|
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, các bộ, cơ quan thành viên của Tổ công tác đã tập trung rà soát, tổng hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh, các dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; xử lý khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án cụ thể; hỗ trợ, thúc đẩy một số dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn.
Đối với các dự án đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn năm 2021 đã có những bước cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn ngân sách nhà nước năm 2021 ước thanh toán đến 31/2/2022 là hơn 431 nghìn tỷ đồng (đạt 93,47% kế hoạch được giao).
Trong thời gian qua cũng triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn lớn (như: Apple, Google, Qualcomm, SK Holdings, Amkor, Uniqlo,...); triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các cuộc thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu,... nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa vào Việt Nam.
Các bộ, ngành phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục rà soát các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, qua rà soát của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đã thấy được những vướng mắc về pháp luật, về các nghị định, thông tư, về cách hiểu các quy định. Từ đó, các bộ, ngành đã nghiên cứu, chỉnh sửa, hướng dẫn. Giải ngân đầu tư công thời gian qua có tiến triển có đóng góp lớn của việc rà soát, chỉnh sửa, hướng dẫn về các quy định pháp luật.
Năm 2022, ngoài việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong chương trình trung hạn, còn phải giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia trong điều kiện giá cả biến động và dịch bệnh.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, nhanh chóng phân loại và đề xuất hướng xử lý cụ thể theo đúng thẩm quyền.
Trong Quý I năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung vào nghiên cứu, chỉnh sửa các vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật trong các nghị định, thông tư liên quan đến đầu tư. Về vấn đề còn các cách hiểu khác nhau liên quan đến các quy định, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến để có hướng dẫn, giải thích thống nhất cho các đơn vị, địa phương.
Về các dự án cụ thể, các bộ, ngành trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc các chủ đầu tư của nước ngoài nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam. Đối với những vướng mắc cụ thể của từng dự án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu quy định của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó có trách nhiệm gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, hướng dẫn, giải thích cụ thể, bảo đảm thông suốt.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
|
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Theo Xuân Tùng (TTXVN)