Dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm có thể giảm 0,15% do bão số 3

Báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3, các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh trình Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, cường độ tăng nhanh, duy trì cấp siêu bão (cấp 16, giật cấp 17) trong thời gian dài và vẫn giữ cường độ siêu bão khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường, rất phức tạp, cường độ bão không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn rất mạnh, giữ cấp 12 - 13, mức độ rủi ro thiên tai lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước). Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao. 

Những cánh đồng tan hoang sau bão. (Ảnh: PV)

Thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội

Bão số 3 đã làm hàng trăm người chết, mất tích, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương; gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương được dự báo sẽ chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.

Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Đặc biệt, khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.

Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025) cũng như khả năng thu hút khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng sớm bảo đảm cung ứng đủ điện, nước, kết nối viễn thông để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại ngay khi tình hình thời tiết thuận lợi hơn.

Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường xá, cầu, cống, điện, cấp thoát nước, viễn thông, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục. Các công trình hạ tầng thủy lợi, đê kè, đập chứa nước của nhà máy thủy điện… bị thiệt hại, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khi tình hình bão lũ thời gian tới dự báo còn rất phức tạp...

Một số bài học kinh nghiệm

Nhiều nhà cửa bị phá hủy. (Ảnh: PV)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, thiệt hại do bão số 3 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, chủ yếu là do siêu bão số 3 có cường độ mạnh, phạm vi lớn, tính chất phức tạp, chưa từng có tiền lệ; tình trạng mưa lớn kéo dài, xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn. Nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận người dân, doanh nghiệp tại một số nơi còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo của các cơ quan chức năng; kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ còn hạn chế; một số chính quyền cấp cơ sở còn thiếu trang thiết bị, triển khai chậm, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó trong các tình huống khẩn cấp; phối hợp thông tin trong một số thời điểm bị gián đoạn…

Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp trên hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp… chúng ta đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.

Trên cơ sở đó, báo cáo rút ra 6 bài học kinh nghiệm, gồm: 

Thứ nhất, làm tốt công tác dự báo, bám sát thực tiễn, chủ động từ sớm, từ xa để có giải pháp ứng phó, phản ứng chính xác, kịp thời, hiệu quả, linh hoạt; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết”.

Thứ hai, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhất quán, đồng bộ, xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ ba, quan tâm hơn nữa việc đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng xử lý tình huống khẩn cấp của các ngành, các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân để ứng phó với các tình huống cấp bách, bất ngờ.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét...

Thứ năm, phát triển hạ tầng phải gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai; cần đánh giá, dự báo đầy đủ các yếu tố về địa chất, dòng chảy… có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm bảo vệ môi trường khi tiến hành triển khai dự án.

Thứ sáu, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện tình hình thiên tai, bão lũ, gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống bão lũ; xử lý nghiêm hành vi tung tin xấu, độc nhằm an dân, ổn định tâm lý xã hội, khích lệ, động viên tinh thần nhân dân. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc trong hoạn nạn, khó khăn.

Các nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân.

Hai là, hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Ba là, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới.

Năm là, cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.

 
PV/Theo Báo ĐCSVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều