Để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh Gia Lai đã tăng cường công tác định hướng phát triển, xây dựng cơ chế - chính sách, tập chung mọi nguồn lực. Từ đó, tạo đòn bẩy để kinh tế tập thể, hợp tác xã nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã kiểu mẫu
Từ khi chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện đã có những bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, đã tạo liên kết sản xuất được hơn 215 ha lúa nước 2 vụ, trong đó có 140 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân trên địa bàn. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai đã cung ứng ra thị trường từ 300 - 400 tấn gạo chất lượng cao thương hiệu “Gạo Phú Thiện” cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp Chư A Thai - Phạm Ngọc Nghĩa chia sẻ, từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động, hợp tác xã đã chủ động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm mới giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Đặc biệt, vừa qua, hợp tác xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, do đó, thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị chế biến gạo, bao bì nhãn mác và chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao.
Cùng bắt tay liên kết sản xuất theo quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên chính là mục tiêu mà Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh đang theo đuổi.
Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Ia Mơ Nông cho biết, Hợp tác xã hiện có 9 thành viên với 27 tổ liên kết ở các xã Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Ia Phí, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) và xã Ia Yok (huyện Ia Grai) canh tác khoảng 800 ha cà phê, chanh dây và sầu riêng. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku) từ 400-500 tấn chanh dây.
“Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang kết nối, tìm hiểu để liên kết với đơn vị xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng, chanh dây và cà phê xuất khẩu. Vì vậy, hợp tác xã đang ưu tiên nhiệm vụ xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho 200 ha sầu riêng và 200 ha chanh dây theo tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tập trung vốn đầu tư mua máy múc dịch chanh dây, xây dựng kho lạnh bảo quản chanh dây, sầu riêng…” – ông Thanh cho biết thêm.
Còn những hạn chế
Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Các hợp tác xã được chuyển đổi đã có những bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, tăng cường tự chủ, phát huy nội lực và phương thức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết giúp nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai, những năm trước đây, để chạy đua với tiêu chí nông thôn mới, vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không ít hợp tác xã được thành lập ồ ạt, hoạt động không thực chất. Sau khi triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, một số hợp tác xã hoạt động không hiệu quả đã được giải thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh vẫn còn 23 hợp tác xã chưa được chuyển đổi và 46 hợp tác xã ngừng hoạt động.
“Qua rà soát, tỉnh hiện có 377 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã và 504 tổ hợp tác; tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 24% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân hoạt động của các hợp tác xã chưa tốt là do quy mô nhỏ, lĩnh vực hoạt động hạn chế, sức cạnh tranh sản phẩm kém; lúng túng trong định hướng và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu… Chưa kể, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc đổi mới hình thức kinh tế này, do đó, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã viên, người dân chưa thật tin tưởng, cuốn hút với mô hình hợp tác xã kiểu mới.” - ông Nguyễn Thế Hùng cho hay.
Cũng theo chia sẻ của Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Phú Thiện - Võ Quốc Trung, nhìn chung hoạt động sản xuất của 31 hợp tác xã và 10 mô hình nông hội trên địa bàn đều chưa phát huy được hiệu quả về kinh tế, do cơ sở vật chất lạc hậu, quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết hợp tác lẫn nhau. Bên cạnh đó, trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và chất lượng dịch vụ mà các hợp tác xã cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai tốt Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh cho biết, giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ cố gắng vận dụng hợp lý các cơ chế, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đặc biệt, sẽ giao cho các hợp tác xã làm chủ các dự án, từ đó tạo đòn bẩy phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, chanh dây, sầu riêng...
“Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà huyện Phú Thiện hết sức quan tâm. Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tại địa phương thường xuyên hỗ trợ cho người dân và các hợp tác xã những loại giống mới chất lượng; tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật; xây dựng các sản phẩm OCOP; xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô và chất lượng đáp ứng yêu cầu liên kết giữa người dân, hợp tác xã với doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; qua đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế”, ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết.
Để triển khai tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW, tỉnh Gia Lai dự kiến hỗ trợ hơn 84 tỷ đồng để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham quan một mô hình kinh tế hợp tác. Ảnh Minh họa |
Với mục tiêu đến cuối năm 2023, tỉnh Gia Lai có khoảng 382 hợp tác xã, trên 500 tổ hợp tác, 3 liên hiệp hợp tác xã với 33% cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ từ cao đẳng trở lên, 48% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề; trên 8,5 % hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản và 30% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
“Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của trung ương, tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên các nguồn lực khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay; đẩy mạnh phối hợp với các dự án trong và ngoài nước hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm các hợp tác xã ngưng hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa giải thể thuộc diện vướng mắc có thể xử lý được. Điều này sẽ tạo đòn bẩy để kinh tế tập thể, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” - ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai khẳng định.
Theo TTXVN