Mang tiếng trồng cấy ôm đồm
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khắp lượt từ vườn mít Thái, vườn táo hồng, vườn sa pô chê, ao nuôi cá, ông Võ Văn Đông nói rành mạch “tính nết” từng loại cây. Cả khu miệt vườn ăn trái của ông Võ Văn Đông rộng tới hơn 10ha, chưa có khách nào kiên trì mà đi hết được. Dừng lại ở vườn mít Thái cây nào cũng treo trái lủng lẳng, ông Võ Văn Đông chia sẻ: “Giống mít này ngon mà hút hàng lắm nha. Tất cả chổ này của nhà tui là 15 công. Với giá bán trái mít Thái bình quân từ 13.000-16.000 đồng/ ký, mỗi năm nhà tui lời ra được 500 triệu đồng. Đấy là tui còn vặt bớt trái non đi để muốn dưỡng cây để ăn dài dài…”.
Ông Võ Văn Đông trồng 15 công với 1.000 cây mít Thái, lãi nửa tỷ đồng/năm. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Nhìn vườn cây trái xanh mướt mát của nhà ông Đông, ai cũng cho rằng làm trái cây ở cái xứ này nó nhàn hạ mà lại có tiền, nhưng nghe ông Đông kể mới thấy cực là cực. “Đất xứ này sét rất nhiều lại là vùng đất trũng nước. Hồi đó tui trồng cam, quýt, chôm chôm nhưng cứ bị cái vụ trúng mùa rớt giá, rồi thất mùa có giá nên quyết định chuyển sang trồng mít Thái, táo hồng, sa pô chê. Mới đó mà hơn chục năm rồi. Với cây mít Thái, táo hồng, sa pô chê, nhà tui giờ sống khỏe rồi…”, ông Đông tự tin khoe.
Ông Võ Văn Đông nhớ lại, quãng năm 2000, ông đã cất công đi tìm hiểu cách trồng, chăm sóc loại cây khó tính là táo hồng. Trồng ướm thử thì thấy cây ưa thổ nhưỡng vườn nhà. Vậy là, ông cất công tìm các kỹ sư, giảng viên đại học tư vấn cho việc đưa cây táo hồng về trồng đại trà trên diện tích 1 ha.
Vườn táo hồng 1ha của gia đình ông Võ Văn Đông chuẩn bị cho thu lứa trái thứ 2 trong năm. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Đất không phụ công, sau hơn 2 năm trồng táo hồng ông Đông bắt đầu thu hoạch và sản lượng táo hồng ngày một tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2015 đến nay, trừ hết các khoãn chi phí, ông Võ Văn Đông còn lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm từ 1ha táo hồng.
Mình có tiền, giúp người khác cũng có tiền
Thấy vườn táo hồng của ông Đông phát triển tốt, thu nhập cao, đã có hàng chục nông dân xung quanh bắt đầu trồng theo trên diện tích 11 ha và đã cho thu nhập rất ổn định, cao hơn nhiều lần so với làm lúa hay trồng các loại cây ăn trái khác. Ông Võ Văn Tây, ngụ ấp Sa Bâu kể : “Nhờ ông Đông hướng dẫn nên 3 công táo của tui trúng mùa được giá. Ngon nhứt là táo hồng luôn hút hàng nên không “ dội chợ”, thương lái tới tận vườn trả tiền rồi tự chuyên chở. Thu nhập khỏe lắm…”.
Vườn cây ăn trái của ông Võ Văn Đông (phải) luôn có các nông dân các nơi tới thăm quan, học hỏi. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Theo ông Đông, bình quân mỗi công sẽ trồng được từ 70 đến 80 gốc táo hồng. Mỗi năm thu hoạch 2 lần, lần thứ nhất khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Lần 2 vào khoãng tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. “Đặc điểm của loại táo hồng là giòn, ngọt và ngon hơn hẳn so với một số loại táo khác lại có khả năng vận chuyển đi xa nên thương lái rất ưa chuộng. Loại cây này ưa nền đất ẩm, khi trồng thì cần cung cấp đầy đủ nước và nhiều dinh dưỡng cho cây. Sau khi thu hoạch xong, người trồng đốn cành và chờ cây đâm nhánh non. Khâu chăm sóc táo đòi hỏi rất nhiều công từ dọn cỏ, cắt cành và bón phân...”.
Trong vườn, ông Võ Văn Đông còn trồng 80 gốc sa pô chê. Ông Đông cho biết, chỉ có 80 cây sa pô chê thôi, nhưng mỗi năm cũng mang về thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Ông Võ Văn Đông bật mí : “Làm nông dân khó tính toán chính xác tiền thu được mỗi năm do giá cả thị trường mỗi năm mỗi khác. Tuy nhiên, bình quân gia đình tui cũng kiếm được từ 700-1 tỷ đồng mỗi năm từ khu vườn cây ăn trái này. Ở vùng khác thì số này nhằm nhò gì, nhưng ở cái vùng trũng, đất sét này thì là con số phấn khởi…”.
Điều đáng quý ở lão nông Võ Văn Đông là ông vừa làm tốt vai trò chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Sa Bâu, vừa giúp được nhiều hộ cùng làm theo, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc Kh’mer…
Theo Phan Thị Anh Thư/Dân Việt