|
Thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình chăm sóc cây màu vụ Đông. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đó là xây dựng được nền kinh tế, trong đó phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế.
Tại Việt Nam trong suốt 35 năm Đổi mới, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng chuyển động trên quỹ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng xoay trên một quỹ đạo
Từ chỗ chỉ thừa nhận, cho phép tồn tại, phát triển hai hình thức sở hữu là toàn dân (Nhà nước) và tập thể, hai thành phần kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đến nay, đã thừa nhận sự tồn tại khách quan nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Đây là một bước đột phá trong đổi mới tư duy kinh tế, giúp giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước kia, từ đó huy động được tổng hợp các nguồn lực để xây dựng đất nước.
Trong đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận sẽ là những trụ cột để tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia.
Tất cả những điều đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Qua 35 năm Đổi mới, các thành phần kinh tế đều phát huy tính hiệu quả của mình, thể hiện rõ tính đúng đắn trong thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối với thành phần kinh tế nhà nước trong đó có doanh nghiệp Nhà nước, sau 35 năm phát triển nền kinh tế nước ta đã có những bước chuyển đáng kể. Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước qua nhiều lần sắp xếp, chuyển đổi từng bước được củng cố và đóng góp vào thành tựu của quá trình đổi mới. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước đứng vững trên thị trường, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nắm các ngành kinh tế then chốt, đóng góp lớn cho ngân sách.
Hiện doanh nghiệp Nhà nước số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…Những cái tên như: Viettel, EVN, PVN; Tập đoàn Dệt may Việt Nam...đang phát triển lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà đã vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ”.
Đối với khu vực kinh tế tư nhân, thực tiễn 35 năm Đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 35 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,...
Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Thực tế những tên tuổi của các thương hiệu như Sungroup, Vingroup, Macsan, TH True milk, Thaco, Vinfast... đã khẳng định được vị thế của sản phẩm Việt Nam, mang tầm quốc tế và có ảnh hưởng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài các mặt hàng nông sản như gạo, càphê, hồ tiêu, hạt điều... thì nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam đã được thế giới biết tên, trong đó, ôtô Vinfast là một minh chứng.
Bên cạnh những thành tựu “rất quan trọng” về kinh tế, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị, xã hội.
Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế đều được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải có ý kiến cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) trước khi ban hành.
Doanh nghiệp tư nhân đang tạo nên những chuỗi giá trị mới, và tham gia tất cả các ngành, lĩnh vực mà trước nay doanh nghiệp Việt Nam e ngại và chưa đủ khả năng thực hiện, mà lĩnh vực cơ sở hạ tầng là một ví dụ điển hình.
Quảng Ninh, địa phương điển hình với sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn lớn đã giúp Quảng Ninh tạo đột phát kinh tế. Trong đó phải kể đến Tập đoàn Sun Group tham gia xây dựng sân bay Vân Đồn- sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, với tốc độ "thần tốc" khi chỉ mất gần 2 năm xây dựng với số vồn đầu tư khủng lên tới 7.463 tỷ đồng.
Sân bay Vân Đồn không những vượt mặt nhiều sân bay khác về tốc độ thi công nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp mà còn xuất sắc trở thành một trong chín sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam. Sân bay Vân Đồn đã hiện thực hóa ý chí, quyết tâm của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên hạ tầng đi trước một bước.
Ở địa phương khác, Hải Phòng đang có những bứt phá mạnh về mọi mặt khiến đất cảng "lột xác" thần kỳ, trong đó không thể không kể đến sự hiện diện của những dự án bất động sản đình đám, nhà máy sản xuất hiện đại thuộc Tập đoàn Vingroup.
Vùng đất Cát Hải của Hải Phòng, vốn là vùng nước lợ ven biển, người dân sống chủ yếu với nghề nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, Cát Hải đã thay đổi hoàn toàn khi trở thành một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước sau chưa đầy 2 năm. Cát Hải là nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô thương hiệu Việt đầu tiên - VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD.
Rất nhiều người Hải Phòng ngày nay, thay vì lao động trong những công trường khói bụi thì làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng hay những nhà máy công nghệ cao vươn tầm thế giới như VinFast, hay tiếp đến là Vinsmart.
Không chỉ riêng Quảng Ninh, Hải Phòng, trên cả nước, rất nhiều dự án lớn và khó, mang dấu ấn các doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành nhiều năm qua. Có thể kể đến một số dự án hạ tầng như hầm đường bộ Đèo Cả (26.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.200 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng)…
Không chỉ các dự án hạ tầng và ôtô, một ngành "khó xơi" khác là hàng không cũng mang đậm dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân. Kể từ khi bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã giúp định vị lại ngành này và vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á.
Vietjet cũng nổi tiếng trên thị trường thế giới với hàng loạt hợp đồng mua máy bay trị giá lên đến cả chục tỷ USD. Hay mới đây là hãng Viettravel Airlines chính thức đi vào hoạt động cũng là một ví dụ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn có được sự “cởi trói”, sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp tư nhân được đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, được tham gia vào những lĩnh vực mà trước nay chỉ có doanh nghiệp Nhà nước làm hoặc chỉ có các tập đoàn nước ngoài có thể làm được.
Một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực
Trong vòng quay quỹ đạo, nổi bật là khu vực đầu tư nước ngoài, một trong những thành phần kinh tế quan trọng tạo nên sức bật phát triển kinh tế, cũng như nâng vị thế và hình ảnh sớm mở cửa hội nhập của Việt Nam trên thế giới.
Trong hơn 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam đã thu hút trung bình hơn 7 tỷ USD/năm. Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 thấy rằng, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.
Việt Nam trong thập kỷ qua được đánh giá là một trung tâm quan trọng thu hút nguồn vốn FDI của thế giới. Những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI cũng giúp Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc ngay từ năm 2017 cũng đánh giá Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực đầu tư nước ngoài là tác nhân chủ yếu trong việc gia tăng xuất khẩu, đưa nền kinh tế Việt Nam đứng trong nhóm 30 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng cho biết, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng, đã được các nhà đầu tư đánh giá cao do có một số lợi thế như: Là nước có nền chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong nhiều năm; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường rộng lớn, mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao; hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; có nhiều ưu đãi và chi phí mang tính cạnh tranh. Và Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh hiện nay, bất chấp bối cảnh khủng hoảng do COVID-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt con số 28,53 tỷ USD. Trong xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều dịch chuyển, vốn đầu tư FDI tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong năm 2020 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn và an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cộng với số vốn đăng ký mới, lũy kế đến cuối tháng 12/2020, cả nước có 33.070 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% vốn đăng ký còn hiệu lực.
Ngay trong bối cảnh dịch COVID-19, vẫn có hàng loạt "đại bàng" công nghệ trên thế giới như Foxcon, Luxshare, Pegatron..., những nhà sản xuất cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các "ông lớn" công nghệ toàn cầu Apple, Sony, Microsoft đã đến đầu tư tại Bắc Giang, Hải Phòng gần đây. Nhiều chuyên gia nhận định những tên tuổi lớn này có thể tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, các nhà cung ứng, sản xuất, lắp ráp sản phẩm hàng đầu cho Apple, Microsoft, Sony quyết định chọn Việt Nam đầu tư thời gian gần đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thành công trong thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
"Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang tốt. Nếu chúng ta tạo được hành lang pháp lý tốt, với những ưu đãi hợp lý, đúng pháp luật cho nhà đầu tư sẽ là phương thức xúc tiến đầu tư tốt nhất," ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, việc thu hút thành công các nhà đầu tư lớn tại Hải Phòng, Bắc Giang cho thấy kết quả nỗ lực của tổ công tác đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài, và việc khống chế thành công dịch COVID-19 của Chính phủ. Nó cũng cho thấy hiệu quả của chính sách ưu đãi đầu tư có trọng điểm chúng ta đưa ra trong thời gian qua.
Mặc dù đạt những thành tựu nhất định, tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế Việt Nam để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, Đảng và Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét những vấn đề đặt ra để hoàn thiện hơn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trách nhiệm xã hội là thước đo của thành công
Vai trò của các thành phần kinh tế đã được thể hiện rõ nhưng trách nhiệm xã hội của các thành phần kinh tế vì mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội cũng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Hiệu quả, thành công của các thành phần kinh tế không chỉ được đo bằng hiệu quả kinh tế, mà còn được đo đếm bằng trách nhiệm xã hội cao cả, bằng tiềm năng và cơ hội cho tương lai dài rộng.
Các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh việc hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì còn vì nhiều mục tiêu để phục vụ, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, của nền kinh tế nước nhà và là củng cố chắc chắn hơn nữa diện mạo quốc gia. Từ đó cho thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng ngày càng phát huy trách nhiệm với người tiêu dùng, môi trường, xã hội hay các nhân viên tham gia lao động trong các doanh nghiệp của mình.
Minh chứng rõ nét nhất cho việc sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xã hội phải kể đến là đóng góp của khối kinh tế tư nhân. Trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân thể hiện rõ nét trong trường hợp Sân bay Vân Đồn trong mùa dịch COVID-19.
Khi dịch bệnh nguy hiểm bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam bằng rất nhiều nỗ lực đã quyết định thực hiện những chuyến bay “giải cứu” đồng bào về nước. Khi ấy, sân bay Vân Đồn là một trong những cái tên “tiên phong” sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm chưa từng có tiền lệ này.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ: "Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị thiệt hại lớn, song Tập đoàn Sun Group vẫn nỗ lực hết sức để chung tay với Chính phủ triển khai đón các chuyến bay đưa đồng bào từ vùng dịch trên thế giới về Việt Nam hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Dù vất vả và đối mặt với nhiều nguy cơ, song chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ và trách nhiệm mà những người con đất Việt cần phải gánh vác khi Tổ quốc cần. Tổng cộng, đến nay, sân bay Vân Đồn đã đón 40 chuyến bay với gần 6.500 hành khách từ các vùng dịch khác nhau theo một quy trình khép kín bên ngoài nhà ga, đảm bảo tuyệt đối an toàn."
Hay việc chủ trương xã hội hóa vaccine giảm thiểu áp lực cho ngân sách của Đảng và Chính phủ phát động cũng đã ghi nhận sự đống góp tích cực của các Doanh nghiệp tư nhân.
Bộ Tài chính cho biết đã tiếp nhận 300 tỷ đồng từ Tập đoàn Sun Group, 160 tỷ đồng từ Vingroup; Vinamilk ủng hộ 10 tỷ đồng…Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ủng hộ của các doanh nghiệp đã thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng, cùng cả nước tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe nhân dân.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch như: dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sỹ tuyến đầu chống dịch... với số tiền lên tới trên 1.277 tỷ đồng trong năm 2020. Tập đoàn Vingroup còn mong muốn đầu tư đưa công nghệ sản xuất vaccine vào Việt Nam để có thể chủ động trong sản xuất vaccine.
Hay ở một khía cạnh khác về trách nhiệm xã hội đó là Chương trình "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam" do Vinamilk phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai từ năm 2012. Sau 9 năm triển khai, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam và Vinamilk đã chính thức cán đích với 1.121.000 cây được trồng tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng trong hành trình phủ xanh Việt Nam.
Ngoài lợi ích hữu hình là những mảng xanh được hình thành, ý nghĩa lớn nhất mà Vinamilk và Chương trình mang lại chính là sự lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có hệ thống kênh rạch chằng chịt, việc đi lại sinh hoạt của bà con nông còn khó khăn đã diễn ra nhiều năm. Khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động chương trình Cầu Nông thôn nhằm xây dựng hàng loạt cầu bê tông tại tỉnh Long An, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã cùng nhiều doanh nghiệp khác nhiệt tình hưởng ứng để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại những xã còn kém phát triển về hạ tầng.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, Thaco cũng đã tài trợ để xây dựng nhà Đại Đoàn Kết và hỗ trợ người nghèo đón Tết cổ truyền của dân tộc với tổng kinh phí từ năm 2018 đến nay là 75,2 tỷ đồng.
Đó chỉ là một vài những chương trình, hành động cụ thể trong hàng trăm, hàng nghìn các chương trình mà các doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện vì trách nhiệm với cộng đồng mà trong khuôn khổ bài viết không đề cập được.
Có thể nói, những đóng góp của các thành phần kinh tế trong suốt quá trình hình thành và phát triển đã cho thấy không chỉ “kinh doanh” hay “lợi nhuận,” mà chính “trách nhiệm xã hội” là thước đo và động lực dẫn đến thành công bền vững của các doanh nghiệp./.
Theo TTXVN