Tư duy đổi mới làm nên sự khác biệt
Chia sẻ về giải pháp, Tổng Giám đốc HANEL Bùi Thị Hải Yến cho biết, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên quy mô toàn thế giới, tạo ra nhiều tiền đề quan trọng cho Việt Nam tiếp cận. Hanel nhận thấy, tiềm năng phát triển của Việt Nam với vai trò là một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của khu vực, trong đó, giao thông vận tải đóng vai trò huyết mạch. Việc lựa chọn tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin cho giao thông vận tải được HANEL quyết định từ đó.
Từ năm 2014, HANEL đã bắt tay vào nghiên cứu xây dựng giải pháp "Giao thông thông minh trên nền tảng bản đồ số" với tư duy là theo xu thế phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp sẽ cần tới giải pháp này.
Từ đó, một hệ thống quản lý giao thông với kiến trúc mở, cho phép phát triển mở rộng theo cả chiều dọc nghiệp vụ của ngành giao thông lẫn chiều ngang về quy mô hạ tầng, đã chính thức được đi vào vận hành. Hệ thống đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017.
Hệ thống hiện kết nối với hơn 1 triệu phương tiện; truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất 25s/lần và xử lý hàng tỷ thông tin với dung lượng lên tới hàng trăm GB mỗi ngày. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 63 Sở Giao thông vận tải, hàng trăm đơn vị dịch vụ giám sát hành trình và 100% doanh nghiệp vận tải được kết nối trên nền tảng này.
Trên nền tảng hệ thống, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải đều tìm thấy thông tin mình cần theo thời gian thực, có thể theo dõi chính xác về việc xe nào đang đi lệch hành trình đã đăng ký, xe nào vi phạm tốc độ tuyến vận tải, xe nào đang quá tải cần hiệu chỉnh… Tất cả những thông tin dữ liệu đều được phân tích nhiều chiều từ chi tiết tới tổng hợp, giúp các cấp sử dụng khác nhau nắm bắt được đầy đủ và tức thời mọi vấn đề đang diễn ra.
"Khác với các hoạt động thuê ngoài, gia công theo đặt hàng của chủ đầu tư, HANEL đã sáng tạo giải pháp Giao thông thông minh, đón đầu nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ vào việc sở hữu năng lực về phát triển phần mềm cũng như hạ tầng thiết bị, hệ thống Giao thông thông minh của HANEL được thiết kế chặt chẽ và hiện đại giữa giải pháp phần mềm và nền tảng hạ tầng để bảo đảm hoạt động liên tục. Hiện tại, HANEL đang vận hành hệ thống, bảo đảm sự thông suốt và cập nhật theo các yêu cầu quản lý mới hay sự phát triển của thị trường" - Tổng Giám đốc HANEL Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh.
Khẳng định tính ưu việt
Khẳng định hệ thống Giao thông thông minh là niềm tự hào của HANEL trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Tổng Giám đốc HANEL chia sẻ thêm: “Thực tế đã minh chứng, hệ thống đã góp phần quan trọng trong công tác giám sát hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn giao thông; giám sát tốc độ của phương tiện kinh doanh vận tải, góp phần làm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, giảm chi phí đầu tư, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông. Thông qua hệ thống, năm 2020, các sở giao thông vận tải đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện; hệ thống cũng ghi nhận tổng số 5.453.875 lần vi phạm. Theo tính toán từ hệ thống, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1000 km, năm 2020 tỷ lệ này là 0,32 lần/1000 km, giảm khoảng 36 lần so với năm 2015), mặc dù số lượng phương tiện năm 2020 tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Hệ thống cũng cung cấp tài khoản truy cập cho lực lượng Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý đường bộ, Vụ An toàn giao thông để khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhờ đó, năm 2020, đã xác định được 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 162,47 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống còn hỗ trợ cung cấp thông tin hành trình các phương tiện vận tải phục vụ công tác truy vết F0 của ngành y tế hiệu quả và nhanh chóng, đóng góp không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Nỗ lực không ngừng củng cố vị trí tiên phong
Có thể nói, sau 5 năm triển khai, hệ thống Giao thông thông minh đã cho thấy rõ lợi ích, ý nghĩa của chính sách cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông; cũng như quyết định đúng đắn của Tổng cục Đường bộ trong việc áp dụng chính sách này để thuê hệ thống của Hanel.
Ngân sách Nhà nước sử dụng cho hệ thống đã đạt hiệu quả cao; lợi ích mang lại cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, xã hội là lớn hơn nhiều so với chi phí thuê hệ thống. Những "con số biết nói" kể trên càng khẳng định tính hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống trong việc nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì trong lĩnh vực đường bộ.
"Với vai trò là doanh nghiệp đang đi tiên phong trong lĩnh vực này, sức ép lớn nhất đối với HANEL là luôn phải nghiên cứu phát triển sản phẩm để bảo đảm đưa ra thị trường sản phẩm có tính vượt trội và giá cả cạnh tranh. Ngay với Hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số, HANEL chủ động toàn bộ từ nguồn vốn đầu tư nhân lực, sau đó giới thiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về hiệu quả của ứng dụng, để thực sự đi đầu trong chuyển đổi số. Với người kinh doanh, quyết định chấp nhận rủi ro để đầu tư lớn là một khó khăn nhưng với một doanh nghiệp có vốn nhà nước thì trách nhiệm đó còn lớn và khó khăn hơn rất nhiều" - bà Bùi Thị Hải Yến cho biết thêm.
Được biết, trong giai đoạn tới, HANEL xác định mục tiêu hàng đầu là củng cố vị thế doanh nghiệp tiên phong về công nghệ số, bên cạnh việc tiếp tục phát huy và bứt phá ở những mảng kinh doanh truyền thống, triển khai các dự án khoa học công nghệ, xây dựng các sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực mà Hanel có thế mạnh như giao thông vận tải, logistic… để mở rộng thị trường, tạo bước phát triển bứt phá cho công ty trong kỷ nguyên của chuyển đổi số và kinh tế số.