Giảm ách tắc giao thông: Cần làm đường mới và mở rộng đường cũ theo quy hoạch

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bá Long, Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Bảo khi nói về giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là tại TP. Hà Nội.

Ông Nguyễn Bá Long, Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Bảo 

Thưa ông, hưởng ứng cuộc thi tuyển “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Công ty Gia Bảo đã đưa ra một số giải pháp khá “độc” về giảm ùn tắc giao thông. Ông có đánh giá ra sao về tình hình giao thông tại Hà Nội hiện nay?

Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 5,25 triệu xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại lai tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô đạt 10,2%/năm, của xe máy đạt 6,7%/năm. Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ, (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Ngoài ra nhiều chuyên gia cũng nhận định, với mức tăng trưởng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25%/năm về diện tích mặt đường trong giai đoạn 2010 - 2015 thì diện tích mặt đường dành cho lưu thông và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh hiện đang bị quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu đi lại và nhu cầu đỗ xe của người dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, Phan Trọng Tuệ, Pháp Vân …thời gian qua.

Hưởng ứng cuộc thi tuyển “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Công ty Gia Bảo đã gửi “Giải pháp giảm và chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội” lên UBND TP. Hà Nội. Một trong những giải pháp quan trọng là “Làm đường mới và mở rộng đường cũ theo quy hoạch”.

 

Tình hình ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế xã hội

Nhiều giải pháp về giảm ùn tắc giao thông được đưa ra, một trong những giải pháp đó là làm đường mới và mở rộng đường cũ theo quy hoạch. Ông đánh giá ra sao về ý kiến này?

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động buýt nhanh BRT, tăng cường kết nối vận tải hành khách công cộng; điều chỉnh giờ học, giờ làm; đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, Công ty chúng tôi đánh giá cao về giải pháp làm đường mới và mở rộng đường cũ theo quy hoạch: thứ nhất, theo tiêu chuẩn đô thị thì tỷ lệ đường giao thông phải là 20% diện tính nhưng hiện nay các quận tại Hà Nội là khoảng 6,2% và các huyện là khoảng 2%; thứ hai, mỗi tháng có khoảng 800 xe ô tô và 2.000 xe máy đăng ký mới nên trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm một số “điểm đen” về ùn tắc giao thông.

Trong tình hình thực tế hiện nay, theo ông, liệu giải pháp trên sẽ gặp vướng mắc gì?

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, theo tôi, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, giải pháp này cũng sẽ gặp một số khó khăn như: thứ nhất là: Thủ tục phê duyệt dự án làm đường theo hợp đồng BT còn chậm, cần được sửa đổi sớm. Bản chất vấn đề là kiểm soát lợi nhuận của nhà đầu tư về quỹ đất đối ứng theo hợp đồng BT khi làm đường là chỉ được lợi nhuận từ 11% đến 15%, nếu có lợi nhuận cao hơn thì phải nộp vào ngân sách Thành phố. Như vậy sẽ đảm  bảo không bị thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Còn lại các thủ tục khác, Thành phố phê duyệt trong vòng tối đa là 6 tháng. Vậy 1 dự án làm đường theo Hợp đồng BT chỉ mất 6 tháng phê duyệt thủ tục sau đó là triển khai làm đường mới hoặc mở rộng đường cũ theo quy hoạch. Có như vậy thì mỗi năm Thành phố Hà Nội phê duyệt cho 20 - 30 Công ty làm đường theo Hợp đồng BT và sẽ làm được 20km đến 30km đường mới mỗi năm.

Thứ hai, UBND Thành phố thông báo dự án tuyến đường làm mới hoặc mở rộng theo Hợp đồng BT trên cổng thông tin điện tử của Thành phố và các phương tiện truyền thông đại chúng để cho mọi người dân biết để theo dõi, kiểm tra và có ý kiến đóng góp. Nếu làm được những điều này sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Theo Vinh Nguyên/Thời Báo Doanh nhân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều