Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ giải ngân có tăng nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Do đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 4/2020 ước tính đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tháng 3/2020 và đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 2016-2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 83.700 tỷ đồng, tương đương 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 19,3% và tăng 4%).
Giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: KT)
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 12.300 tỷ đồng, bằng 15,8% kế hoạch năm và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 71.400 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, theo dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang).
Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh, các bộ ngành phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (theo từng quý) thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN