Hơn 3.700 công nhân của Vietthang Jean đã trở lại nhà máy ngay trong ngày khai Xuân - Ảnh: VGP/Băng Tâm
Sẵn sàng cho những đơn hàng lớn
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Vietthang Jean rất phấn khởi khi hơn 3.700 công nhân ở 3 nhà máy đóng tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã trở lại làm việc ngay trong ngày khai xuân. Nếu như mọi năm nhà máy khởi động sau Tết trong bối cảnh áp lực tiến độ đơn hàng mà lo thiếu lao động thì năm nay tình thế đảo ngược, đơn hàng tuy chưa nhiều nhưng 100% lao động trở lại nhà máy.
"Không còn tăng ca, không chạy tiến độ thì thu nhập của công nhân giảm, nhưng tín hiệu vui là 100% công nhân quay lại nhà máy. Như vậy, công nhân lao động đã chia sẻ khó khăn với công ty", ông Việt nói.
Thời gian này, Vietthang Jean tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất để cải thiện thu nhập cho người lao động.
Là doanh nghiệp dệt may sản xuất hàng demin cho các thị trường EU, Mỹ, đơn hàng thời điểm này vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng bù lại từ tháng 11/2022, doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng mới đi Australia và Canada. Nhờ vậy, công suất nhà máy hiện đã khôi phục được khoảng 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là công nhân vẫn có việc làm, đồng thời đảm bảo sẵn sàng lực lượng khi thị trường phục hồi.
Khai xuân ngay từ mùng 2 Tết, một bộ phận lao động của Công ty Cơ khí Đại Dũng có mặt tại cảng Cát Lái để giám sát chuyển hàng xuống container. Ngay trong thời gian nghỉ Tết, doanh nghiệp có 2 lô hàng xuất khẩu tới Qatar và Indonesia.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất chủ lực của Cơ khí Đại Dũng đóng tại khu công nghiệp An Hạ, TPHCM chính thức trở lại sản xuất từ mùng 9 Tết, tức ngày 30/1, với 100% công suất để đảm bảo tiến độ các đơn hàng xuất ngay trong tháng 2 đi Australia. Đơn hàng đã ký đến năm 2025, do vậy, trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất công nghiệp tại TPHCM nhằm đáp ứng các đơn hàng thiết bị cơ khí phục vụ công nghiệp nặng như năng lượng, khai khoáng của thị trường Trung Đông, Nhật Bản, Mỹ…
Đối tác từ Australia trực tiếp kiểm tra lô hàng do Cơ khí Đại Dũng sản xuất tại Khu công nghiệp An Hạ, TPHCM ngay trong ngày khai xuân Quý Mão - Ảnh: VGP/Băng Tâm
Một thành viên khác của Hội Cơ khí Điện TPHCM là Công ty Cơ khí Duy Khanh khai xuân Quý Mão với nhiều kỳ vọng vào nhà máy cơ khí chính xác tại Khu công nghệ cao TPHCM.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết ngay trong ngày khai xuân, Công ty hoàn thiện những phần việc thi công cuối cùng để chuẩn bị lắp đặt máy móc, công nghệ cho nhà máy mới. Trong quý I/2023, nhà máy sẽ chạy thử nghiệm để chính thức sản xuất đơn hàng cho một số đối tác từ đầu quý 2.
"Chúng tôi đầu tư rất lớn vào nhà máy, với công nghệ cơ khí chính xác cao lần đầu tiên có ở Việt Nam. Năm 2023, chúng tôi sẽ đi từng bước, sản xuất những đơn hàng giao ngay cho một số đối tác, qua đó mình cũng chứng minh được năng lực để sẵn sàng cho những đơn hàng lớn trong những năm tới", ông Tống chia sẻ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cũng đồng loạt khai xuân từ ngày 30/1. Mặc dù không phục hồi nhịp sản xuất được như cùng kỳ năm 2022 nhưng các doanh nghiệp hội viên HAWA vẫn đảm bảo được việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA cho biết các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn duy trì kênh phân phối ổn định. Do vậy các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu vào các thị trường này vẫn có đơn hàng. Với Mỹ - thị trường trọng điểm nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, bắt đầu cải thiện sức mua từ tháng 12/2022. Còn với một số thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, doanh nghiệp Việt đã có những đơn hàng đầu tiên theo hình thức B2B, cung cấp sản phẩm cho các dự án, công trình lớn.
Theo ông Phương, để đi vào thị trường bán lẻ ở các quốc gia này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt phải thay đổi cấu trúc ngành hàng, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tìm kiếm được những đơn hàng lớn và thúc đẩy sự phát triển của cả ngành gỗ nói chung.
"Với những diễn biến phức tạp như hiện tại trên thế giới, việc đưa ra các kế hoạch cho năm 2023 chưa thể chính xác ngay được. Nhưng tôi hy vọng, các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được việc làm, giữ chân lao động và các hoạt động sản xuất xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa diễn ra suôn sẻ", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Lô hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm Quý Mão của Cơ khí Đại Dũng đã rời cảng Cát Lái đi Qatar, Indonesia và Australia - Ảnh: VGP/Băng Tâm
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng ngành gỗ vẫn đặt trọng tâm vào xúc tiến, quảng bá, giảm rủi ro trong tranh chấp thương mại để giá trị xuất khẩu tăng cao hơn.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, từ đó thúc đẩy sản xuất. Do đó, ngành gỗ sẽ tổ chức 2 hội chợ quan trọng trong năm 2023 tại TPHCM và Bình Dương.
Ngay trong tháng 2/2023, HAWA sẽ tổ chức Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ & nội thất TPHCM 2023. Đây là chương trình cụ thể để doanh nghiệp nội thất có thể tiếp cận nhiều hơn nữa với khách hàng thế giới. Bên cạnh đó, giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp trong ngành. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của VIFOREST trong năm 2023 nhằm giảm rủi ro trong thương mại, đặc biệt trong các vụ kiện tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành.
Còn với Hội Cơ khí Điện TPHCM, ông Đỗ Phước Tống cho biết,ngay trong tháng 1, HAMEE sẽ tổ chức chương trình thăm hội viên để nắm bắt nhu cầu và kết nối giao thương trong nội bộ thành viên của Hội.
Ngoài ra, để đón đầu cơ hội trong xu hướng dịch chuyển nhà sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, HAMEE sẽ phối hợp với các sở, ngành TPHCM để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại quốc tế./.
Theo Băng Tâm/Báo Chính phủ