Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,72%.
Trong mức tăng 0,31% của CPI so với tháng trước, khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,29%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.
|
Nguồn: GSO
|
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 1,74%, tác động tăng 0,06 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm; riêng nhóm thực phẩm giảm 0,09%, tác động giảm 0,02 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 1/2024 tăng 1,74% so với tháng trước. Giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao đã tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác.
Ngoài ra, một số mặt hàng tăng giá so với tháng trước như: Thủy sản chế biến tăng 0,38%, thủy sản tươi sống tăng 0,18% do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng; giá thịt lợn tăng nhẹ 0,02%; giá đường tăng 0,85% so với tháng trước; chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 1/2024 tăng 0,38% so với tháng trước; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 1/2024 tăng 0,56% so với tháng trước tác động làm tăng CPI chung 0,11 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm giao thông tháng 1/2024 tăng 0,41% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm,
Cùng với đó, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 1/2024 tăng 1,02% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Nguồn: GSO
Ở chiều ngược lại, giá nhóm thực phẩm tháng 1/2024 giảm 0,09% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như: Rau tươi, khô và chế biến do đang là thời điểm thu hoạch vụ rau Đông Xuân, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau củ dồi dào và phong phú; nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,09%, chủ yếu do giá dầu thực vật giảm.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/1, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.014,85 USD/ounce, giảm 1,23% so với tháng 12/2023 do đồng USD mạnh lên và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó dự đoán. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 1/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng bạc xanh với kỳ vọng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất. Tính đến ngày 25/1/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,18 điểm, tăng 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.555 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2024 tăng 0,52% so với tháng 12/2023 và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 1 từ năm 2020-2024. Nguồn: GSO
Đáng chú ý, lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%). Nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản./.
Theo Minh Ngọc/VGP