Qua đó, hạn chế đi lại để kiểm soát dịch COVID-19. UBND cấp xã công khai số điện thoại của Tổ dịch vụ để người nông dân trực tiếp liên hệ để thống nhất phương án hỗ trợ chăm sóc thay cho nông dân.
Gia đình anh Phạm Văn Đông quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã đến giáp ranh huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp gửi tiền mua phân, thuốc và nhờ thuê nhân công sản xuất gần 2 ha lúa Thu Đông, do không qua địa bàn thường xuyên được vì ảnh hưởng còn thực hiện giãn cách xã hội phòng chống COVID-19.
|
Bà con nông dân xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chăm sóc lúa. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ khác tỉnh, nhiều hộ dân sản xuất lúa từ địa bàn xã này qua xã kia trong huyện cũng thực hiện thuê người địa phương lân cận nơi sản xuất lúa để chăm sóc. Anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười có đất sản xuất lúa gần xã Đốc Binh Kiều cùng huyện, cũng thuê người địa phương làm dịch vụ chở phân, thuốc đến thửa ruộng sản xuất hơn 1 ha lúa Thu Đông giúp bón phân và chăm sóc cho đến khi thu hoạch anh mới đến tận nơi.
Để đảm bảo tình hình sản xuất của người dân được thuận lợi, ngành nông nghiệp yêu cầu ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin tình hình thời tiết, sâu bệnh, phân công cán bộ thăm đồng để thông tin kịp thời đến người nông dân cách xử lý, chăm sóc không để dịch bệnh bùng phát trong điều kiện hiện nay.
Đối với việc cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho sản xuất, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có 1.300 cơ sở, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp có khả năng cung ứng đủ và dư nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Vụ lúa Thu Đông năm 2021, tỉnh Đồng Tháp xuống giống đạt gần 100/119 nghìn ha. Các diện tích lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Tỉnh chú trọng việc xuống giống nhanh trong thời gian còn giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.
Để đảm bảo cho lúa Thu Đông sinh trưởng và phát triển tốt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 100% DAP, 50% kali trước khi trục trạc đất lần cuối; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý... giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận.
Những khu vực xuống giống lúa Thu Đông 2021 cần theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần, xuống giống tập trung, né rầy hiệu quả. Đồng thời, các nông dân cùng chia sẻ thông tin về tình hình sinh vật gây hại trên từng ô bao, cánh đồng nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đề nghị bà con kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi rầy nở rộ, tuổi 2 - 3 với mật số trên 2.000 con/m2 cần phun thuốc trừ rầy có tác động chống lột xác. Hoặc, lưu dẫn nhằm hạn chế tốt mật số rầy vào giai đoạn sau, nếu mật số rầy thấp thì không cần phun thuốc, tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc.
Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)