Củng cố niềm tin, tạo thêm động lực

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm nay, yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã trở thành "mệnh lệnh", là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thực chất và hiệu quả.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, đã có 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật được cắt giảm. Đã thực thi phương án đơn giản hóa 535/1.086 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến thủ tục hành chính quản lý dân cư, đạt 49,26%; 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được đơn giản hóa; 86 thủ tục hành chính tại 26 văn bản quy phạm pháp luật được thực thi phương án phân cấp.

Về cải cách quy định, thủ tục hành chính, đã cắt giảm 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành đã công bố 1.372 thủ tục hành chính nội bộ; 63/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ thực hiện tại địa phương. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại các bộ, ngành và địa phương đều tăng so với năm 2022.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chú trọng chuyển đổi mô hình một cửa theo hướng sẽ từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ đầu vào để người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin đã đăng ký, giúp giảm thiểu giấy tờ và giảm việc đi lại. Cùng với đó, chuyển hành chính truyền thống là hành chính phục vụ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Tuy đã rất nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhưng như nhận định trong Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 thì từ nửa cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; lượng vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm; xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi. Các gói kích cầu như giảm thuế giá trị gia tăng đã được triển khai nhưng tiêu dùng trong nước tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư kinh doanh, thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp - Nghị quyết nhấn mạnh.

Trước bối cảnh như vậy và theo nhận định, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết thì yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia càng trở nên cấp bách hơn. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn.

Lý do là bởi cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp. Và rằng, phải coi cải cách thể chế như một nguồn lực. Để phục hồi và phát triển kinh tế, vốn là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, thể chế không tốt thì có tiền cũng không tiêu được.

Theo dự báo, năm 2024 này, thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen nhưng khó khăn được cho là nhiều hơn. Vậy nên, điều đặc biệt quan trọng là cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong cải cách thể chế, khắc phục những quy định chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch. Đồng thời, xóa bỏ tâm lý sợ oan, sai, ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Từ đó củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

 
Ninh Hà/Theo Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều