Hiệp định EVFTA: Không phải chỉ toàn màu hồng

EVFTA tạo cơ hội để giảm thuế, nhưng hàng hóa muốn xuất khẩu sang EU phải thỏa mãn được danh mục các yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng.

Mức cam kết cao nhất

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)” ngày 2/7, ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đánh giá, từ khoảng những năm 90 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với EVFTA, EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may...lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.

 

Tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)” (Ảnh: Báo Hải quan)

"Hiệp định này sẽ đem lại giá trị gia tăng về GDP cho nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cũng có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu", ông Tùng cho biết.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin, theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa thực hiện Hiệp định.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Giảm thuế chỉ là điều kiện cần

Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), câu chuyện đáp ứng xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật, sản xuất bền vững... lại khiến những đánh giá về khả năng tận dụng cơ hội có vẻ không dễ dàng. Ông Khanh cho rằng, giảm thuế mới là điều kiện cần, quan trọng là hàng hóa phải thỏa mãn được danh mục các yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng mà EU đặt ra.

“Lâu nay ta hay dùng từ rào cản để nói về hàng hóa khó vào EU, nhưng thực ra không có rào cản nào hết, những yêu cầu mà EU đặt ra với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của họ không phải để hạn chế thương mại mà để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính", ông Khanh nói.

 

Để xuất khẩu vào EU, nông, thủy sản Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe (Ảnh minh họa: KT)

Ông Khanh cho rằng, thách thức đến từ những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, EU rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, ví dụ gỗ và các sản phẩm từ gỗ khi xuất khẩu sang EU thì phải được khai thác một cách hợp pháp. Do đó, để không bị làm khó, chỉ còn một con đường duy nhất là đầu tư sản xuất bài bản, phải thay đổi tư duy, không còn con đường nào khác.

Theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy vậy, cũng nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống.

"Việt Nam đang trong tâm thế đón đại bàng làm tổ nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTPP", ông Khanh nêu ý kiến./.

Theo Diệp Diệp/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều