Củng cố sức mạnh kinh tế ASEAN, bước qua dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các hội nghị liên quan đã được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.
 

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại đầu cầu Việt Nam.

Điều này một lần nữa giúp ASEAN thể hiện vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu cũng như tinh thần chủ động thích ứng với những thách thức khu vực và thế giới.

Chủ động hợp tác kinh tế nội - ngoại khối

Chia sẻ bên lề Hội nghị AEM 52, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với vai trò Chủ tịch ASEAN, trong năm 2020, Việt Nam đã rất chủ động và tích cực phối hợp các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN xây dựng hàng loạt nội dung mới, bổ sung cho các Hội nghị cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa nước ASEAN với ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) và các đối tác khác để đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu trong việc đối phó với dịch bệnh cũng như tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế ASEAN.

Không chỉ vậy, các Bộ trưởng ASEAN còn nhất trí duy trì những cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

“Những Tuyên bố, sáng kiến, kế hoạch hành động chính là cơ sở quan trọng giúp ASEAN và các nước Đối tác triển khai các giải pháp cần thiết, cùng nhau vượt qua đại dịch trong thời gian ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Năm 2020 có thể nói là năm khá khó khăn đối với Việt Nam, dịch Covid-19 đã khiến các nước ASESAN đều phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội. Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động thích ứng, nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ ASEAN từ truyền thống sang họp trực tuyến, góp phần bảo đảm các hoạt động hợp tác kinh tế từ cấp Bộ trưởng đến cấp kỹ thuật của ASEAN diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trong Hội nghị AEM lần này, vai trò quan trọng đó tiếp tục được Việt Nam thực hiện và hoàn thành tốt, đóng góp một phần rất quan trọng vào thành công của Hội nghị. Hàng loạt cuộc họp diễn ra từ ngày 22 đến 29-8, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã thảo luận và tìm cách giải quyết cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.

Về hợp tác kinh tế ASEAN nội khối, các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ AHTN 2012 sang AHTN 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20-9 tới.

Trong khi đó, về hợp tác ngoại khối, một mặt ASEAN ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, mặt khác có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada,…

Giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN

Tiếp tục phát huy vai trò chủ động, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc thảo luận và thông qua các Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Các sáng kiến này nhằm tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Mặc dù việc tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ hợp tác ASEAN năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, trong số 13 sáng kiến, ưu tiên về hợp tác kinh tế mà Việt Nam đưa ra trong năm 2020, hai sáng kiến “Xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” đã được hoàn thành tại thời điểm diễn ra Hội nghị AEM lần thứ 52. Các sáng kiến, ưu tiên khác vẫn đang tiếp tục được đã thảo luận và tích cực triển khai theo mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc hoàn thành các sáng kiến, ưu tiên kinh tế sẽ góp phần quan trọng củng cố, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời giúp ASEAN chủ động ứng phó với các thách thức phi truyền thống trong tương lai.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Việt Nam cũng tích cực đưa ra các đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN. Tiếp theo việc thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19 do Việt Nam đề xuất vào tháng 3 vừa qua tại Đà Nẵng, các nước ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày 4-6-2020 để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong lĩnh vực kinh tế, củng cố chuỗi cung ứng khu vực.

Có thể nói, việc tổ chức Hội nghị AEM 52 và các Hội nghị liên quan đã góp phần giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn. Đồng thời, những vấn đề được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thống nhất tại hội nghị cũng hướng tới mục tiêu gắn kết chặt chẽ hơn kinh tế nội khối để đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, nắm bắt các thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.

Theo TRANG LY/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều