Mô hình tăng trưởng của Việt Nam - “Mô hình rượt đuổi”
Sau hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào thời kỳ mới với GDP khoảng 343 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt mức cao. Nếu so sánh với một số nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì Việt Nam vẫn nằm ở nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế - xã hội với các nước còn rất lớn. Chiến lược phát triển lâu dài của Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội để khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính liên tiếp từ năm 2008 đến nay, đại dịch COVID-19 và kết thúc quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại đầy đủ, hội nhập quốc tế - nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển ở tốc độ bình quân lớn hơn 7%/năm và bền vững.
Việt Nam cần ưu tiên tối đa cho phát triển kinh tế cùng với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và bảo vệ môi trường sống. Chỉ có tăng trưởng nhanh, Việt Nam mới không bị tụt hậu trong nền kinh tế thế giới và khu vực. Vì vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững là yêu cầu cốt tử của Việt Nam trong thời gian tới.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và kiểm tra công tác phòng dịch COVID-19 tại Công ty Samsung Electronics Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên _Ảnh: TTXVN |
Đặc trưng của tình hình kinh tế quốc tế hiện nay là tính toàn cầu hóa của thời kỳ hậu công nghiệp hóa. Vì vậy, vấn đề mà Việt Nam gặp và phải xử lý là phát triển để “rượt đuổi” cả thời kỳ công nghiệp hóa và thời kỳ hậu công nghiệp. Thực lực sản xuất công nghiệp dựa trên tiềm lực khoa học - công nghệ sẽ quyết định công cuộc “rượt đuổi” kinh tế của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh Việt Nam, chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải trả lời được các câu hỏi sau:
Thứ nhất, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào? Vai trò của Nhà nước trong giai đoạn này như thế nào? Nhà nước trực tiếp hay để tư nhân thực hiện hay là công - tư kết hợp?
Trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch tập trung sang tự do hóa các hoạt động kinh tế, giá cả, kể cả trong kinh tế đối ngoại để tiến tới xóa bỏ cơ chế bao cấp và tư duy phân phối theo kế hoạch các nguồn lực phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam muốn xây dựng mô hình kinh tế theo tiêu chuẩn của các nước phát triển thì Nhà nước cần tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường. Theo đó, Nhà nước phải bảo đảm điều kiện cạnh tranh bình đẳng, tự do hóa hoạt động kinh tế, giá cả, xóa bỏ chế độ phân phối nguồn lực quốc gia theo kế hoạch để giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào kinh tế.
Trong thời gian qua, sau thời gian tăng trưởng cao liên tục, đến nay kinh tế Việt Nam đã bộc lộ các mặt hạn chế, biểu hiện chủ yếu ở: Tốc độ tăng GDP chậm dần, lạm phát giữ ở mức cao (so với các nước trong khu vực), hoạt động đầu tư không đáp ứng được điều kiện hiện đại hóa (chỉ số ICOR tăng cao khi so với các nước có điều kiện tương đương), khả năng cạnh tranh trên thị trường của cả sản phẩm và doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, từ kinh nghiệm thành công của các nước mới công nghiệp hóa (NICs), trong “mô hình kinh tế rượt đuổi” mà Việt Nam cần thực hiện thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Vai trò của Nhà nước là lựa chọn ngành, nghề ưu tiên, xây dựng quy hoạch và kế hoạch triển khai để ban hành hệ thống cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đặc biệt là liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch. Từ kinh nghiệm thành công của mô hình NICs thì “mô hình kinh tế rượt đuổi” về bản chất là sự chỉ đạo có mục đích của yêu cầu chính trị đối với xây dựng và vận hành cơ chế; điều hành nguồn lực quốc gia trên cơ sở tôn trọng các quy luật vốn có của nền kinh tế thị trường hiện đại. Việt Nam khi triển khai thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước vẫn là đại diện chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp lớn, các nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng. Vì vậy, khi thực hiện “mô hình kinh tế rượt đuổi” thì Nhà nước tham gia trực tiếp hay gián tiếp là tất yếu. Vấn đề đặt ra ở đây là khi nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cũng phải rút lui dần khỏi những ngành, nghề không còn tính ưu tiên nữa. Xác định được như vậy là phù hợp với thực tế kinh tế thế giới thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điểm quan trọng là việc tham gia của Nhà nước góp phần đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế thông qua đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành sản xuất, từng bước đẩy mạnh các ngành phi sản xuất nhưng không làm cản trở cạnh tranh tự do.
Thứ hai, về mô hình phát triển doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của các nước G7 và NICs mới đây có thể rút ra một số nhận xét trong “mô hình kinh tế rượt đuổi”, mức công nghiệp hóa tập trung của nền kinh tế khá cao, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có vai trò quyết định thành công. Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại mặt trái của nó, như: 1- Khi hình thành mô hình doanh nghiệp công nghiệp - tài chính sẽ có sự liên kết giữa một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước với doanh nghiệp, làm mất hiệu lực, mặt tích cực của cơ chế thị trường, dẫn đến sự phân phối nguồn lực quốc gia chệch hướng mục tiêu ban đầu; 2- Việc hình thành các doanh nghiệp công nghiệp - tài chính tiềm ẩn nguy cơ hình thành “chủ nghĩa tư bản thân hữu” lũng đoạn thị trường, hạn chế cạnh tranh bình đẳng; 3- Tập đoàn công nghiệp - tài chính tạo ra đội ngũ những triệu phú mới từ sự bất bình đẳng trong sử dụng nguồn lực của đất nước. Nhìn vào quá trình phát triển của các nước có nền kinh tế mới nổi, chúng ta hiểu rõ sự quan ngại của xã hội về các hạn chế này. Đối với Việt Nam, bên cạnh các hạn chế nêu trên, mô hình tập đoàn công nghiệp - tài chính cũng đã hình thành và có tác động đến hoạch định chính sách vĩ mô trong việc xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, đến mức độ sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các dự án, làm tăng áp lực tăng thuế cũng như bị các nước kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do vi phạm các cam kết về trợ cấp sản phẩm.
|
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những lợi thế nhất định do tính cơ động và linh hoạt trong áp dụng công nghệ mới và sản xuất sạch (Trong ảnh: Chế biến hồng treo theo công nghệ của Nhật Bản) _Ảnh: TTXVN |
Tập đoàn hóa hay còn gọi là nâng cao quy mô của doanh nghiệp, mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp là con đường tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa. Còn trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do đặc thù tiến bộ khoa học - kỹ thuật có vai trò rất lớn, có khả năng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của xã hội thì mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa có được ưu thế hơn so với doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong vòng 20 - 30 năm tới, Việt Nam phải giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa phát triển doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa và ở đây doanh nghiệp nhà nước nên chủ động và chịu trách nhiệm trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rượt đuổi của Việt Nam cần phải tận dụng được vai trò của các tập đoàn công nghiệp - tài chính không phân biệt theo hình thức sở hữu để tập trung được vốn và nguồn lực, giảm chi phí giao dịch. Nhà nước lúc này có vai trò định hướng kiểm tra (chứ không phải làm thay) trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và với các chính sách ưu đãi trong một khung thời gian nhất định. Như vậy, giảm bớt được gánh nặng về kinh tế của Nhà nước, giúp nền tài chính quốc gia vận hành ổn định, hiệu quả hơn.
Thứ ba, mô hình nền kinh tế để bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững. Đây là vấn đề đã được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ ra và đưa ra một khái niệm chung là chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu nhưng nhiều năm đã trôi qua, mô hình phát triển theo chiều sâu vẫn chậm được hình thành.
Cần phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, coi đây là tam giác tăng trưởng để làm cơ sở đánh giá và xây dựng mô hình phát triển công nghiệp hóa trong điều kiện sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số.
Trong quá trình phát triển kinh tế, tất yếu phải có tác động vào hệ sinh thái - môi trường sống của con người. Vấn đề là sau đó chúng ta ứng xử thế nào. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, các nhà khoa học của Đức đã đưa ra một khái niệm về cân bằng sinh thái khi nghiên cứu vấn đề cung ứng gỗ chống lò cho mỏ than và xác định: cân bằng sinh thái được bảo tồn khi lượng gỗ khai thác bằng với tốc độ phát triển của rừng trồng phục vụ lấy gỗ. Tức là trên một diện tích cố định thì việc khai thác rừng được giới hạn bằng lượng gỗ mà một khu rừng trồng mới có thể cho khai thác trong cùng một thời gian. Xét trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải cân nhắc việc trồng lúa 3 vụ hay chỉ trồng 2 vụ lúa và thời gian còn lại để nước tràn tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long thì có lợi hơn về phòng, chống dịch bệnh cho lúa, bảo đảm sử dụng ít hóa chất hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đã đến lúc cần đặt ra bài toán so sánh việc dỡ bỏ đê bao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để đạt cân bằng tự nhiên tốt hơn hay đắp đê bao theo mô hình đê của đồng bằng sông Hồng tốt hơn?
|
Thu hoạch vụ đông - xuân trên cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long _Ảnh: TTXVN |
Với trục an sinh, phúc lợi xã hội, trong bối cảnh nước ta hiện nay, cần cân nhắc giữa việc thực hiện nhiều chính sách xã hội vượt ngưỡng cân bằng của ngân sách, đẩy nợ công lên cao, đe dọa đến đầu tư phát triển và khả năng bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội của thế hệ sau. Vấn đề đặt ra là công khai khả năng tối đa chúng ta làm ra để có thể tạo sự đồng thuận xã hội trong vấn đề an sinh - phúc lợi xã hội. Phá vỡ mối quan hệ hữu cơ của mô hình tam giác phát triển chính là biểu hiện của sự phát triển thiếu bền vững.
Cơ cấu lại nền kinh tế
Quan điểm tiếp cận trong cơ cấu lại nền kinh tế nên là: Cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn dụng lao động quốc gia, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó, toàn dụng lao động quốc gia là mục tiêu trung tâm để gợi mở phương án cơ cấu lại nền kinh tế nhằm bảo đảm ổn định xã hội, dân giàu, nước mạnh. Mô hình mới sẽ góp phần phân bổ hiệu quả nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp để trả lời các câu hỏi:
- Những ngành nào sẽ cần được quan tâm định hướng cho đầu tư phát triển? Những ngành đó tạo ra bao nhiêu việc làm? Vấn đề cơ cấu lực lượng lao động vào các ngành tạo ra giá trị cao như thế nào?
- Chính sách tác động vào khu vực dịch vụ tạo tăng trưởng?
- Định hướng và không gian phát triển các ngành công nghiệp?
- Chính sách phát triển công nghiệp?
Để tạo được sự đột phá cho cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2030, cần xử lý tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Vấn đề thứ nhất: Cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế có tính đến tác động của đại dịch COVID-19.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất đổi mới mô hình tăng trưởng luôn gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế và đây là một quá trình đổi mới không ngừng của nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế. Nhiều nhà khoa học đã đưa ra luận giải về khái niệm cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại nguồn lực theo hướng chảy về nơi sử dụng nguồn vốn tốt hơn. Sau một thời gian đổi mới theo chiều rộng đạt được những kết quả quan trọng, mỗi vùng, miền đều đã có sự thay đổi tạo ra lợi thế riêng của vùng, của ngành. Vì vậy, cơ cấu lại nền kinh tế chính là phát huy hết lợi thế so sánh của từng ngành, địa phương để tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo ra thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ở đây, lợi thế so sánh của quốc gia đã được nhân lên nhờ tận dụng lợi thế trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực của đất nước. Làm rõ được điều này sẽ giúp chúng ta triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo cách nhìn khác hơn. Trung ương sẽ không còn giao chỉ tiêu cho từng địa phương phải đạt tốc độ tăng trưởng cao nữa mà là sẽ giao yêu cầu phát triển phù hợp với thực tế địa phương. Ví dụ với tỉnh Hà Giang, do điều kiện, đặc điểm tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội thì nhiệm vụ chủ yếu là giữ vững biên cương Tổ quốc, bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Mông. Như vậy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới của tỉnh sẽ là dịch vụ du lịch gắn với cao nguyên đá, với tiếng khèn say lòng người,... Sản xuất ở đây tập trung vào nông nghiệp - lâm nghiệp là chính theo mô hình liên kết giữa chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển rừng - bảo vệ biên giới phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương và cả nước. Kinh phí cho nhu cầu an sinh xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ do Trung ương bảo đảm. Như vậy, tỉnh không phải lo mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng và vượt cả nước. Nếu như thế, câu chuyện GRDP cấp tỉnh với tốc độ tăng trưởng 9% - 10%/năm cao hơn GDP cả nước sẽ không còn lặp lại.
|
Cơ cấu lại nền kinh tế chính là phát huy hết lợi thế so sánh của từng ngành, địa phương (đơn cử như với Hà Giang, phải chăng do điều kiện, đặc điểm đặc thù của mình, thì lợi thế của tỉnh là phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cao nguyên đá, với tiếng khèn say lòng người…, mà không phải lo mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp bằng được để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng và vượt cả nước…) _Ảnh: TTXVN |
Vấn đề thứ hai: Phân bổ nguồn lực quốc gia hay là triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư (sửa đổi). Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta thì kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, sử dụng có hiệu quả đầu tư công để lôi cuốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để có thêm nguồn lực đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhiều rủi ro ban đầu là yêu cầu sống còn để tạo nguồn lực bổ sung trong điều kiện nguồn lực của cả nước còn hạn hẹp. Từ bài học của Samsung đối với việc tham gia vào chuỗi giá trị điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam đặt ra một yêu cầu mới đối với Nhà nước. Cần phải thành lập mới một vài doanh nghiệp với công nghệ tiên tiến đáp ứng được yêu cầu cao của Samsung từ nguồn vốn mà Nhà nước thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN. Như vậy, tổng vốn nhà nước trong doanh nghiệp không bị giảm đi mà được bảo toàn và phát triển, tránh tình trạng như hiện nay càng đổi mới quản lý DNNN thì phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp càng nhỏ đi. Sau khi doanh nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả thì tiến hành thoái vốn để các nhà đầu tư khác tham gia điều hành và làm chủ doanh nghiệp. Nhà nước lại có một nguồn vốn mới hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực mới hình thành còn nhiều rủi ro. Như thế, hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực này như một quỹ đầu tư rủi ro ở các nước phát triển và DNNN thể hiện vai trò đi trước mở đường. Hoặc mô hình đầu tư đường giao thông rồi nhượng quyền khai thác như Bộ Giao thông vận tải đã triển khai thí điểm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hay Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương cũng là một minh chứng cho đề xuất nêu trên. Như vậy, cần phải thay đổi cơ bản tư duy phải có DNNN để tham gia điều tiết thị trường theo ý muốn chủ quan sang thành tư duy DNNN tham gia thị trường vận hành theo quy luật phổ quát và Nhà nước - mà đại diện ở đây là DNNN tham gia vào những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước có trách nhiệm phải làm hoặc theo mục tiêu dài hạn mà Nhà nước đã đặt ra.
Vấn đề thứ ba: Phải chọn điểm đột phát trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 dựa trên tác động lan tỏa của các vùng động lực trong nền kinh tế.
Trong giai đoạn vừa qua, việc cơ cấu lại nền kinh tế mà cụ thể là 3 trọng tâm chưa có sự liên kết giữa các ngành với nhau và với kinh tế vùng. Chúng ta chưa thấy mối liên quan chặt chẽ giữa việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gắn liền với sức khỏe không chỉ của DNNN nói riêng mà cả hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam nói chung. Đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân quan trọng trong nhiều nguyên nhân làm cho tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng xấu đi, như việc nợ đọng xây dựng cơ bản đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng giao thông thành con nợ lớn của các ngân hàng thương mại. Với thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta khó hình thành những sản phẩm đột phá về công nghệ so với thế giới, không tận dụng được lợi thế của thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, không thể coi nhẹ ngành công nghiệp dệt may mà phải coi đây là ngành quan trọng trong vòng vài chục năm tới vì sử dụng được số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) nhưng lại có thu nhập cao hơn 2 - 3 lần lao động nông nghiệp. Vấn đề là phải tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu cao của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phải đi từ sản xuất sợi để từng bước tham gia được vào cả 4 công đoạn: thiết kế - sản xuất nguyên liệu - gia công - phân phối của ngành công nghiệp dệt may trong vòng 20 - 30 năm tới, giúp giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề, gắn phát triển công nghiệp dệt may với đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn Việt Nam.
Tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu cao của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới _Ảnh: Vietnamplus.vn
Trong các doanh nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam, Tập đoàn VinGroup định hướng vào sản xuất ô-tô điện và kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đây là một hướng đi đột phát theo đúng quan điểm của Đảng về “đi tắt đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu đi theo hướng sản xuất ô-tô dùng nhiên liệu hóa thạch, VinGroup đi sau thế giới hàng trăm năm, còn chọn ô-tô điện thì xuất phát điểm của doanh nghiệp Việt Nam này chỉ chậm khoảng 10 năm. Như vậy, vai trò của Nhà nước là có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất pin cho xe ô-tô và tiến tới là nguồn lưu trữ cho năng lượng tái tạo đang có xu thế phát triển mạnh ở Việt Nam. Bằng cơ chế, chính sách, Nhà nước tạo điều kiện hình thành một thị trường đủ lớn để doanh nghiệp đầu tư bảo đảm có hiệu quả kinh tế. Như thế, chính sách công - tư hợp tác sẽ vươn lên một tầm cao mới, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc định hướng phát triển theo mục tiêu mà Đại hội Đảng đã thông qua.
Cùng với việc xử lý các vấn đề nêu trên, phải thực hiện việc thay đổi cơ bản tư duy đầu tư phát triển dàn hàng ngang để tập trung đủ mức tạo ra những đầu tàu kinh tế có khả năng đưa con tàu kinh tế Việt Nam tiến nhanh tới đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong một vài thập niên tới sẽ có những vùng phát triển kinh tế rất nhanh, kéo theo nhiều vấn đề của đô thị hóa nên phải có hệ thống chính sách để hạn chế việc hình thành các siêu đô thị - tiềm ẩn những rủi ro trong an sinh xã hội./.
Theo NGUYỄN ĐỨC KIÊN - LÊ TIẾN TRƯỜNG/Tạp chí Cộng sản