Tại Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2016 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 19 Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN diễn ra ở Phi-li-pin tháng 1-2016, lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam thông báo, Việt Nam đã, đang và sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm gắn chặt chẽ du lịch Việt Nam với du lịch khu vực ASEAN, phù hợp Chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng điểm đến chung hấp dẫn ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hiệu quả, năng động.
Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều biện pháp, kế hoạch để ngành du lịch trong nước tận dụng các cơ hội và nâng cao khả năng cạnh tranh từ việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trước mắt, cùng các nước liên quan tập trung vào thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng/năng lực chung ASEAN đối với lao động du lịch (ACCSTP); xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN và quy trình chứng nhận đối với khách sạn xanh, cơ sở lưu trú nhà dân, nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ spa, thành phố du lịch sạch và du lịch cộng đồng; các chương trình du lịch liên kết ASEAN về các chủ đề: du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch tàu biển, đường sông và du lịch y tế, sức khỏe...
Trên thế giới hiện đã có mô hình thị thực chung theo Hiệp ước Schengen giữa 26 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Theo đó, khách du lịch quốc tế chỉ cần nộp hồ sơ xin thị thực tại cơ quan lãnh sự là "điểm đến chính" của chuyến đi, nơi mà khách sẽ thực hiện mục đích chính của chuyến đi, sẽ lưu lại lâu nhất hoặc sẽ đặt chân xuống đầu tiên.
Về nguyên tắc, các nước ASEAN đều đánh giá cao sáng kiến thị thực du lịch chung ASEAN cho các công dân ngoài ASEAN. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện sáng kiến này tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước. Một hướng đẩy nhanh sáng kiến này là khuyến khích hình thành liên kết thị thực theo các nhóm nước tự nguyện và tương đồng nhau. Cam-pu-chia và Thái-lan đã thực hiện thị thực chung cho công dân 35 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 2013. In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Cam-pu-chia và Phi-li-pin cũng đã thỏa thuận về chương trình thị thực nhập cảnh linh hoạt chung giữa các nước.
Thực tế cho thấy, quá trình hình thành hệ thống thị thực chung ASEAN đòi hỏi cần nhận diện và giải quyết hài hòa những khác biệt về quan điểm, chính sách và trình độ phát triển, phí thị thực, các thủ tục hành chính, an ninh và sự chia sẻ lợi ích từ cấp thị thực và hệ thống thông tin du lịch chung giữa các quốc gia thành viên, cũng như cần sự nhận thức thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ, ngành ngay trong từng quốc gia…
Là ngành kinh tế tổng hợp và nhiều tiềm năng, triển vọng, du lịch đang tạo ra hơn 12% GDP và tạo ra hàng chục triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho toàn khối ASEAN. Việc áp dụng một hệ thống thị thực chung giúp những người có thị thực được tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối, cùng với thị thực điện tử và mở rộng diện miễn thị thực du lịch... là những giải pháp thiết thực kích thích phát triển du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung của mỗi quốc gia và toàn cộng đồng ASEAN, với dân số hơn 600 triệu người và là thị trường lớn thứ ba trên thế giới.
Hướng đến hệ thống thị thực du lịch chung ASEAN là một giải pháp tốt tạo thuận lợi trong vấn đề xin thị thực; từ đó, thúc đẩy tăng trưởng du khách dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn trong hành trình và dòng luân chuyển khách sẽ đều đặn hơn; đồng thời, góp phần củng cố sức liên kết nội khối và lan tỏa sự phát triển chung vì lợi ích mỗi nước và lợi ích cả cộng đồng ASEAN.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong/Báo Nhân dân