|
19 hộ gia đình thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình liên tục kêu cứu khi cho rằng tiền đền bù đất ruộng quá thấp (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2848/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư giáp khu tái định cư xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình với diện tích 71.285m2 trên đất nông nghiệp thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình.
Ngày 20/10/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Văn bản số 3991/UBND-CTXDGT chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án phát triển nhà ở thương mại Khu dân cư giáp khu tái định cư xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình với tổng mức đầu tư là 284.376.000.000 đồng.
Ngày 21/02/2017, UBND thành phố ban hành các Quyết định từ số 774 đến 875/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và Quyết định số 876/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án. Theo đó, cộng tất cả tiền bồi thường đất (42.000đ/m2), hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (63.000đ/m2), hỗ trợ khác (84.000đ/m2) người dân được đền bù 189.000đ/m2, tương đương với 68,04 triệu đồng/sào.
Cho rằng, giá đền bù quá thấp, 21 hộ dân tại đây đã không đồng ý nhận tiền đền bù (hiện nay còn lại 19 hộ). Đặc biệt trong 19 hộ này có một số gia đình chính sách, là con cháu của Mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.
Tiền đền bù người dân nhận được thấp là vậy, nhưng nhiều người bất ngờ khi ngày 01/04/2020, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 940/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đồng thời công nhận chủ đầu tư thực hiện Dự án phát triển nhà ở thương mại tại xã Đồng Mỹ, thành phố Thái Bình. Theo đó Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ (trụ sở tại Hà Nội) là đơn vị trúng đấu giá, với mức trúng là 11.000.200 đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/m2. Mức giá này cao hơn gần 60 lần so với giá đền bù cho người dân.
|
Dự án hiện nay đã được quây tôn kín mít, 19 hộ dân vẫn túc trực ngày đêm không cho chủ đầu tư thi công. |
Đến 25/7/2018, UBND thành phố Thái Bình đã có các Quyết định thực hiện việc cưỡng chế đối với các gia đình chưa nhận tiền đền bù. Sự việc trên trở thành điểm nóng tại địa bàn, khi 19 hộ dân dựng lán trại, căng băng rôn, quyết liệt phản đối việc thu hồi đất.
Đỉnh điểm, theo người dân ở thôn Tống Thỏ Nam, ngày 16/09/2020 khi người dân đang tập trung tại khu đất ruộng của mình thì bất ngờ rất nhiều xe khách Công ty Hoàng Hà ập đến, tiếp đó có hàng trăm thanh niên từ trên xe lao xuống uy hiếp, đe dọa người dân bằng gậy gộc và cả kim tiêm. Có người bị trùm chăn đánh đập, ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu… Sự việc được người dân ghi lại bằng điện thoại, sau đó gửi đi nhiều cơ quan ban ngành kêu cứu.
Trong đơn gửi Báo điện tử Xây dựng, các hộ dân ghi rõ: “Nông dân chúng tôi thấy dự án này là dự án thương mại, lợi dụng Luật Đất đai thu hồi đất nông nghiệp với giá 42.000 đồng/m2. Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, UBND thành phố Thái Bình cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ đấu giá 11.000.200 đồng/m2, kinh doanh bất động sản sinh lời, không biết khi họ bán sẽ bán với giá mấy chục triệu/m2, chưa kể đến tài sản khi họ xây dựng xong”.
Sáng 9/10, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có mặt tại Dự án phát triển nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình. Theo quan sát của phóng viên thì khu đất của dự án đã quây tôn kín mít. Người dân vẫn ngày đêm dựng lều, lán và thang, sẵn sàng trèo thang nhảy qua tường tôn để vào dự án, ngăn máy móc san ủi đất.
|
Ngày 16/9/2020, theo người dân có hàng trăm thanh niên đã xô xát với các hộ dân đang giữ ruộng tại dự án (Ảnh người dân cung cấp). |
Chị Vũ Thị Thuỷ (thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình) cho biết: Dự án tái định cư là đường, trường, trạm, công ích quốc phòng, giãn dân thì chúng tôi sẵn sàng cống hiến. Đất ở đây là đất hai lúa, tiền đền bù chúng tôi nhận được là 189.000/m2, mà thành phố lại bán cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ với giá 11.000.200 đồng/m2. Vì vậy, chúng tôi phải chống đối, phải kêu cứu...
“Bây giờ họ (Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ - PV) bán gần hết rồi, mà họ bán 37 triệu – 39 triệu/m2. Bố tôi 2 lần tái ngũ đi chiến trường, giữ lại cho mẹ con tôi 1 sào 3 ruộng này để sinh sống, chồng tôi mất sớm. Giờ mất ruộng thì tôi không có gì nuôi mẹ già (vợ liệt sỹ) nên tôi phải giữ ruộng của tôi. Mà ngày hôm qua, tôi vào giữ đất ruộng bị bảo vệ và xã hội đen đánh đập xong khiêng vứt ra ngoài, giờ trên tay trên cơ thể tôi vẫn còn đầy vết bầm tím...”, chị Thủy cho biết thêm.
Ông Vũ Tiến Hồng (thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ) cũng cho biết: “Nhà tôi cũng bị thu hồi khoảng 2 sào đất nông nghiệp. Song, chúng tôi không chấp nhận kiểu thu hồi đất với giá rẻ mạt để bán ra thị trường với giá “cắt cổ” 30 - 40 triệu/m2 như vậy được. Đây rõ ràng không phải là một dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà là dự án kinh doanh, bán đấu giá sinh lời. Vì thế, chúng tôi không chấp nhận phương án đền bù của UBND thành phố Thái Bình”.
“Hôm 16/9/2020, bà Vũ Thị Xuyên còn bị các đối tượng lạ trùm chăn đánh đập dẫn đến bất tỉnh hôn mê, phải đưa đi cấp cứu” - ông Hồng cho biết thêm.
Ngoài việc túc trực 24/24 để giữ đất, người dân cũng đã gửi đơn thư cầu cứu đi nhiều nơi, tới nhiều cấp ban, ngành. Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chuyển đơn thư của người dân tới Thủ tướng Chính phủ.
Trước sự việc trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với UBND thành phố Thái Bình. Về việc thu hồi đất với giá 189.000đ/m2, bà Trần Thu Hà – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình cho biết: Giá tiền đền bù giải phóng mặt bằng như vậy là theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, còn vì sao đền bù thấp xong bán giá cao cho doanh nghiệp thì bà không biết, cái này phải hỏi tỉnh Thái Bình.
Còn vụ việc hàng trăm thanh niên xô xát với người dân ngày 16/9/2020, thì ông Hà Hùng Mạnh – Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Bình cho biết: Có nghe nói tới vụ việc, nhưng không thể khẳng định nhóm thanh niên kia là xã hội đen hành hung người dân, mà có thể chỉ là việc bảo vệ công trình của chủ đầu tư?
Tìm hiểu thêm về dự án phát triển nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng thấy rằng, dự án vẫn còn đang trong quá trình san lấp mặt bằng và còn 19 hộ dân chưa chấp thuận phương án đến bù, nhưng các lô đất tại đây đã được rao bán gần hết.
Vụ việc trên khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi với chính quyền tỉnh Thái Bình như: UBND tỉnh Thái Bình thu hồi đất của dân với giá rẻ để giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ bán với giá cao như vậy là đúng hay sai? Tranh chấp còn lùm xùm, chủ đầu tư cũng chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã phân lô, bán nền… chính quyền thành phố và tỉnh Thái Bình có biết? Tại sao, dân bị “hành hung” đe dọa với hàng chục bức ảnh, clip mà đại diện UBND thành phố Thái Bình lại cho rằng đó chỉ là việc chủ đầu tư “bảo vệ công trình”...? Phải chăng, đang có một thế lực nào đó, đang “ép” người dân phải chấp nhận “hy sinh” đất vàng với giá rẻ mạt?
Theo Thiên Trường – Đinh Vũ/Báo Xây dựng