Thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại ở Việt Nam
Hiện nay, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, xúc tiến thương mại ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế. Sự ra đời của Luật Thương mại năm 1999 đã tạo cơ sở quan trọng cho việc tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong từng giai đoạn khác nhau, hàng loạt các văn bản pháp luật đã được ban hành(1), giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; tạo môi trường pháp lý ổn định để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh; đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hoá, dịch vụ.
Giai đoạn 2020 - 2021, tác động của đại dịch COVID-19 làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động xúc tiến thương mại do không có cơ hội tham gia trực tiếp các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Linh hoạt với bối cảnh này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tăng cường triển khai đa dạng giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu. Nhờ vậy, năm 2021, Việt Nam vẫn thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD(2).
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2024_Ảnh: TTXVN |
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan và hệ thống các tổ chức xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã thích ứng với bối cảnh hậu COVID-19 để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc kết nối cung cầu trên thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 732,5 tỷ USD, trong đó, hoạt động xuất khẩu đạt 371,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 360,65 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 109,1 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD; xuất siêu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 31,8 tỷ USD; nhập siêu từ Trung Quốc là 60,9 tỷ USD, Hàn Quốc là 38,3 tỷ USD, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 13,6 tỷ USD(3).
Cũng trong năm 2022, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được tổ chức, hiệu quả, tính lan tỏa đáng được ghi nhận:
(i) Tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ, như: Hội chợ Thương mại quốc tế lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022), Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo 2022)…
(ii) Tổ chức tham gia các Chương trình hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn tại nước ngoài, như: Triển lãm Thế giới World Expo Dubai, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2022, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm SIAL Paris, Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul 2022, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN 2022, Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022...
(iii) Tổ chức các đoàn giao thương tại các thị trường Bắc Âu, Nam Phi, Pháp, Hà Lan, Italy, Đức, Isarel... Đồng thời đón các đoàn doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài, như: Angola, Argentina, Bờ Biển Ngà, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Bên cạnh các hoạt động trên, Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm các chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giầy, logistics... tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Á, châu Phi... Các hoạt động này đã hỗ trợ kết nối các nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vừa tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó giúp các doanh nghiệp tăng cường kết nối và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, các hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng tốt nhất cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023 mà nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được triển khai với định hướng chính là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ... song song với các thị trường truyền thống; tăng cường tận dụng và khai thác cơ hội từ các thị trường FTA; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, miền nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, bảo đảm thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu.
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nên hoạt động xuất nhập khẩu có những tín hiệu tích cực, lấy lại đà tăng trưởng. Năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã phê duyệt 113 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương và các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước với các nội dung thiết thực, phương thức đa dạng để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương; đã hỗ trợ trên 8.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi trực tiếp, với giá trị hợp đồng ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 120 triệu USD, doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hơn 142 tỷ đồng; giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, kết nối với các thị trường, đối tác mới, tận dụng được các lợi thế từ các FTA, tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu(4).
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD giảm 12,6% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, tăng 6,4%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%...(5).
Đến nay, Việt Nam đã tham gia hợp tác đa phương, song phương về xúc tiến thương mại với Trung tâm ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Hàn Quốc; cơ quan xúc tiến Hà Lan, Pháp; đã ký thỏa thuận hợp tác quốc tế (MOU) với hơn 40 tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới, như: Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Uruguay, Slovakia, Hungary, Czech, Bungari, Algeria,… Việc hợp tác, ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài đã giúp Việt Nam tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, tranh thủ được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quốc tế của các tổ chức xúc tiến thương mại lớn trên thế giới.
|
Bốc dỡ container hàng xuất khẩu tại cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_Ảnh: TTXVN |
Vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, hoạt động xúc tiến thương mại ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển; công tác xúc tiến thương mại còn thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại hạn hẹp, chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; hiệp hội doanh nghiệp và các trung tâm xúc tiến thương mại chưa phối hợp chặt chẽ với nhau; hoạt động xúc tiến thương mại chưa hỗ trợ doanh nghiệp một cách đầy đủ, chủ yếu là tiêu thụ hàng hóa mà chưa đầu tư đến khâu hoạch định chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.
Thứ hai, pháp luật về xúc tiến thương mại còn bất cập, một số quy định còn trùng lặp, chồng chéo, nhất là về quảng cáo thương mại; thủ tục cấp phép rườm rà đã hạn chế tự do thương mại; các quy định chưa rõ ràng và đầy đủ để kiểm soát một số hoạt động thương mại như hội chợ, triển lãm thương mại; các quy định chưa có sự thống nhất về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Một số văn bản pháp luật thiếu đồng bộ do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Việc tổ chức thi hành pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn của một số cơ quan chức năng trùng lặp, chồng chéo và thiếu tính liên kết, làm giảm hiệu quả điều chỉnh pháp luật. Đơn cử, đối với hoạt động quảng cáo:
- Việc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đăng ký, thông báo và xin phép thực hiện khuyến mãi tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, ngày 22-5-2018, của Chính phủ, “Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại” đã tạo ra những hạn chế nhất định về quyền hạn của thương nhân trong hoạt động khuyến mại; dẫn đến tình trạng nhiều chương trình khuyến mại được thực hiện khi chưa làm thủ tục đăng ký.
- Việc quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Trường hợp thương nhân thực hiện nhiều hình thức khuyến mại trong một chương trình khuyến mại thì việc xác định hạn mức giá trị dùng để khuyến mại cũng không đơn giản do còn thiếu cơ sở pháp lý để tính toán cụ thể. Khi thương nhân xác định hạn mức giá trị dùng để khuyến mại đã xảy ra bất đồng ý kiến xác định số liệu ước tính giữa cơ quan quản lý và thương nhân. Việc quy định về hạn mức giá trị vật chất dùng để khuyến mại và thời gian khuyến mại gây cản trở cho thương nhân trong việc thực hiện quyền tự do hoạt động xúc tiến thương mại và quyền tự do cạnh tranh.
- Trong trường hợp thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ mà mình được kinh doanh hợp pháp để phát quà tặng không thu tiền của khách hàng, không kèm theo hành vi mua bán thì khó phân biệt giữa đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ để khách hàng dùng thử không phải trả tiền với hình thức tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
- Một số hình thức khuyến mại được các doanh nghiệp thực hiện nhưng chưa được quy định, như: mô hình khuyến mại theo nhóm, mô hình khuyến mại mua theo gói hàng hóa, gói dịch vụ (coupon). Hiện nay, tại Điều 7, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, chỉ quy định mức giảm giá tối đa đối với “hàng hóa, dịch vụ” nên các doanh nghiệp thường tính chung đối với cả gói hàng hóa gồm nhiều loại mặt hàng chứ không phải là từng loại mặt hàng có trong gói hàng hóa.
- Quảng cáo không trung thực được coi là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh về quảng cáo thương mại ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê một số ít hành vi. Điều này dẫn đến việc dữ liệu không đầy đủ, tình huống quảng cáo không trung thực có thể xảy ra...
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật đối với hoạt động xúc tiến thương mại ở Việt Nam hiện nay
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tập trung thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hạ tầng tại các khu vực khó khăn; khuyến khích liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối; bảo đảm cân đối cung - cầu hành hóa thiết yếu. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và sự hài hòa giữa thương mại điện tử với thương mại truyền thống”(6). Để thực hiện tốt định hướng này, hiện thực hóa mục tiêu “xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”(7), cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện pháp luật xúc tiến thương mại nhằm góp phần bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời pháp luật xúc tiến thương mại phải bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của thương nhân và người tiêu dùng. Thông qua công cụ pháp luật, Nhà nước bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể và bảo đảm sự phát triển ổn định, lành mạnh của nền kinh tế.
Hai là, hoàn thiện pháp luật xúc tiến thương mại cần đáp ứng yêu cầu tự do thương mại và quyền tự do trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cần có những cải cách trong hệ thống chính sách kinh tế nhằm xóa bỏ rào cản đối với thương mại, bao gồm thuế quan và phi thuế quan. Tự do thương mại hướng tới xóa bỏ sự phân biệt đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu, giữa thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài.
Ba là, pháp luật về quảng cáo thương mại của một số quốc gia quy định cụ thể nghĩa vụ quảng cáo trung thực. Đây là điều mà pháp luật về quảng cáo thương mại của Việt Nam cần phải lưu ý trong quá trình hoàn thiện, vừa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, vừa hướng đến tạo dựng thói quen kinh doanh trung thực của thương nhân; cần đưa ra định nghĩa cụ thể về quảng cáo so sánh và thống nhất đối tượng bị cấm so sánh giữa Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh; cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu thống nhất của nhiều văn bản pháp luật, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành về quảng cáo theo hướng quy định duy nhất tại Luật Thương mại.
Bốn là, nghiên cứu, bổ sung một số hình thức khuyến mại mà Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, như: Mô hình khuyến mại mua theo nhóm (groupon); mô hình khuyến mại mua theo gói hàng hóa, gói dịch vụ (coupon); hình thức khuyến mại “tặng hàng hóa, dịch vụ không thu tiền gắn liền với việc mua hàng”./.
--------------------------
(1) Như: Luật Thương mại năm 2005; Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, ngày 22-5-2018, của Chính phủ, “Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại”; Thông tư số 11/2019/TT-BCT, ngày 30-7-2019, của Bộ Công Thương, “Hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”; Quyết định số 2124/QĐ-BCT, ngày 10-8-2020, của Bộ Công Thương, “Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do”; Thông tư số 40/2020/TT-BCT, ngày 30-11-2020, của Bộ Công Thương, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”; Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 493/QĐ-TTg, ngày 19-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030”; Công văn số 4827/BCT-XTTM, ngày 15-8-2022, của Bộ Công thương, “Về việc kế hoạch luân phiên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng”…
(2) Xem: Trương Thị Quỳnh Vân: “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023”, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, ngày 18-2-2023, https://vioit.org.vn/vn/tin-hoat-dong-nganh/chuong-trinh-cap-quoc-gia-ve-xuc-tien-thuong-mai-nam-2023-5082.4056.html
(3) Xem: Trương Thị Quỳnh Vân: “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023”, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, ngày 18-2-2023, https://vioit.org.vn/vn/tin-hoat-dong-nganh/chuong-trinh-cap-quoc-gia-ve-xuc-tien-thuong-mai-nam-2023-5082.4056.html
(4) Báo cáo số 05/BC-BCT, ngày 10-1-2024, của Bộ Công thương, về “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2023”
(5) Báo cáo số 05/BC-BCT, ngày 10-1-2024, của Bộ Công thương, về “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2023”
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 104
(7) Quyết định số 493/QĐ-TTg, ngày 19-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030”.
DƯƠNG QUỐC HOÀNG - Phó Hiệu trưởng
Trường Chính trị tỉnh Bến Tre
Theo Tạp chí Cộng sản