Cùng với đó, chủ trương phát triển thị trường bất động sản của nước ta đã được nêu tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X là: “Phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở thực hiện Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật về kinh doanh bất động sản...; hoàn thiện việc phân loại, đánh giá đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm cho quyền sử dụng đất chuyển thành hàng hoá một cách thuận lợi, đất đai trở thành nguồn vốn quan trọng cho phát triển”.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hàng loạt các dự án ven biển từ thị xã Điện Bàn vào Hội An đã bị rút giấy phép do “treo” quá lâu, chây ỳ trong việc nộp tiền thuế đất, tiền sử dụng đất, chậm triển khai và không đáp ứng cam kết với địa phương.
Nhiều người dân dù đã đóng tiền mua đất ở khu đô thị số 11 nằm trong Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nhưng vẫn chưa được giao đất. Ảnh: Báo Quảng Nam.
Quảng Nam và những bất cấp trong quản lý đất đai
Cụ thể, Công ty TNHH Chí Thành (trụ sở chính tại số 8B Lạc Long Quân, phường 2, TP Vũng Tàu) do bà Lê Anh Phương làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV là chủ đầu tư các khu dân cư số 6 và 11 tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, với tổng diện tích 68ha và đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp một số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu dân cư này. Đây là dự án được quy hoạch xây dựng nhà ở liên lập, nhà vườn biệt thự, công viên, hồ điều tiết, khu thương mại hỗn hợp, các công trình phúc lợi khác… được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp.
Kể từ khi được nhà nước giao đất làm dự án vào năm 2007, Công ty Chí Thành mới thi công một số hạng mục như san nền, hồ điều tiết, sinh thái mặt nước, xây dựng 15 căn biệt thự. Triển khai một số hạng mục về kết cấu kỹ thuật đối với diện tích 18ha. Còn một phần lớn diện tích đất dự án còn lại vẫn không triển khai gì.
Tại kết luận của Thanh Tra Chính phủ năm 2011 về công tác quản lý, sử dụng đất của tỉnh Quảng Nam thì Công ty Chí Thành là đơn vị nằm trong diện xử lý tài chính do không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Trong các báo cáo gửi tỉnh Quảng Nam ngày 3/12/2012, Công ty Chí Thành cho biết, năm 2012 dự án khu đô thị số 6 tạm dừng đầu tư. Trong năm 2013 sẽ đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề tồn đọng đối với việc nộp thuế đất, giải quyết dứt điểm đối với khách hàng đã góp vốn đầu tư dự án; Quyết tâm 2013 sẽ triển khai xây dựng giai đoạn II, phấn đấu trong các năm đến để hoàn thành dự án.
Đến năm 2014, BQL khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc tiếp tục mời Công ty Chí Thành đến làm việc về tiến độ thực hiện dự án cũng như thực hiện nộp tiền sử dụng đất, đại diện Công ty Chí Thanh cũng đã cam kết sẽ giao phần diện tích 20ha đã giải phóng thế chấp cho ngân hàng vay vốn nộp tiền sử dụng đất, nhưng đến nay dự án vẫn không triển khai và tiền nợ vẫn không nộp.
Trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam ngày 20/4/2015, Công ty Chí Thành cho biết đã khẩn trương trương huy động tài chính để đáp ứng đủ và đạt yêu cầu tiến độ dự án đề ra trong năm 2015, nhưng do chưa kịp thời giải ngân nên việc cam kết tiến độ có bị chậm. “Chúng tôi thành thật xin lỗi, xin ghi nhận những thiếu sót và khẩn trương khắc phục ngay”, công văn ghi rõ.
Tuy nhiên, BQL Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cũng đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam thu hồi một loạt dự án không triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính hoặc không huy động được vốn không có khả năng thực hiện dự án.
Theo BQL khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, từ năm 2011 đến nay Công ty Chí Thành dừng hẳn việc triển khai thi công dự án. BQL đã nhiều mời giám đốc Công ty Chí Thành đến làm việc và cam kết triển khai dự án và nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhưng Công ty vẫn không thực hiện đúng tiến độ theo cam kết đã ký.
Trước tình hình dự án kéo dài, BQL khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc đã báo cáo tỉnh Quảng nam về tình hình triển khai dự án của Công ty. Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh đã chủ trì làm việc với Công ty và yêu cầu chứng minh nguồn tài chính, ký cam kết tiến độ thực hiện và hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan để triển khai thi công xây dựng trong tháng 6/2015.
Đến tháng 6/2015, Công ty TNHH Chí Thành vẫn chưa chứng minh được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, chưa hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan theo yêu cầu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam buộc phải thu hồi dự án của Công ty Chí Thành theo đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.
Chí Thành làm dự án theo kiểu “mua trâu vẽ bóng”, PVcomBank mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng
Không nhận được đất thực tế và sổ đỏ, khách hàng liên tục khiếu nại nhưng lãnh đạo Công ty Chí Thành bặt vô âm tín. Người mua đất đi gõ cửa nhiều nơi nhưng không ai đả động gì. Hiện nay, ai nấy đều muốn nhận lại số tiền đã góp vốn.
Tương tự, khu đô thị số 6, cũng do Công ty Chí Thành làm chủ đầu tư. Mặc dù địa chỉ kinh doanh tại thành phố Vũng Tàu nhưng dãy biệt thự này do bà Lê Anh Phương - Giám đốc Công ty Chí Thành là chủ sở hữu ngay tại khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.
Hiện nay, Công ty Chí Thành còn đang nợ số tiền lên tới hàng tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết.
Từ năm 2011, bà Lê Anh Phương đã rất nhiều lần vay ông Nguyễn Văn T. nhiều khoản tiền khác nhau và hứa hẹn trả lãi suất cao trong thời gian 1-2 tháng. Tuy nhiên, đã quá thời hạn thoả thuận gần rất nhiều năm, bà Phương đã không thanh toán cho ông T. vốn gốc lẫn lãi. Còn về phía Công ty Chí Thành tiếp tục né tránh và hứa suông rằng “Công ty Chí Thành đang xoay tiền trả lại”.
Theo tìm hiểu, ngay cả ngân hàng đã cho Công ty Chí Thành vay tiền cũng đang tỏ bất lực và mất dần kiên nhẫn với doanh nghiệp này.
Theo văn bản số 482/PVB-QL&TCTTS của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, PVcomBank đang vướng khoản nợ cả gốc lẫn lãi khi cho Công ty Chí Thành vay lên tới gần 800 tỷ đồng được phát sinh từ các bản hợp đồng tín dụng trong các năm 2007, 2008.
Thông tin từ PVcomBank cho biết, hiện Công ty Chí Thành đã vi phạm các nghĩa vụ trả nợ với PVcomBank theo các hợp đồng tín dụng nêu trên, do vậy PVcomBank đang cùng Chí Thành tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng các tài sản bảo đảm như: 11 quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị số 11; 114 quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị số 6 – Bồng Lai; 15 quyền sử dụng và tài sản trên đất là 15 căn biệt thự đã hình thành thuộc dự án khu đô thị số 6 – Bồng Lai.
Đồng thời, theo văn bản của PVcomBank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Hà cũng đề nghị các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn, UBND phường Điện Ngọc tạm thời chưa giải quyết các thủ tục chuyển nhượng, hợp tác đầu tư cho Công ty Chí Thành liên quan tới các tài sản đảm khi chưa có ý kiến của PVcomBank.
Giải pháp tổ chức thực hiện luật đất đai ở các dự án chậm triển khai
Hiến Pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đã khắc phục những tồn tại bất cập và thể chế rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước:
- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
- Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tùy theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có nghĩa vụ phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch, trả lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, chấp hành pháp luật về đất đai.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất.
- Đất đai được phân bổ hợp lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư; bảo đảm cho thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Sử dụng có hiệu quả các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai. Xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cấp Trung ương về đất đai, đồng thời phân cấp phù hợp cho địa phương, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai.
Đối với Quảng Nam, việc tổ chức thực hiện tốt pháp luật đất đai trong thực tiễn quản lý nhà nước góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay tổ chức thực hiện pháp luật đất đai hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể vào việc ổn định chính trị - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách. Vì vậy, hiện nay và trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai, xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể:
Một là, tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Hai là, đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đối với một số loại đối tượng chủ yếu đang có nhiều vi phạm, gây bức xúc, tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước về đất đai; đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đúng quy hoạch và pháp luật.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm về chuyên môn trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai.
Bốn là, xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức tốt hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất địa.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai, có sự tham gia giám sát, phản biện của Mặt trận Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phan Anh Tuấn (t/h)
Nguồn tham khảo:
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tram-nha-dau-tu-vi-treo-du-an-qua-lau-20150817075243094.htm