|
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các sạp bán hàng tại Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông. Ảnh: QLTT
|
Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, đó chỉ là một vài điểm trong hàng trăm điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng phát hiện. Tình trạng kinh doanh hàng giả trên thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đang “vào mùa”. Trong 10 tháng năm 2022, kiểm tra 412 trường hợp, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện tới 408 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, 3 vụ vi phạm về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và 1 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Lực lượng chức năng tạm giữ trên 345.000 đơn vị sản phẩm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 7,4 tỷ đồng.
Thực tế hàng giả được làm rất tinh vi, rất giống hàng thật để lừa người tiêu dùng. Bà Vũ Thị Minh Ngọc, quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Ngay cả những cán bộ làm chuyên môn như lực lượng Quản lý thị trường, nếu nhìn mắt thường đôi khi cũng rất khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện”. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất mà quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong 10 tháng năm 2022, Hiệp hội đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đơn cử năm 2021 phát hiện và xử lý 394 trường hợp phụ tùng xe máy, xe điện hàng giả hàng nhái, nhưng VAMM ước tính có tới 5.681 cửa hàng vi phạm trên toàn quốc.
“VAMM mong muốn trong thời gian tới phối hợp với các cơ quan chuyên ngành nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng ý thức hơn trong việc thực thi bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình về chống hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trong lĩnh vực xe máy, phụ tùng xe máy. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh hơn việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường và các biện pháp xử lý thích hợp cũng như nâng cao mức hình phạt để đẩy mạnh tính răn đe”, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết: Vấn nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm. Điều này làm cho ngành Hải quan nói chung, Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
“Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. Các đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện vẫn còn xảy ra…”, ông Nguyễn Văn Ổn cho biết.
Theo Huy Cường/Báo Tin tức