Ảnh minh họa
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9800/VPCP-ĐMDN ngày 15/11/2016 về việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của Công ty An Khang Phát tới UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền; gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổng hợp trước ngày 15/10/2017.
Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 06, trong đó, Điều 5 khoản 1 quy định "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm" đối với khu vực hạn chế - khu vực này bao phủ một vùng rất rộng trung tâm Thành phố.
Cũng theo quyết định này, “trọng lượng” được hiểu là: "Trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế".
Theo phản ánh của Công ty An Khang Phát, trên thực tế, không có một loại xe tải nào có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam mà có trọng lượng toàn bộ cả xe và hàng nhỏ hơn 1,25 tấn như Điều 5, khoản 1 đã quy định.
Như vậy theo Quyết định 06, tất cả các xe tải, dù nhỏ nhất, cũng không được phép chạy vào TP Hà Nội từ 6h00 sáng đến 21h00 đêm.
Điều 5, khoản 2 Quyết định 06 còn quy định: "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.".
Như vậy, tất cả các loại xe tải nhỏ có trọng tải từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn đều bị gộp chung với loại xe siêu trường, siêu trọng, chỉ được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng hôm sau, nhưng lại phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là một quy định rất vô lý, các doanh nghiệp, cá nhân có xe tải nhẹ phải đi xin, đi chạy để được cấp phép đi vào nội thành từ 21h00 – 06h00, nhiều khi chỉ để chở một cái tủ lạnh, một cái ti vi hoặc một cái bàn học sinh, trong khi thành phố đã trong tình trạng đường xá thưa vắng, cả thành phố đã đi ngủ, mà vẫn phải có giấy phép mới được vào hoạt động!
“Có thể khẳng định, gần như 100% các loại xe nhỏ từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn hiện nay đều lách luật, lách sự vô lý quy định tại Điều 5 Quyết định 06 bằng rất nhiều cách, kể cả cách tiêu cực, để hoạt động được vào ban ngày. Nếu cấm hoạt động toàn bộ các xe có trọng tải nhỏ vào ban ngày thì cả nền kinh tế Hà Nội sẽ lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào?", công ty này bày tỏ quan điểm trong phản ánh gửi tới Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cũng Công ty này nêu sự so sánh, TP.HCM có mật độ giao thông dầy đặc, tần suất tắc nghẽn giao thông gấp nhiều lần Hà Nội mà vẫn chỉ cấm xe tải trọng từ 0,5 tấn - 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 8h00, chiều từ 16h30 - 19h30.
Lưu ý là TP.HCM quy định về tải trọng xe (tức là lượng hàng xe chở), chứ không như Hà Nội quy định về trọng lượng xe (gồm cả trọng lượng bản thân xe và hàng hóa).
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, những bất cập này các doanh nghiệp vận tải hàng hoá phản ánh từ rất lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục gây ra nhiều khó khăn, phiền hà.
Cũng trong thời gian qua, trên báo chí, nhiều ý kiến của cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhỏ đã đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản bất hợp lý trong Quyết định 06, những điều khoản gây khó khăn, trói buộc, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Thành Đạt/Báo Điện tử Chính phủ