Đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 cho thương nhân đến tiêu thụ vải

Dự kiến thương lái đến tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều sẽ được bố trí nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhưng phải đảm bảo quy định cách ly phòng dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bắc Giang và chính quyền huyện Lục Ngạn đã sẵn sàng phương án để đón các thương nhân đến tiêu thụ vải cho nông dân.

Niên vụ vải thiều năm 2020, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó sản lượng vải chín sớm ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ sản lượng ước đạt 115.000 tấn.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm nay sẽ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa với sản lượng khoảng 60%, số còn lại sẽ giành cho xuất khẩu.

 

Niên vụ vải thiều năm 2020, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái.

Tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến thúc đẩy tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam đến địa phương khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

Đồng thời đề nghị cho phép các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được nhập cảnh để thực hiện công tác giám sát quy trình xử lý vải thiều, đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang cam kết thực hiện nghiêm túc việc cách ly, theo dõi sức khỏe, kiểm tra y tế theo quy định của công tác phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện an ninh, trật tự.

Ông Phạm Công Toản cho biết: "Sau khi cách ly 14 ngày thương nhân Trung Quốc có thể đến tại các điểm ký hợp đồng thu mua vải thiều để tiếp tục đến các điểm ký hợp đồng thu mua để tiếp tục cách ly tại chỗ 14 ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn dịch. Về hỗ trợ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn báo cáo Ủy ban nhân dân nhân tỉnh hỗ trợ miễn phí chi phí ăn, nghỉ trong thời gian cách ly của thương lái Trung Quốc đến thu mua vải".

Dự kiến thương lái đến tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều sẽ được bố trí nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.

Để thuận tiện cho việc đưa đón, quản lý, theo dõi sức khỏe, khi đến địa điểm cách ly, ông La Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn – vùng chuyên canh trồng vải ở tỉnh Bắc Giang chia sẻ, trên địa bàn huyện có 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng, 454  giường, với sức chứa tối đa 750 khách.

Ủy ban nhân dân huyện đã giao lực lượng công an huyện bố trí xe đưa đón doanh nhân từ cửa khẩu về với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, phiên dịch giúp thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Do đặc điểm vải thiều Lục Ngạn sẽ chín rộ từ vùng thấp dần lên vùng cao, trước mắt, khi thương nhân Trung Quốc vào Lục Ngạn sẽ được bố trí ở tại 10 khách sạn, nhà nghỉ tại thị trấn Chũ và xã Phượng Sơn.

Sau đó sẽ sắp xếp dần sang các xã lân cận, xa nhất là một số nhà nghỉ ở xã Tân Sơn. Tại mỗi cơ sở cách ly, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 của huyện bố trí 6 người gồm: Công an, nhân viên y tế, lễ tân phục vụ trong suốt 14 ngày liên tục để phòng chống dịch.

 

Tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến thúc đẩy tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam đến địa phương khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

"Chúng tôi sẽ đón họ ngay từ khi qua cửa khẩu sang Việt Nam, sử dụng xe chuyên dụng có nhân viên y tế đón thương lái Trung Quốc về cách ly tập trung ở tại các cơ sở lưu trú ở Lục Ngạn, đảm bảo nghiêm túc các quy định về điều kiện cách ly mà Bộ y tế đã ban hành. Theo kịch bản nếu kiểm tra y tế hàng ngày mà phát hiện nhiễm Covid sẽ tiến hành điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế ban hành" - ông La Văn Nam cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải tương ứng với các mức độ kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời tiến hành tổng hợp thời gian, sản lượng cho từng trà vải thiều chín để phân bổ cho từng phân khúc thị trường tương ứng gắn với các kịch bản diễn biến của dịch Covid-19.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho hay, tỉnh đã xây dựng 3 phương án cụ thể để chủ động triển khai chủ động tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất vải thiều tiêu thụ được sản phẩm, với phương châm đồng hành cùng nông dân trong sản xuất tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của địa phương.

Ông Thái nêu rõ: "Bắc Giang đưa ra 3 kịch bản, kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang các thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ 2, có chút khó khăn hơn nhưng vải vẫn xuất khẩu được. Kịch bản thứ 3, khó khăn nhất, đó là không xuất khẩu được trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường nội địa trong nước. Sẵn sàng kích hoạt cả 3 kịch bản để tạo điều kiện tốt nhất cho tiêu thụ vải cho nông dân".

Cùng với tin vui về việc Thủ tướng Chính phủ cho phép các thương nhân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam để đến Bắc Giang để tiêu thụ vải thiều. Ngày 28 tháng 5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt, không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương cùng Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 2 địa phương này thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia Kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại tỉnh Bắc Giang và Hải Dương theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo.

Đây là cơ sở quan trọng trong việc kết nối tiêu thụ vải thiều cho nông dân đạt kết quả cao nhất, góp phần giảm bớt những khó khăn đối với người trồng vải trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo Minh Long/VOV1

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều