Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã kê khai, nộp ngân sách các khoản thu phát sinh quý II.2023 như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh... Tuy nhiên, thu ngân sách vẫn bị ảnh hưởng do kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm; thị trường bất động sản chậm phục hồi; thị trường xuất khẩu khó khăn, cắt giảm đơn hàng, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, rút lui khỏi thị trường tăng cao. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành cũng làm giảm thu ngân sách.
Thu xuất nhập khẩu 7 tháng đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán, giảm 22,7%. Nguồn: ITN
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 7, thu ngân sách ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% mức thu bình quân 6 tháng đầu năm (tức là giảm 13,1 nghìn tỷ đồng). Luỹ kế 7 tháng, số thu ngân sách ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 65,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 59,2% dự toán.
Từ đầu năm đến nay, cả 3 nguồn thu nội địa, dầu thô và thuế xuất nhập khẩu đều sụt giảm. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 840.000 tỷ đồng, bằng 63% dự toán, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô đạt 6.000 tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán, giảm 19,8%; thu xuất nhập khẩu đạt gần 140.000 tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán, giảm 22,7%.
Bộ Tài chính cho biết, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng giảm so cùng kỳ là do tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15.7 đạt 343,6 tỷ USD, giảm 14,9%. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế giảm 21,2%. Các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô...
55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ
Trong tổng số thu nội địa, tính đến hết tháng 7, có 9/12 khoản thu nội địa bảo đảm tiến độ dự toán (đạt trên 60%), trong đó: các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 63,4% dự toán, tăng 2,7%. Tuy nhiên, nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định, thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 90,3% cùng kỳ.
Một số khoản thu tăng so với cùng kỳ như: thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước... Có 3 khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 31,4% dự toán, giảm 38,3%; các loại phí, lệ phí ước đạt 56,4% dự toán, giảm 10,9%; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 39,9% dự toán, giảm 53,7%.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 8/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Chi ngân sách tăng 13,7%
Về chi ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, tổng chi trong tháng 7 ước đạt 158,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 7 tháng đạt 957.000 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 267,6 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 35,49% kế hoạch, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 43,2% (tăng khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 59,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 0,8% so cùng kỳ. Chi thường xuyên ước đạt 629,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán, tăng 5,8% so cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng năm 2023 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách.
TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhiệm vụ thu ngân sách năm nay gặp khó khăn và nhiều thách thức; điều này đòi hỏi ngành tài chính phải sẵn sàng các kịch bản thích ứng để hoàn thành dự toán thu được giao.