Ngày 6-7-2020, VinSmart công bố đã phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ mạng 5G (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan nhà máy sản xuất điện tử thông minh Vinsmart của Tập đoàn Vingroup tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), ngày 23-11-2019)_Ảnh: TTXVN
Trong suốt gần 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất quan điểm xác định khoa học - công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các văn kiện của Đảng chú trọng làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp để khoa học - công nghệ đóng góp vào việc phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong đó có nhấn mạnh tới việc đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với khoa học - công nghệ; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định phát triển khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học - công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm định hướng cho việc ban hành các văn bản pháp luật để phát triển khoa học - công nghệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học - công nghệ(1).
Một số thành tựu và hạn chế trong phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, công tác phát triển khoa học - công nghệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
- Tư duy quản lý nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ được đổi mới; pháp luật về khoa học - công nghệ được hoàn thiện; công tác quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ, cơ chế đầu tư và tài chính, chính sách đối với cán bộ nghiên cứu khoa học có tiến bộ, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học - công nghệ; hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; doanh nghiệp và người dân ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của khoa học - công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội...
- Đầu tư của doanh nghiệp và khu vực tư nhân cho khoa học - công nghệ tăng mạnh. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được đầu tư, thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội. Các viện nghiên cứu tiên tiến và chương trình khoa học - công nghệ tầm chiến lược được hình thành. Thị trường khoa học - công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học - công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ hướng mạnh tới cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Hợp tác quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam đang ra sức tận dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ nền sản xuất trong nước_Ảnh: TTXVN
Với những thành tựu quan trọng đạt được, thời gian qua, khoa học - công nghệ đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia được củng cố theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ trong từng giai đoạn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã luôn duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời huy động các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, đã dần dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao. Theo đó, năm 2019 Việt Nam xếp hạng 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế, tăng 3 bậc so với năm 2018 và vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp được xếp hạng (26 nước); trong các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ ba sau Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a. Nguồn nhân lực và nghiên cứu tăng từ vị trí 66 năm 2018 lên vị trí 61 năm 2019. Đáng lưu ý nhất trong trụ cột này là chỉ số Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải (% tổng chi cho nghiên cứu và phát triển) có sự tiến bộ lớn nhất, từ vị trí 54 năm 2016 đã tăng 18 bậc, xếp hạng 36 năm 2017 và tiếp tục tăng 23 bậc, xếp hạng 13 năm 2018. Chỉ số Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp thực hiện (% GDP) cũng tiếp tục đà tăng (năm 2016 xếp hạng 68; năm 2017 xếp hạng 52, tăng 16 bậc; năm 2018 xếp hạng 48, tiếp tục tăng 4 bậc). Trình độ phát triển của thị trường tăng từ vị trí 33 năm 2018 lên vị trí 29 năm 2019. Về nhóm chỉ số đầu ra đổi mới sáng tạo, sau khi năm 2018 có sự giảm bậc so với năm 2017, thì năm 2019 Việt Nam đã lấy lại được vị trí (năm 2017 xếp hạng 38, năm 2018 xếp hạng 41, năm 2019 xếp hạng 37). Sản phẩm tri thức và công nghệ cũng đã lấy lại vị trí thứ 27 năm 2019 (trước đó năm 2017 đã xếp hạng 28 nhưng đến năm 2018 đã giảm 7 bậc, xếp hạng 35). Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học - công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sự quan tâm đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đạt được kết quả tương xứng. Điều này khẳng định sự tăng trưởng cao và tăng trưởng bao trùm thời gian qua có đóng góp rất quan trọng của nhân tố khoa học - công nghệ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.
- Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện.
- Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ.
- Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Trình độ khoa học - công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm các nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún, vẫn còn ít hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao, thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công. Chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của các nhà khoa học và chuyên gia đối với phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
- Trong những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam gia tăng đều qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Chi cho nghiên cứu phát triển cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan là 0,78%; Xin-ga-po là 2,2%; Ma-lai-xi-a là 1,3%, Trung Quốc là 2,1% GDP).
Cơ hội và thách thức đối với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ và sáng tạo ở nước ta hiện nay
Thực tế thời gian qua cho thấy, để tăng trưởng kinh tế bền vững, các quốc gia trên thế giới đã và đang ngày càng chú trọng tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), trong đó có việc tập trung phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Do vậy, một mô hình tăng trưởng mới cần nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và công nghệ số đối với tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, làn sóng mới của công nghệ số (như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật...) đang thay đổi quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đang ngày càng có tính mở và toàn cầu hóa hơn. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, tích cực đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong quá trình này, chúng ta có nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Về cơ hội, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á năng động và tăng trưởng nhanh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm đến quan trọng của các công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam. Công nghệ số trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra quy mô và tốc độ phát triển nhanh, mạnh chưa từng có trong lịch sử về kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn cầu, trong khu vực và trong từng nền kinh tế. Hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta đã và đang ngày càng sâu rộng. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, trong đó có EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ... đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42/129 về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam vẫn còn dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt.
Không gian trưng bày các sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại CommunicAsia 2019 tại Singapore, tháng 6-2019_Ảnh: vietnamplus.vn
Về thách thức, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Chất lượng đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực theo ngành, nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phát triển, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp còn thấp. Thiếu nhiều cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia về công nghệ. Thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, thiếu các tổ chức trung gian của thị trường khoa học - công nghệ dẫn đến khoa học - công nghệ chưa làm tốt vai trò cung cấp công nghệ, tạo ra các phát minh, sáng chế trong phát triển các ngành công nghiệp mới phục vụ cho phát triển công nghiệp. Hệ thống các cơ quan nghiên cứu, trường đại học chưa thực sự làm tốt vai trò cung cấp các giải pháp và kết nối với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Chi cho nghiên cứu và phát triển còn thấp, chưa có sự tham gia nhiều từ khu vực doanh nghiệp. Việc thực hiện các chính sách đã ban hành về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy có được cải thiện nhưng vẫn chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, vừa tạo ra cơ hội cho phát triển nhưng cũng đem đến nhiều thách thức mới. Đó là thách thức phải có những đổi mới trong tư duy và sáng tạo, có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phải có những cải cách mạnh mẽ về thể chế thị trường của nền kinh tế để mở rộng không gian và tạo động lực mới cho huy động cũng như sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phải có cơ chế khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện để tất cả các tầng lớp nhân dân đều tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo.
Đề xuất một số giải pháp
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta, cần tập trung chuyển từ tăng trưởng dựa trên tích lũy đầu vào (vốn, lao động, đất đai, nguyên liệu) sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo (tri thức, công nghệ, thể chế), trong đó vai trò của khoa học - công nghệ là trung tâm và các doanh nghiệp trở thành nhân tố chủ đạo cho đổi mới công nghệ cùng với Chính phủ và viện nghiên cứu, trường đại học. Các giải pháp cụ thể bao gồm:
Nhóm giải pháp về giáo dục - đào tạo: Bên cạnh duy trì cập nhật và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế chủ yếu ứng dụng các công nghệ sẵn có, cần phải thu hút các nguồn lực đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, sau đại học theo hướng gắn chặt với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học, viện nghiên cứu gắn các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển công nghệ mới, công nghệ lõi cho Việt Nam.
Nhóm giải pháp về khoa học - công nghệ: Tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ khoa học - công nghệ theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành, nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin,... Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cùng với tăng cường huy động vốn thay cho vốn vay ngân hàng thông qua huy động các “nhà đầu tư thiên thần”, gọi vốn cộng đồng, hình thành và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện để hình thành nhanh các công nghệ mới và các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Xây dựng và triển khai các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công. Hoàn thiện các chính sách về kinh tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp về thu hút nhân tài: Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút các chuyên gia khoa học - công nghệ, các tài năng sáng tạo và kinh doanh ở trong và ngoài nước, tận dụng các nguồn lực và thị trường tri thức quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, thúc đẩy vai trò then chốt, lan tỏa của các trung tâm trí tuệ, trung tâm đổi mới, sáng tạo đối với sự phát triển thông minh và bền vững ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Nhóm giải pháp về sở hữu trí tuệ: Triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, nâng cao năng lực của hệ thống pháp lý nhằm nâng cao năng lực xây dựng và quản trị tài sản trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra giá trị cao cho các tài sản trí tuệ được hình thành từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhóm giải pháp về phát triển công nghệ số và thúc đẩy chuyển đổi số: Xây dựng và triển khai Đề án Chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các cơ quan của Nhà nước và doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như dữ liệu lớn, in-tơ-nét vạn vật, trí tuệ nhân tạo,...
Nhóm giải pháp về cơ cấu lại ngành công nghiệp và thị trường lao động: Tiến hành cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và các ngành mới nổi. Khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới. Triển khai các giải pháp nâng cao tính linh hoạt của thị trường lao động, tạo điều kiện cho tăng trưởng năng suất cao hơn, đáp ứng những thay đổi về công việc và yêu cầu mới liên tục được đặt ra từ những công nghệ mới nổi.../.
------------------------------
(1) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, được thay thế bởi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Theo PGS, TS. BÙI THẾ DUY/Tạp chí Cộng sản