|
Nhà máy Điện gió Đông Hải I ở Trà Vinh |
Năng lượng sạch là nguồn năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hoá từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo. Có ít tác động tiêu cực đến môi trường như: thuỷ năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, nhiên liệu sinh học. Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hoá năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường với quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng thực hiện nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về môi trường. Năng lượng sạch có tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm, đứng đầu là điện mặt trời, kế đến là điện gió và nhiên liệu sinh học.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch: hơn 3.450 sông, suối các loại với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3; có trên 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ với quy mô mỗi địa điểm có khoảng từ 100 tới 30 MW, với tổng công suất đặt trên 7.000 MW; nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW (lớn hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020); là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía…, uớc tính với gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp; đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, nhất là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam với tiềm năng lý thuyết đạt khoảng 43,9 tỷ TOE.
|
Lắp đặt pin mặt trời tạo nguồn năng lượng sạch |
Tại Việt Nam hiện nay đã có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến hơn 5.000 MW, tiêu biểu như: cụm nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) của Tập đoàn BIM Group đã hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW; Nhà máy điện mặt trời tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) của Tập đoàn Thành Công với công suất của cả 2 nhà máy lên đến gần 90 MW; Nhà máy Tata Power tại Hà Tĩnh có công suất 300 MW; Nhà máy GT&Associates và Mashall&Street Ltd tại Quảng Nam có công suất 150MW…
Báo cáo thường niên lần thứ ba của Ember có tên Báo cáo Đánh giá Điện năng Toàn cầu đã phân tích dữ liệu điện năng của 209 quốc gia từ năm 2000 tới 2020, với các dữ liệu mới nhất của năm 2021 trên 95 quốc gia đại diện cho 93% nhu cầu điện năng toàn cầu.
Báo cáo cho biết có 50 quốc gia sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới. 7 quốc gia mới lần đầu tiên đạt được cột mốc này trong năm 2021 gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Trên toàn cầu, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đã tăng gấp đôi kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015.
Theo Ember, Việt Nam có sự chuyển dịch nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời trong năm 2021 và chạm tới cột mốc 10%, dù năm 2020 chỉ là 3% . Sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 11% trên tổng sản lượng. Điều này cho thấy việc nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi. Không có quốc gia nào khác thành công trong việc tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời thêm tới 8% chỉ trong năm 2021.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu Net Zero (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển) vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều. Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
Để đạt được mục tiêu này chúng ta phải vượt qua các khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những khó khăn chính là do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương nhất định, trong khi phần lớn các tỉnh này có phục tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ, do đó gây áp lực lên hệ thống lưới điện trong việc truyền tải công suất….
Các cấp quản lý cần hoạch định chính sách, tạo cơ chế thuận lợi, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong lộ trình phát triển các nguồn điện phát thải thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò của mình đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức tuyên truyền, vận động và khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy sáng kiến, tham gia phát triển và giám sát các hoạt động phát triển năng lượng quốc gia. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên đưa tin tuyên truyền chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về phát triển vững chắc năng lượng quốc gia, an ninh năng lượng, phát triển năng lượng gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo; tuyên truyền về các biện pháp tiết kiệm điện; tuyên truyền về các gương điển hình trong đề xuất sáng kiến, ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển năng lượng sạch; tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Hồng Nhung