1 giờ sáng, chuyến bay của hãng hàng không Jeju Air đáp xuống sân bay Phú Quốc sau hành trình 6 tiếng từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Sau 30 phút băng qua những đại lộ thênh thang dẫn tới phường An Thới, Kim Ji Won - phóng viên của tờ Chosun Ilbo đến khu nghỉ dưỡng tại Bãi Kem để nghỉ ngơi sau chặng bay dài. Đánh thức Ji Won vào buổi sáng là những tia nắng bình minh và khung cảnh khiến nữ phóng viên không khỏi rung động: “Những giọt nắng lấp lánh phản chiếu trên mặt biển xanh ngọc trong vắt, còn bờ cát trắng mịn thoải dài khiến tôi cảm giác như mình vẫn đang mơ vậy”.
Đáp những chuyến bay thẳng đến sân bay quốc tế Phú Quốc, phóng xe bon bon trên những con đường rộng đến 4 làn xe, thức dậy trong một khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng phía ngoài khung cửa sổ là 1 trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Có lẽ, Ji Won cũng chưa biết rằng, những trải nghiệm tựa như “đang mơ” đó của cô cũng chính là giấc mơ của người dân đảo Ngọc cách đây hai thập kỷ.
“Ngọn hải đăng” dẫn đường đến những đổi thay thần kỳ
Tháng 10/2004, Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được ban hành với nhiệm vụ rốt ráo được đặt ra: “Từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước”.
Như “ngọn hải đăng” dẫn đường, hàng loạt bước ngoặt, cùng những “đại bàng” đã đến với đảo Ngọc. Kết quả, số vốn đầu tư tăng trưởng tới 64 lần (tính đến năm 2023). Từ một hòn đảo đổ nát sau chiến tranh với 3 không: không điện, không giao thông, không nước ngọt, Phú Quốc nay đã là đô thị loại II, “Hòn đảo tốt nhất thế giới năm 2024”.
|
Phú Quốc ngày nay đã trở thành “Điểm đến sang trọng hàng đầu châu Á”. Ảnh Ánh Dương |
Những chỉ số phát triển “thần kỳ”, mức thu ngân sách tăng đến hơn 200 lần trong 20 năm là minh chứng rõ nét nhất cho bước nhảy vọt của đảo Ngọc. Nguồn thu từ du lịch năm 2023 chạm mốc 13.928 tỷ đồng, gấp gần 50 lần so với năm 2004.
Sân bay quốc tế Phú Quốc là một trong những sân bay bận rộn nhất cả nước, trung bình mỗi ngày đón gần 50 chuyến bay cả quốc tế lẫn nội địa…
Hàng loạt những dự án du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đẳng cấp được bổ sung. Từ “vạch xuất phát” năm 2004, số phòng lưu trú 5 sao tại đảo nay đã gần đạt 15.000 phòng, trọn bộ “ông lớn” của ngành khách sạn thế giới như Accor, Hilton, Marriott, IHG, Rosewood… đều đã có mặt tại thành phố đảo. Sắp tới, tập đoàn Marriott sẽ đưa về đảo Hòn Thơm hai thương hiệu “hàng hiệu của hàng hiệu” ngành khách sạn là Ritz Carlton Reserve và The Luxury Collection.
|
Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay tại Bãi Kem. Ảnh Ánh Dương |
Cùng lúc đó, từ một xóm chài nghèo ngập tràn cây bụi và những bãi đất đỏ, phường An Thới nay mang diện mạo mới sôi động và đầy sức sống với Thị trấn Hoàng Hôn Sunset Town - nơi thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi ngày.
Trái ngọt đã đến với đảo Ngọc. Nhưng để đi xa hơn, làm sắc nét chân dung “trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế” như đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, dễ thấy, sản phẩm chất lượng mới chỉ là điều kiện cần.
Để là điểm đến “đặc sắc của thế giới”, Phú Quốc còn cần thêm điều kiện đủ đó là sự khác biệt với phần còn lại. Và sự khác biệt đó đến từ văn hóa.
Một đảo Ngọc rất Việt Nam và cũng rất khác biệt
Những năm qua, sự tăng trưởng vượt bậc của đảo Ngọc trên bản đồ du lịch khu vực có công sức từ quá trình đầu tư nghiêm túc của địa phương cùng các Tập đoàn kinh tế tư nhân với hướng đi nhất quán: kiến tạo hệ sinh thái đa trải nghiệm với sản phẩm đa dạng, chất lượng, đẳng cấp và lấy văn hóa làm nền tảng.
Đảo Ngọc tựa như một “hub” - nơi bản sắc Việt và văn hóa thế giới khéo léo kết hợp để hướng đến mục tiêu chung: phát triển du lịch bền vững.
Tiêu biểu, Cầu Hôn - cây cầu đã xuất hiện trên trang nhất CNN chỉ sau vài ngày ra mắt cũng là một sản phẩm của mục tiêu “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và dân tộc hóa các yếu tố quốc tế”. Lấy cảm hứng từ mối tình huyền thoại trong sự tích Ngưu Lang - Chức nữ và câu chuyện tình kinh điển của nước Ý giữa chàng Romeo và nàng Juliet; Cầu Hôn chính là “biểu tượng” gắn kết văn hóa Việt Nam và Ý.
|
Cầu Hôn - công trình biểu tượng gắn kết văn hóa Việt - Ý. Ảnh Minh Tú |
Bên cạnh đó, những show diễn quy mô, công phu, và thấm đượm văn hóa đã được tung ra; biến Phú Quốc thành một “thiên đường giải trí” mới của châu Á.
Đó là Rối Việt với sân khấu múa rối nước bên biển. Hay tại chợ đêm Vui Phết, những nghệ sĩ trẻ qua các tiết mục nghệ thuật đường phố sắm vai “đại sứ”, giới thiệu đến du khách những nét độc đáo của văn hóa bản địa.
Hoặc trên sân khấu “vô cực” của show diễn công nghệ đa phương tiện Kiss of The Sea - Nụ hôn của Biển cả; nhà sản xuất hàng đầu nước Pháp ECA2 chọn dành tặng khán giả những phần trình diễn công nghệ, ánh sáng, nước và lửa... đỉnh cao dựa trên cốt truyện kết hợp giữa viễn tưởng tựa những bộ phim Hollywood với văn hóa bản địa như thuyết ngũ hành hay nghệ thuật rối bóng. Chưa kể, qua show trình diễn pháo hoa nghệ thuật, Phú Quốc cũng là hòn đảo hiếm hoi trên thế giới bắn pháo hoa suốt 365 ngày trong năm.
|
Sân khấu Rối Việt bên biển đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh Ánh Dương |
Trong khi, nếu muốn tìm một khu nghỉ dưỡng đầy đủ “bản sắc”; Phú Quốc cũng không hề thiếu với JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - trường đại học giả tưởng chứa đựng câu chuyện kỳ thú về kiến trúc, văn hóa thế kỷ 19, hay New World Phu Quoc Resort - một làng chài Nam Bộ giữa lòng đảo Ngọc…
“Quên Phuket đi, hãy đến Phú Quốc - niềm hy vọng mới của du lịch Việt Nam” - đó là tiêu đề một bài viết trên trang tin nổi tiếng South China Morning Post. Đây có thể ví như một lời khẳng định: Phú Quốc đã không còn thua kém Phuket hay thậm chí là những “thiên đường du lịch” hàng đầu khu vực. Nhưng để, tiếp tục củng cố vị thế, Phú Quốc cần tiếp tục kiên trì với lộ trình “mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về với Việt Nam”.
HY