24/7 không bị giới hạn thời gian 8 giờ một ngày làm việc như trước đó.
Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết được cắt giảm. Giảm thiểu sự can thiệp của con người vào việc đăng ký kinh doanh, nên đã hạn chế tiêu cực.
Phương thức và cách thức làm việc của các cơ quan chức năng cũng được cải tiến trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, góp phần giảm thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp.
Ba là, chống tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước, chống nhũng nhiễu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Giảm bớt các đoàn thanh, kiểm tra chồng chéo, không cần thiết, vì đã có doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra trong cùng một thời gian. Nhờ đó: (1) Số lượng các doanh nghiệp ngày càng tăng, lớn mạnh. Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 đã ghi nhận: Việt Nam có 610.637 doanh nghiệp3; (2) Đa dạng về ngành nghề kinh doanh. Trong số 610.637 doanh nghiệp thì lĩnh vực dịch vụ chiếm 68,7 %, công nghiệp và xây dựng chiếm 30,2%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,1%.
Phân loại theo loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả là 2.260 doanh nghiệp, chiếm 0,4 %; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9 %4.
Số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh ngày càng chiếm số đông
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu, nên không chỉ các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng ứng dụng công nghệ kết nối thông tin, quảng bá cung cầu, quản lý, mua sắm sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như Gojek, ElSa… đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Sau 2 năm chịu sự tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, thì 8 tháng đầu năm 2022 số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao chưa từng có, với gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1 % so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 8/2022 có 11.918 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 130.198 tỷ đồng, tăng 106,9 % về số doanh nghiệp và tăng 91,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20215.
Hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mang tầm khu vực như các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa, sản xuất thép, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đã xuất hiện nhiều gương mặt doanh nhân trẻ vượt khó, làm giàu và có đóng góp cho xã hội; có những tỷ phú, triệu phú, tỷ phú Đôla vượt khó khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Những rào cản về môi trường, điều kiện khởi nghiệp
Thủ tục hành chính còn nhiêu khê, rườm rà làm đội chi phí doanh nghiệp
Thủ tục tiếp nhận hồ sơ, đăng ký thành lập doanh nghiệp tuy được cải tiến, dễ dàng hơn, nhưng thủ tục cấp đăng ký thuế, mã số thuế khá rườm rà, nhiêu khê, thời gian chờ đợi vẫn còn nhiều. Ví dụ trụ sở, văn phòng công ty cần phải có hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu đi thuê phải có công chứng. Nhiều loại thực phẩm (sữa chế biến, bổ sung thêm canxi, thịt...) chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm, những vẫn bị quy định về kiểm dịch...
Khó khăn trong tiếp cận vốn
Tiền, vốn là vấn đề đầu tiên, được ví như máu nuôi doanh nghiệp, dùng tiền chi trả các chi phí “đầu vào” như nguyên vật liệu, thuê nhà xưởng, trả lương người lao động… Trong điều kiện khởi nghiệp không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản đảm bảo cũng vượt khả năng cho vay, hoặc dự án, hoặc phương án kinh doanh thiếu tính khả thi thì việc tiếp cận vốn hết sức khó khăn. Không tiếp cận được vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp, tìm đến các nguồn cung cấp vốn không chính thức, vô cùng rủi ro, chi phí cao. Ngay cả khi tiếp cận được vốn thì cũng mất nhiều thời gian và chi phí vốn quá cao làm đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Tiếp cận đất đai, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh gặp khó
Nhu cầu đất đai phục vụ thương mại, sản xuất là thiết yếu đối với mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp việc tiếp cận nguồn lực đất đai với sự minh bạch về thông tin, giá cả hợp lý là vô cùng khó khăn vì quỹ đất dành cho sản xuất, thương mại luôn khan hiếm, hoặc nếu có tiếp cận được thì luôn bị đội giá, vì chịu nhiều chi phí, tiền “lót tay”, thời gian chờ đợi tốn kém.
Một bộ phận doanh nghiệp nếu có tiếp cận thuê, mua được đất thì cũng nằm ngoài khu công nghiệp, nên hoặc là chi phí bị đội giá bởi các điều kiện nghiêm ngặt về môi trường khói bụi, nước thải, hoặc luôn lo ngại đất đai bị quy hoạch, bị thu hồi, di chuyển vì mục đích khác.
Thủ tục yêu cầu chủ thể có đất đai cho doanh nghiệp thuê cũng nhiêu khê, vì quy định cần phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoặc yêu cầu tối thiếu về diện tích đất cho thuê đều là những điều kiện thiếu hợp lý, là “nút thắt” làm suy giảm môi trường, điều kiện kinh doanh.
Thiếu minh bạch trong đăng ký và hoạt động của nhiều loại hình doanh nghiệp
Điều kiện kinh doanh là những quy định pháp luật bắt buộc doanh nghiệp phải có khi sản xuất kinh doanh, ví như giấy phép kinh doanh, nhưng vẫn còn có cả những điều kiện kinh doanh không cần giấy phép, như: an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, về môi trường, sức khỏe, an toàn giao thông… còn nhiều rào cản. Một số quy định về nhãn hiệu hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về định giá sản phẩm quá hình thức, nhiêu khê là rào cản đối với các doanh nghiệp và dễ dẫn đến độc quyền.
Nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh đa cấp là một loại hình mới, nhưng điều kiện kinh doanh chưa được minh bạch, dẫn đến nhiều hệ lụy, bị đánh đồng là lừa đảo, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Thiếu sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư
Thiếu sự kết nối, hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn có kinh nghiệm, giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với các cơ quan chuyên môn, nhà tư vấn, các quỹ đầu tư, những cá nhân và tổ chức có nhiều kinh nghiệm đã làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp phải vật lộn, “tự bơi” trong đại dương mênh mông.
Đầu tư của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp còn ít, quy mô vốn hạn chế.
Chuyển giao công nghệ chậm trễ cũng đang là tác nhân làm cho doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh.
Thanh kiểm tra chồng chéo, hình thức; tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hành chính
Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn gây phiền hà, khó dễ ở cả cấp Trung ương và địa phương khi lạm dụng các quy định tố tụng hình sự vào các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự; hoặc thanh kiểm tra chồng chéo, quá nhiều. Các hành vi nêu trên vận dụng không đúng pháp luật trong xử lý các hợp đồng, quan hệ dân sự, kinh tế đã gây ra nhiều khó khăn làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp.
Một số giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển
Định lượng hóa, minh bạch, công khai các quy định về điều kiện kinh doanh
Các quy định về điều kiện kinh doanh phải cụ thể, đồng bộ, thống nhất và công bằng, tránh chồng chéo, thiếu minh bạch, chậm trễ như đã từng xảy ra. Các ngành nghề bị cấm cần cụ thể, lượng hóa.
Kinh doanh có điều kiện cũng cần được lượng hóa. Kinh doanh bất động sản cần cung cấp thông tin về quy hoạch, thu hồi, đền bù đất cho người dân.
Cải tiến công tác làm luật, hạn chế việc ban hành quá nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật chậm trễ, vì luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ hướng dẫn… mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Tiếp tục tạo thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng nguồn vốn
Trong điều kiện khởi nghiệp thiếu vốn, thiếu tài sản đảm bảo, việc tiếp cận vốn thông qua hình thức vay tín chấp là giải pháp khả thi tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp đi đến thành công. Tất nhiên, để có giải pháp vay vốn bằng tín chấp thích hợp, doanh nghiệp phải có kế hoạch, dự án kinh doanh khả thi, minh bạch và có các giải pháp tài chính, trả nợ vay minh bạch, hiệu quả.
Cắt giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý
Phí, lệ phí là các khoản thu mà các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải chi trả nhằm bù đắp các chi phí hoạt động của các cơ quan chức năng phục vụ việc quản lý sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, mỗi loại ngành nghề kinh doanh có các điều kiện riêng, không giống nhau ở các ngành nghề khác nhau, địa phương khác nhau, nên việc đề ra phí, lệ phí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều khoản phí, lệ phí bất hợp lý, vì thực chất là các loại giấy phép con lách luật, tăng doanh thu cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Câu chuyện về kinh doanh thực phẩm gà, vịt gia cầm phải chịu đến 14 loại phí, từ lúc nuôi đến lúc thịt và đến tay người tiêu dùng, từ phí tiêu độc khử trùng đến phí kiểm soát giết mổ… đã cho thấy tính bất hợp lý của phí và lệ phí cần nhanh chóng loại bỏ… Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp là cắt giảm, thậm chí loại bỏ một số phí, phụ phí không phù hợp.
Hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp là hỗ trợ tín dụng, bao gồm hỗ trợ tiền và hỗ trợ chính sách. Về tiền mặt, đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ, chu cấp tiền cho doanh nghiệp kinh doanh là ảo tưởng, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, vì vậy hỗ trợ bằng cơ chế chinh sách tín dụng là thiết thực, khả thi. Trong điều kiện mới khởi nghiệp, cùng với chính sách thuận lợi trong tiếp cận vốn khi vay, thì việc giảm lãi suất, chẳng hạn 1% khi vay là khả thi.
Hỗ trợ miễn giảm, giãn hoãn nộp các loại thuế, phí, khoanh nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn trả nợ ngân hàng... cũng góp phần giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ kỹ thuật là hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ để doanh nghiệp có thể nhanh chóng xử lý các tình huống trong công việc, đó có thể là khắc phục hoặc trang bị thêm phần cứng, hoặc phần mềm quản lý, quản trị bán hàng, chăm sóc khách hàng, kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử; hỗ trợ thực hiện sở hữu trí tuệ (đối với các doanh nghiệp công nghệ) cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tìm đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp
Sáng tạo, đổi mới không giới hạn, tạo sự khác biệt, độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ, có sức cạnh tranh trên thị trường kết hợp với đẩy mạnh liên kết, khơi thông thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, gia tăng livestream gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng được coi là giải pháp tăng doanh thu, tháo gỡ khó khăn kịp thời, tìm “đầu ra” cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp thành công trong kinh doanh.
Tiếp tục giảm bớt việc thanh kiểm tra chồng chéo, hình thức không cần thiết
Tập trung vào sản xuất kinh doanh, tạo lợi nhuận là mục tiêu số một của doanh nghiệp, vì vậy cần hạn chế và đi đến giảm bớt việc thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp dưới mọi hình thức là giảm bớt gánh nặng, tạo môi trường, điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Chú thích:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 2016, tr. 107.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Nxb. Sự thật, Hà Nội. 2017, tr. 7.
3,4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 2020.
5. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao kỷ lục. Arttime.vn/ kinh tế/ doanh nghiệp, truy cập ngày 2/9/2022.
Nguyễn Trần Thành
Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh