Thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng đã trồng dược liệu trong nhà lưới và thành công trồng trong tự nhiên. Đồng thời, công ty xúc tiến liên kết với người dân địa phương phát triển trồng dược liệu.
Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp
Tại khu vực xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, có đỉnh núi Phja Oắc, cao 1.931m so với mực nước biển. Tại nơi đây, quanh năm có nền nhiệt độ thấp. Trong mùa đông, có thời điểm, khi nhiệt độ xuống thấp, kết hợp độ ẩm cao, băng giá đã xuất hiện và phủ trắng xóa đỉnh Phja Oắc, tạo nên cảnh quan kỳ thú, thu hút du khách.
Nơi đây có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển, trồng nhiều loại cây dược liệu quý. Từ những năm 1960, tại xã Thành Công, Hợp tác xã dược liệu Thành Công đã phát triển trồng cây tam thất với diện tích lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
|
Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng đã ươm giống, trồng thành công hàng chục nghìn cây sâm, tam thất, bảy lá một hoa tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
|
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng, chia sẻ, từ năm 2011, Công ty bắt đầu khai phá, cải tạo, xây dựng Khu du lịch sinh thái Kolia.
Đồng thời, Công ty xây dựng kế hoạch, từng bước liên kết thực hiện phát triển trồng cây chè chất lượng cao, trồng rau, trồng hoa và cây dược liệu tại địa phương. Đến nay, 2 dự án liên kết trồng cây chè chất lượng cao, trồng rau, trồng hoa đã thành công, mở rộng trên diện tích hàng chục héc-ta.
Thực hiện kế hoạch phát triển, liên kết trồng cây dược liệu tại địa phương, từ năm 2022 đến nay, Công ty đã liên kết với Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, Viện Dược liệu (Bộ Y tế), và một số đối tác phát triển ươm, nhân giống, trồng cây tam thất, cây sâm, bảy lá một hoa trong nhà lưới đạt kết quả tốt.
Đến nay, cây dược liệu trồng trong nhà lưới đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Năm 2023, có đối tác ở tỉnh Sơn La đã tìm đến và mua 1.000 cây sâm giống. Từ đầu năm 2023, Công ty cũng tiến hành trồng thử nghiệm 2 cây dược liệu đương quy và cát cánh. Đến nay, diện tích trồng cây đương quy và cát cánh đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Liên kết, phát triển, mở rộng diện tích
Trăn trở vì đời sống một bộ phận đồng bào còn nghèo, khó khăn, trong khi tiềm năng, thế mạnh phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương đang bỏ ngỏ, đồng chí Bàn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thành Công, huyện Nguyên Bình đã tìm hiểu, sang huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai mua giống cây đương quy và cát cánh về trồng trên diện tích hơn 4.000m2 ở xã Thành Công.
Đồng thời, đồng chí Sơn phối hợp, chuyển giao giống cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng trồng thử nghiệm thành công. Đồng chí Bàn Văn Sơn chia sẻ, tôi tâm huyết với việc phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương vì đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao và nếu mở rộng phát triển thành công, đây sẽ là cây trồng giúp thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân.
|
Những cây sâm đang sinh trưởng, phát triển tốt.
|
Từ thành công trong thử nghiệm trồng cây dược liệu tại xã Thành Công, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng đang xúc tiến kế hoạch liên kết, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại huyện Nguyên Bình. Theo tài liệu kỹ thuật chuyên môn dược liệu, cây đương quy, cho sản lượng 3 tấn củ/ha, giá trị trường hơn 100 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, thân và lá cây đương quy được đưa vào món ăn phục vụ du khách đến tham quan Khu du lịch sinh thái Kolia.
Cây cát cánh, cho sản lượng khoảng 3 tấn của/ha. Đây là 2 giống cây dược liệu không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai địa phương, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Các loại cây như: cây tam thất, cây sâm, cây bảy lá một hoa yêu cầu kỹ thuật, chăm sóc tốt hơn, nhưng cho giá trị kinh tế cao.
Thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đầu năm 2024, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng dự kiến sẽ liên kết với 7 gia đình ở 2 xã Thành Công và Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, phát triển diện tích trồng cây đương quy và cát cánh để người dân tham quan, học hỏi mô hình, làm theo.
|
Khách hàng ở tỉnh Sơn La đã mua 1.000 cây sâm giống của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng để phát triển trồng.
|
Chia sẻ về triển vọng phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại địa phương, đồng chí Đào Nguyên Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình, cho biết, địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển trồng cây dược liệu. Do đó, huyện Nguyên Bình đã được tỉnh Cao Bằng lựa chọn là vùng phát triển trồng cây dược liệu để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua khảo sát, đánh giá, có 6/20 xã, thị trấn trong huyện có điều kiện phù hợp trồng cây dược liệu trên diện tích lớn. Hiện, huyện Nguyên Bình đang thẩm định hồ sơ, lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ năng lực làm đối tác thực hiện dự án phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương.
Với kỳ vọng, khi diện tích trồng cây dược liệu được mở rộng, có đầu ra tốt, giá thu mua hợp lý, cây dược liệu sẽ là cây trồng giúp đồng bào các dân tộc huyện Nguyên Bình thoát nghèo nhanh và bền vững, đồng thời từng bước vươn lên làm giàu.