|
Ùn tắc kéo dài tại chốt kiểm soát cầu Phù Đổng trong ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN HẢI |
Địa phương cục bộ, doanh nghiệp khóc ròng
Trong cuộc đời kinh doanh vận tải, ông Trần Đức Nghĩa, giám đốc công ty TNHH Quốc tế Delta chưa bao giờ căng thẳng như những ngày trực điều hành xe qua chốt chống dịch.
Đỉnh điểm là ngày 26-7, luồng xanh quốc gia đã “vỡ trận” ở tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khi các địa phương này đồng loạt yêu cầu lái xe phải có xét nghiệp âm tính với SAR-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Thậm chí Hải Phòng còn yêu cầu lái xe vào thành phố phải cách ly đủ 14 ngày; xe vào Quảng Ninh phải xét nghiệm nhiều lần tại mỗi điểm đến trong tỉnh.
Tại cửa ngõ Hải Phòng, xe tải chở hàng ách tắc cả chục km. Các Hiệp hội vận tải sôi sục gửi công văn kiến nghị khắp nơi, đề nghị thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trên các tuyến, chỉ thực hiện kiểm tra tại điểm giao nhận.
Sáng 27/7, nhiều ngả đường vẫn tiếp tục tắc nghẽn. Nhận được báo cáo xe chở hàng từ sân bay Nội Bài đi Hải Phòng bị chặn ở trạm kiểm dịch Quán Toan, ông Trần Đức Nghĩa yêu cầu tài xế không quay đầu.
“Cách xử lý của chốt kiểm dịch không nhất quán với những nội dung lãnh đạo thành phố Hải Phòng tuyên bố ngày 26/7 nên tôi yêu cầu tài xế dừng xe tại chốt, không đi đâu cả. Đây là một thí dụ để chúng ta hiện thực hoá những gì lãnh đạo thành phố Hải Phòng nói”, ông Nghĩa bức xúc.
Sau đó khoảng một tiếng, chốt Quán Toan đã cho thông xe. Cùng thời điểm, thông tin cập nhật của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng ghi nhận tình hình lưu thông hàng hóa vẫn tiếp tục căng thẳng.
Xe chở vải sản xuất khẩu trang và đồ sơ sinh của một doanh nghiệp từ Hải Phòng dù đã có QR code luồng xanh nhưng vẫn bị chặn đường vào Hà Nội vì không được xếp vào hàng hóa thiết yếu. Trong khi đó, cửa ngõ Vĩnh Phúc vào Hà Nội tắc dài 10 km.
Ở phía Nam, doanh nghiệp vận tải và hoạt động xuất khẩu cũng đứng ngồi không yên vì lo hàng hóa tắc nghẽn khi TP Hồ Chí Minh ban hành quy định giới nghiêm từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Đang căng mình chạy hết công suất để đáp ứng kịp thời gian giao hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may rất căng thẳng vì tài xế hoang mang không dám chở hàng, sợ vi phạm quy định mới.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam lập tức phải huy động tất cả các đầu mối để tìm hiểu thông tin xe container có được phép vận chuyển ra cảng để xuất hàng hay không.
Chiều cùng ngày, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này, khiến doanh nghiệp thở phào.
Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh
PGS, TS,Phạm Thế Anh, Trưởng bộ mô Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế quốc dân bình luận, những bất cập trong công tác phòng, chống dịch hiện nay cho thấy các địa phương đã chưa lường hết được sự nguy hiểm của chủng Delta để từ đó có một giải pháp ứng phó tổng thế.
Mỗi nơi thực ban hành một mức độ chống dịch khác nhau, thiếu nhất quán, gây nguy cơ đứt gãy lưu thông hàng hóa, hệ quả sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế từ quý III.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành tại Văn phòng Ban IV lo ngại, nếu các địa phương tiếp tục yêu cầu kết quả xét nhiệm âm tính với Covid-19 như một “giấy thông hành” trong thời dịch bệnh thì nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải còn hiện hữu.
“Những gì cần kiến nghị, chúng tôi đã gửi đến các cơ quan chức năng. Lượng văn bản Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành mấy ngày qua nhiều đến mức không còn nhớ nổi”, bà Thủy nói.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương có tính chất quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
Những ách tắc vừa qua không hẳn do Covid-19, mà do sự phối hợp chưa tốt giữa các tỉnh, thành phố trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch nên nhiều nơi áp dụng cấp độ cao nhất trước biến thể virus mới.
Sự khác biệt giữa các địa phương trong điều hành là cần thiết vì diễn biến dịch ở mỗi nơi khác nhau, nhưng không vì sự khác biệt mà làm doanh nghiệp tắc nghẽn lưu thông hàng hóa.
“Các thông tin đáp ứng yêu cầu chống dịch phải được cung cấp kịp thời và minh bạch đến người dân và doanh nghiệp biết để chủ động thực hiện. Thí dụ, trên phần mềm đăng ký tiêm chủng có thể mở rộng các ứng dụng để cập nhật thông tin về biện pháp chống dịch từ trung ương đến địa phương, tiếp nhận ý kiến góp ý để thu thập sáng kiến, kinh nghiệm tốt và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Như vậy sẽ tăng niềm tin cho xã hội và giúp phòng, chống tin xấu, tin giả trong chống dịch”, ông Hiếu đề xuất.
Với tâm huyết của một Đại biểu Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu đã chuyển tải những khó khăn của doanh nghiệp vào nghị trường trong cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV đang diễn ra. Ông kiến nghị trong tám giải pháp của Chính phủ đề ra cho công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng cuối năm, chống dịch giảm thiểu tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng phải được coi là giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Trong khi người lao động cả nước mong giữ được việc làm qua mùa dịch thì ở công ty Delta lại xảy ra một nghịch lý. Nhiều lái xe tải container vốn đã quen với công việc nặng nhọc đang xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực. Bởi mỗi chuyến xe đã không còn được vận hành theo hành trình đã định.
“Giấy thông hành” có thể hết hạn cách nhà chỉ vài chục km, buộc lái xe phải vạ vật thêm một ngày chờ làm xét nghiệm. Với 150 đầu xe vận chuyển, ông Nghĩa cho biết mỗi tháng doanh nghiệp phải chi khoảng 300 triệu tiền xét nghiệm, nếu tính chung cả Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic (VLA) là 100 tỷ đồng. Đây là chi phí tốn kém khủng khiếp.
Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logisticđề xuất các địa phương chấp thuận cho doanh nghiệp được tự mua bộ kit xét nghiệm nhanh và chịu trách nhiệm như kinh nghiệm thành công của Bắc Giang.
Theo Báo Nhân dân