Chung cư Thăng Long Number One của Viglacera
“Bóc tách” Viglacera
120 triệu cổ phiếu Viglacera (VGC) nếu tính theo giá khởi điểm 12.300 đồng/cổ phần sẽ hút từ thị trường 1.476 tỷ đồng.
Đây không phải con số nhỏ, nhất là trong bối cảnh thị trường quý II rơi vào trạng thái yếu sức cầu. Thực tế các phiên giao dịch gần đây, thanh khoản thị trường đã giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với trung bình quý IV/2016 và quý I/2017.
Một điểm cần lưu ý, do đây là cổ phiếu phát hành thêm nên nhà đầu tư hầu như phải mua bằng “tiền tươi”, không có khả năng dùng đòn bẩy margin như cổ phiếu thoái vốn hoặc cổ phiếu hiện hữu trên thị trường. Tất nhiên, không loại trừ khả năng nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính từ các tài sản “đảm bảo” đặc biệt khác, nhưng nếu vậy, họ sẽ phải phân tích khả năng “chắc thắng” ở mức rất cao.
Vậy khả năng “chắc thắng” với cổ phiếu Viglacera như thế nào? Bản cáo bạch của Viglacera công bố, tiền huy động được sử dụng để đầu tư cho các dự án nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân, dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, còn lại bổ sung vốn lưu động cho Công ty.
Tiềm năng của những dự án trên theo chia sẻ của ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Viglacera và ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty, rất lớn.
Chẳng hạn, với 2 dự án khu công nghiệp, không quá lo về tỷ lệ lấp đầy. Dự kiến, cuối tháng 7 tới, Samsung Display sẽ ký ghi nhớ hợp tác với VGC và đặt cọc 10% tổng giá trị thuê 62 ha đất tại Khu công nghiệp Yên Phong.
Một đối tác khác là Samsung Pin, đang trong quá trình đàm phán thuê 40 ha đất tại Yên Phong. Khu công nghiệp Đồng Văn cũng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang đàn phán thuê đất. Hiện nay, mức biên lợi nhuận của VGC ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đạt 15 - 18%.
Còn với dự án kính nổi siêu trắng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 100% sản phẩm dự kiến được bao tiêu xuất khẩu. Đây là sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao, nhà máy có lợi thế vị trí địa lý cho phép tiếp cận các nguồn nguyên liệu với chi phí tối ưu nhất.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu dự án kính siêu trắng không đạt hiệu quả mong muốn, Công ty có thể sẽ đổi sang sản xuất kính nổi xây dựng. Theo ông Minh, thị trường kính xây dựng trong nước phát triển rất tốt và kính xây dựng hiện đang là sản phẩm có tỷ suất sinh lợi cao nhất (biên lợi nhuận nhà máy kính Bình Dương đạt 30%) trong các sản phẩm vật liệu của VGC.
Đánh giá của một chuyên gia tại Công ty Quản lý quỹ đầu tư PVI cho thấy, xét trên các yếu tố cơ bản, VGC có độ hấp dẫn và mức giá khởi điểm của đợt chào bán đảm bảo khoảng an toàn để đầu tư. Hiện thị giá cổ phiếu VGC trên sàn khoảng 15.000 đồng/CP.
Với giá trị sổ sách 12.800 đồng/CP, hệ số P/E của cổ phiếu VGC khoảng 8,5 lần, thấp hơn mức bình quân của thị trường là 14 - 15x. Có thời điểm VGC đạt thị giá xấp xỉ 18.000 đồng/CP và theo định giá của các nhà đầu tư tổ chức, với vị thế, tiềm năng của doanh nghiệp hiện tại, cổ phiếu VGC có mức giá hợp lý khoảng 20.000 đồng/CP.
Sức hấp dẫn của VGC thể hiện khá rõ với các nhà đầu tư tổ chức khi bằng phương thức đấu giá, họ có thể mua lô lớn cổ phiếu. Nhìn lại phiên đấu giá 30 triệu cổ phần vào quý II/2016 của VGC, có 178 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 19 tổ chức và 159 cá nhân.
Tổng lượng cổ phần được đăng ký mua lên đến trên 82,33 triệu cổ phần, gấp 2,7 lần lượng cổ phần mang ra chào bán; khối lượng đặt mua cao nhất 7,25 triệu cổ phần. Giá đặt mua cao nhất 14.300 đồng/cổ phần. Kết quả, có 5 nhà đầu tư tổ chức trúng đấu giá với giá trúng thầu bình quân 13.810 đồng/CP.
Cổ phiếu VGC có tiềm năng, điều này thể hiện khá rõ qua đánh giá của giới chuyên môn khi 3 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường Việt Nam là HSC, VCSC và VCBS đã tham gia bảo lãnh cho đợt đấu giá.
Chẳng màng “đất vàng” Vigecam
Với phiên đấu giá cổ phần Vigecam, diễn biến có vẻ trái ngược. Trao đổi với một số nhà đầu tư cá nhân hay tham gia các đợt đấu giá cổ phần doanh nghiệp lớn gần đây, họ cho biết, sẽ không mạo hiểm với các phiên đấu giá đặc biệt như Vigecam. "Đặc biệt" ở đây được hiểu theo nghĩa, doanh nghiệp cổ phần hóa đã có nhà đầu tư chiến lược.
Với trường hợp của Vigecam là hai tổ chức, Tổng công ty Rau quả - CTCP và Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không, sở hữu tới 70% cổ phần. Lượng cổ phần bán đấu giá ra ngoài hơn 6 triệu đơn vị, tương đương 28,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa. Tỷ lệ "lơ lửng" như vậy lại chia cho nhiều nhà đầu tư sở hữu sẽ chẳng mang ý nghĩa gì trong một công ty cổ phần.
Để đến được phiên đấu giá lần này, tiến trình cổ phần hóa Vigecam trải qua không ít thăng trầm mà nguyên nhân chính được giới thạo tin cho rằng, không nằm ngoài lý do đất vàng. Tiêu biểu là mảnh đất số 120 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội (với diện tích 276 m2); mảnh đất tại số 164 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); mảnh đất tại số 16 Ngô Tất Tố, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2).
Nổi tiếng hơn cả là khu đất 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí. Ngoài ra, Vigecam còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 - 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2).
Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam. Trong phương án cổ phần hóa Tổng công ty, giá trị tài sản đất đai bằng 0, vì toàn bộ các tài sản trên đều là đất thuê.
Vào tháng 7/2016, Vigecam đã có thông báo IPO và thu hút 21 nhà đầu tư đăng ký tham gia, với tổng số cổ phần chào mua đạt 16,14 triệu cổ phần. Tuy nhiên, một ngày trước khi diễn ra phiên đấu giá (19/7), sáng 18/7/2016, HNX đã phát đi thông báo tạm dừng cuộc đấu giá theo đề nghị của cơ quan chức năng. Trước đó là các đợt xét duyệt nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện qua lại nhiều lần…
Nhà đầu tư có lý khi e ngại rằng, nếu các nhà đầu tư chiến lược thâu tóm Vigecam khi nhìn vào quỹ đất vàng rất lớn của doanh nghiệp, sẽ khó có cửa để hoạt động kinh doanh chính của Công ty khởi sắc. Mục tiêu mua cổ phiếu để hưởng cổ tức cao hoặc chênh lệch thị giá như vậy rất khó có thể thành công. Chưa kể, tỷ lệ sở hữu cô đặc như vậy khiến cổ phiếu ít thanh khoản và nhà đầu tư dễ bị chôn vốn.
Thực tế nhiều phiên đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp đã có trước danh tính nhà đầu tư chiến lược như Thăng Long GTC, Cảng Sài Gòn, Cảng Nha Trang, Cấp thoát nước Bắc Ninh… đều cho thấy, giá trúng chỉ cao hơn chút xíu so với giá khởi điểm và không có quá nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Theo Thủy Nguyễn - Hải Minh/Báo Đầu tư